Doanh nghiệp cần tận dụng mọi cơ hội để “vượt sóng”

Theo Quỳnh Lê/thitruongtaichinhtiente.vn

Tạp chí Diễn đàn Doanh nghiệp vừa phối hợp với các cơ quan quản lý, hiệp hội doanh nghiệp, các chuyên gia kinh tế trong và ngoài nước... tổ chức chương trình thường niên Diễn đàn kinh tế 2023 - Cùng doanh nghiệp “vượt sóng” nhằm phân tích, dự báo tình hình kinh tế năm 2023, đồng thời, đưa ra các khuyến nghị, cùng các doanh nghiệp hoạch định chính sách, chiến lược kinh doanh phù hợp.

Toàn cảnh Diễn đàn.
Toàn cảnh Diễn đàn.

Doanh nghiệp trong nước bị tổn thương nghiêm trọng 

Chia sẻ tại Diễn đàn, ông Hoàng Quang Phòng, Phó Chủ tịch Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho biết, dù khu vực doanh nghiệp đông về số lượng, nhưng quy mô và tiềm lực không mạnh, sức chống chịu và khả năng cạnh tranh còn hạn chế.

Thống kê cho thấy bình quân một tháng có 18,1 nghìn doanh nghiệp thành lập mới và quay trở lại hoạt động thì có 12,5 nghìn doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường. 

Nói cách khác, trong nền kinh tế cứ 10 doanh nghiệp gia nhập mới và quay trở lại thì có 7 doanh nghiệp tạm thời hoặc vĩnh viễn rút lui khỏi thị trường. Điều này phản ánh khu vực doanh nghiệp vẫn bị tổn thương nghiêm trọng trước những khó khăn của kinh tế thế giới và trong nước.

Chia sẻ về những khó khăn chồng chất mà doanh nghiệp bất động sản đang gặp phải, ông Nguyễn Văn Đính, Phó Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Việt Nam (VNREA) cho biết, nguồn cung của thị trường đã sụt giảm rõ rệt, trong 9 tháng đầu năm 2022 chỉ có khoảng 40 nghìn sản phẩm mới được đưa vào thị trường giao dịch, chỉ tương đương khoảng 20% so với năm 2019. Tỷ lệ hấp thụ đạt mức thấp nhất so với từ năm 2015 cho đến nay.

Các cơ cấu sản phẩm của bất động sản cũng đang có những dấu hiệu của sự bất hợp lý, không phù hợp nhu cầu thực của đại chúng, tồn kho trên thị trường chủ yếu đến từ bất động sản cao cấp.

Bất động sản bị định giá quá cao, không phù hợp với khả năng chi trả của đại bộ phận người dân. Áp lực áp lực tăng giá đầu vào phát triển bất động sản cũng rất mạnh.

Bên cạnh đó, thị trường cũng gặp khó khăn lớn về nguồn vốn từ việc kiểm soát tín dụng, trái phiếu. Các doanh nghiệp bất động sản các chủ đầu tư đang trong tình trạng thiếu vốn, đói vốn, khó tiếp cận với các kênh huy động vốn như tín dụng, trái phiếu doanh nghiệp, thu tiền sớm của khách hàng.

“Thanh khoản yếu dẫn đến sụt giảm doanh thu rất mạnh, trong khi chi phí tiếp khách vì tài chính trách nhiệm, lãi suất thật áp lực rất mạnh cho doanh nghiệp bất động sản.

Không ít doanh nghiệp thiếu vốn nên buộc phải dừng các dự án đang triển khai thậm chí là sa thải bớt lực lượng lao động, giảm giá thành, chấp nhận lỗ”, ông Nguyễn Văn Đính cho biết.

Đối với ngành Nông nghiệp, TS. Trần Công Thắng, Viện trưởng Viện Chính sách và Chiến lược Phát triển Nông nghiệp Nông thôn (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) cho biết, ngành cũng chịu tác động chung của cuộc khủng hoảng COVID-19, xung đột Nga - UKraine, chính sách tăng lãi suất của các nước và cả thiên tai, biến đổi khí hậu cũng như sự thay đổi chính sách của các thị trường lớn như Trung Quốc…

“Nhiều yếu tố dẫn tới lạm phát cao ở các nước khiến nguồn cung lương thực giảm. Cùng với đó, giá nông sản, giá lương thực và giá dầu đều tăng. Cùng với đó là chính sách hạn chế xuất khẩu của các nước”, ông Thắng cho biết. 

Phát huy nội tại để vượt qua thách thức

Phát biểu tại Diễn đàn, TS. Nguyễn Quốc Việt, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu kinh tế và chính sách nhận định, hiện nay, những bất ổn bên ngoài đang gây ra những khó khăn chung cho nền kinh tế Việt Nam đã có những tác động đến chính sách điều hành vĩ mô và môi trường kinh doanh.

Do đó, để góp phần giúp doanh nghiệp đối phó với những biến động và khó khăn, TS. Nguyễn Quốc Việt cho rằng, chủ trương và chính sách của Chính phủ, Quốc hội trong việc ổn định kinh tế vĩ mô là ưu tiên hàng đầu. 

Ngoài ra, bản thân doanh nghiệp cũng cần duy trì tinh thần khởi sự kinh doanh, phát huy tinh thần tự chủ, tự lực bên cạnh sự hỗ trợ của Nhà nước để duy trì sự chủ động trước các “sóng gió”.

Đồng thời, các cơ quan hoạch định chính sách, quản lý cũng cần hành xử theo thị trường, dựa trên cơ chế thị trường để có thể hỗ trợ tốt hơn cho doanh nghiệp.

Trong khi đó, ông Nguyễn Văn Đính cho rằng, giải pháp vực dậy thị trường bất động sản là cần thiết phải có những sự tháo gỡ với những cơ chế đặc thù cho các dự án đang “nằm chờ” phê duyệt trong thời gian chờ sửa đổi các luật.

Phó Chủ tịch VNREA bày tỏ tin tưởng rằng, Chính phủ cũng đang có những động thái rất quyết liệt để tháo gỡ khó khăn vướng mắc cho thị trường bất động sản. 

“Chúng tôi mong muốn có những động thái cụ thể hơn để có những chính sách quyết liệt giải quyết các vướng mắc của các dự án bất động sản hiện nay”, ông Đính nói.

Đồng thời, đạo diện VNREA cũng kiến nghị cần có chính sách tín dụng đặc biệt cho thị trường bất động sản, đặc biệt là các dự án cấp thiết cho xã hội, các dự án để khuyến khích các nguồn hàng phù hợp với nhu cầu chung của đại chúng như nhà ở xã hội, nhà ở thu nhập thấp.

Ông Nguyễn Hồng Long, Phó trưởng ban chuyên trách Ban Chỉ đạo Đổi mới và Phát triển Doanh nghiệp cho biết, từ quý IV của năm nay, nền kinh tế nước ta chịu những tác động của tình hình địa chính trị thế giới.

Lường trước những thách thức của kinh tế toàn cầu, Chính phủ có chính sách điều hành kinh tế phù hợp, trong đó có hai chính sách quan trọng chính sách tiền tệ và chính sách tài khoá.

Tuy nhiên, cùng với chính sách hỗ trợ của Chính phủ, để vượt qua thách thức, khó khăn trên cần có vai trò chủ động của doanh nghiệp trong việc phát huy nội tại để chống đỡ với những đợt sóng.

Theo đó, trong năm tới, kịch bản điều hành sẽ hướng tới những giải pháp trọng yếu sau:

Thứ nhất, duy trì cải cách gắn với phục hồi và củng cố ổn định kinh tế vĩ mô. Tiếp tục ưu tiên giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm cân đối lớn của nền kinh tế; theo dõi sát diễn biến, tình hình kinh tế, giá cả, lạm phát, thị trường thế giới, khu vực, trong nước, kịp thời nhận biết rủi ro. Điều hành đồng bộ, linh hoạt, phối hợp chặt chẽ giữa chính sách tài khoá với chính sách tiền tệ và chính sách vĩ mô khác để kiểm soát lạm phát.

Thứ hai, tăng cường huy động và sử dụng các nguồn lực. Trong đó, đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công dự kiến được cân đối tăng thêm gần 29% trong năm 2023 để tăng tổng cầu từ phía Chính phủ hỗ trợ cho nền kinh tế, góp phần dẫn dắt, kích thích đầu tư tư nhân.

Có chính sách khuyến khích kinh tế tư nhân phát triển, hoàn thiện cơ chế tạo động lực cho người dân đầu tư vốn vào các hoạt động sản xuất kinh doanh như chính sách cạnh tranh, chính sách khai thác nguồn lực dữ liệu.

Khó khăn là điều không thể bàn cãi nhưng rõ ràng, những khó khăn đang hiện hữu sẽ khiến doanh nghiệp có thêm nhiều sự sáng tạo. Ông Nguyễn Hồng Long nêu rõ những điểm nhấn mà các doanh nghiệp cần lưu ý trong năm tới như sau:

Một là, dự trù kế hoạch kinh doanh năm 2023, theo sát diễn biến thị trường trong và ngoài nước đang là một trong những giải pháp mà nhiều doanh nghiệp linh hoạt áp dụng. 

Tái cơ cấu cả về chiến lược, cơ cấu tổ chức, hoạt động, tài chính và quản trị doanh nghiệp nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh, tăng trưởng về tài sản, minh bạch tài chính.

Hai là, lạm phát xảy ra, các thị trường trọng yếu thị trường Mỹ, EU giảm sức mua cũng có thể xem đây là thời điểm thích hợp để các doanh nghiệp tái cấu trúc, đầu tư sản xuất theo mô hình xanh hóa, đón đầu thị trường dệt may thế giới ngày càng chú trọng các tiêu chuẩn phát triển bền vững. 

Ba là, về chuyển đổi số, doanh nghiệp càng thích ứng tốt hơn thì dễ vượt qua khủng hoảng hơn. Khủng hoảng cũng tạo không gian cho các hoạt động kinh tế mới phát triển một cách bền vững như kinh tế chia sẻ, kinh tế số (thúc đẩy đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số, phát triển kỹ năng lao động gắn với số hoá góp phần tăng năng suất lao động.

Bốn là, đổi mới sáng tạo nhằm thích ứng với Cách mạng công nghiệp 4.0, tập trung đầu tư để nâng cấp công nghệ lõi, đầu tư và ứng dụng các công nghệ hiện đại, tiên tiến; Chú trọng tăng cường năng lực quản trị công nghệ, tạo dựng nền tảng phát triển mạnh các sản phẩm, dịch vụ hiện đại, hiệu quả.

Năm là, đối với giải pháp vốn, hơn lúc nào hết các doanh nghiệp chủ động tiếp cận thông tin về các gói tín dụng, quy định về vay vốn; nghiêm túc thực hiện các quy định của pháp luật, quy chế cho vay; tăng cường mở rộng hợp tác, liên kết với các doanh nghiệp trong và ngoài nước.

Sáu là, cuối cùng và quan trọng nhất là củng cố, tăng cường đào tạo đội ngũ cán bộ nhân viên, phát triển văn hóa doanh nghiệp và cao hơn nữa là xây dựng một nền văn hoá kinh doanh của Việt Nam.