Doanh nghiệp cần nhận diện đầy đủ cơ hội và thách thức để gia tăng xuất khẩu
Trong bối cảnh tình hình thế giới dự báo tiếp tục khó khăn, đòi hỏi các doanh nghiệp Việt Nam cần phải nhận diện đầy đủ các cơ hội, thách thức để có thể giữ vững thị trường và gia tăng xuất khẩu.
Trong khuôn khổ Hội nghị Ngoại giao lần thứ 32 và Hội nghị Ngoại vụ toàn quốc lần thứ 21 (sẽ diễn ra từ ngày 18 - 23/12), chiều 15/12, Bộ Ngoại giao đã tổ chức Tọa đàm “Các Trưởng cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài với các hiệp hội doanh nghiệp Việt Nam”.
Tại Phiên thảo luận “Cơ hội và thách thức đối với doanh nghiệp Việt Nam trong tiến trình hội nhập”, chia sẻ về cơ hội cho các doanh nghiệp Việt Nam khi tiếp cận thị trường Liên minh châu Âu (EU), ông Nguyễn Văn Thảo - Đại sứ Việt Nam tại Bỉ, Trưởng Phái đoàn Việt Nam tại EU cho biết, EU là một thị trường rộng lớn, trung bình 1 năm toàn thị trường EU nhập khẩu từ ngoài khối khoảng trên 3.000 tỷ Euro. Đây cũng là thị trường có tính ổn định, bền vững.
Trong khi đó, Việt Nam là 1 trong 4 nước ký kết hiệp định thương mại tự do (FTA) với EU và những mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam không mang tính cạnh tranh trực tiếp với 3 nước còn lại cũng có FTA với EU. Bên cạnh đó, Việt Nam có hệ thống mạng lưới cơ quan đại diện rất rộng tại châu Âu và mối quan hệ giữa Việt Nam với các nước trong EU rất tốt.
Ngoài ra, sau dịch Covid-19, cũng như sau xung đột Nga - Ukraine, hiện nay thị trường EU đang có nhu cầu lớn về đa dạng hóa nguồn cung, đây cũng là một cơ hội tốt cho các doanh nghiệp Việt Nam.
Song hành với những cơ hội, theo ông Thảo, thị trường này cũng có nhiều thách thức với doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam. Cụ thể, EU là một thị trường tiêu chuẩn cao cùng với hệ thống luật thương mại rất phức tạp. Cùng với đó, khoảng cách địa lý khá xa, kéo theo chi phí vận chuyển, logistics lớn làm hạn chế khả năng cạnh tranh của các doanh nghiệp Việt Nam với các đối tác khác.
Về vấn đề nội tại của doanh nghiệp Việt, theo ông Thảo, hiện nay, nhìn chung chất lượng hàng hóa, dịch vụ của Việt Nam vẫn chưa đáp ứng được tiêu chuẩn của EU. Điều này dẫn đến kết quả xuất khẩu của Việt Nam sang EU hiện mới chỉ chiếm 1,7% so với nhu cầu nhập khẩu mỗi năm khoảng 3.000 tỷ Euro của EU - một con số hết sức khiêm tốn.
Bên cạnh đó, các doanh nghiệp Việt nắm bắt thông tin và hiểu biết về thị trường EU còn hạn chế, kể cả thông tin về thị trường, đối tác, luật pháp…
Chia sẻ về thách thức trong việc tiếp cận thị trường Trung Quốc - đối tác thương mại lớn nhất của Việt Nam, ông Đỗ Nam Trung - Tổng Lãnh sự Việt Nam tại Nam Ninh, Trung Quốc cho biết, hiện nay Trung Quốc không còn được coi là thị trường dễ tính, mà ngày càng hướng tới các tiêu chuẩn cao về chất lượng hàng hóa. Đặc biệt, trong lĩnh vực nông nghiệp, các mặt hàng nông sản của Trung Quốc ngày càng có chất lượng tốt, điều đó đòi hỏi Việt Nam cần phải nâng cao chất lượng sản phẩm nông sản mới có thể cạnh tranh được với sản phẩm nội địa.
Ngoài ra, mặc dù là hai nước láng giềng, song tốc độ lưu thông hàng hóa đôi khi còn chậm cũng ảnh hưởng đến việc giao thương giữa hai nước.
Từ góc độ doanh nghiệp, ông Thân Đức Việt - Tổng Giám đốc Tổng Công ty May 10 chia sẻ, đối với ngành dệt may, hiện thách thức nhiều hơn cơ hội.
Cụ thể, các thách thức hiện hữu với ngành dệt may có thể kể đến đó là số lượng đơn hàng bị giảm sút, cạnh tranh giữa các đối tác ngày càng lớn. Đặc biệt, nhiều thị trường nhập khẩu đang đặt ra rất nhiều tiêu chuẩn, yêu cầu cao đối với các mặt hàng dệt may liên quan đến vấn đề sản xuất xanh, bảo vệ môi trường, tiết kiệm năng lượng, tái sử dụng nguyên liệu…, đòi hỏi doanh nghiệp phải đầu tư chi phí lớn, thay đổi mô hình sản xuất để có thể đáp ứng.
Trước những cơ hội, thách thức trên, đề xuất giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp, ông Trương Đình Hòe - Tổng Thư ký Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) mong muốn các thương vụ, cơ quan đại diện Việt Nam tại nước ngoài phát huy hơn nữa vai trò ngoại giao kinh tế, hỗ trợ các doanh nghiệp xuất khẩu tìm hiểu rõ thông tin về thị trường, về luật pháp, đối tác... tại các thị trường trên thế giới.
Đồng thời, doanh nghiệp cũng mong muốn nhận được sự hỗ trợ tích cực từ các Đại sứ, Trưởng cơ quan đại diện Việt Nam tại nước ngoài trong việc kết nối, tìm kiếm đối tác đủ lớn, uy tín; vận động bên lề để giúp tháo gỡ các rào cản thương mại áp đặt với sản phẩm hàng hóa, ngành hàng của Việt Nam…/.