Doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ: Chủ động liên kết
Thời gian qua, các doanh nghiệp (DN) công nghiệp hỗ trợ trong nước đã chủ động đầu tư đổi mới công nghệ, hướng tới tự động hóa; Tăng cường liên kết để nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, tham gia vào các chuỗi cung ứng toàn cầu…
Nhiều dự án đầu tư
Với sự chủ động từ phía DN công nghiệp cũng như hỗ trợ của nhà nước, thời gian qua, các địa phương đã thực hiện hàng loạt chương trình, hoạt động như: Chương trình Phát triển DN bền vững (SCORE) nhằm giúp DN nhỏ và vừa nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm; Chương trình “Phát triển nhà cung cấp tốt” cùng hàng trăm cuộc kết nối trực tiếp giữa DN trong nước với DN có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) nhằm tìm đầu ra cho sản phẩm… Nhờ vậy, nhiều DN công nghiệp hỗ trợ đã chủ động đầu tư, đổi mới công nghệ, nâng cao chất lượng sản phẩm, tham gia vào các chuỗi cung ứng toàn cầu.
Để đón đầu cơ hội trong lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ, các DN công nghiệp hỗ trợ đã mạnh dạn đầu tư vào dự án cơ khí chính xác tại Khu công nghệ cao TP. Hồ Chí Minh với tổng vốn đăng ký hơn 1.000 tỷ đồng. UBND TP. Hà Nội cũng phê duyệt Đề án Phát triển công nghiệp hỗ trợ trên địa bàn giai đoạn 2017 - 2020, định hướng tới năm 2025. Thành phố đặt mục tiêu đến năm 2020, sẽ có 900 DN chuyên sâu trong lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ; Trong đó, 40 DN có hệ thống sản xuất và sản phẩm đạt chuẩn quốc tế, đủ năng lực cung ứng tham gia vào mạng sản xuất toàn cầu của các tập đoàn đa quốc gia.
Đại diện Công ty Cổ phần ô tô Trường Hải (Thaco) cho biết, đơn vị này có 13 nhà máy công nghiệp hỗ trợ, ngoài cung cấp linh kiện cho Thaco, còn có thể cung cấp cho các DN khác tại Việt Nam. Để hỗ trợ DN, cần tăng cường kết nối, hợp tác; Xây dựng kênh thông tin, lập trang web riêng để DN công nghiệp hỗ trợ có thể dễ dàng tìm kiếm, liên kết phát triển.
Nhờ tham gia Chương trình “Phát triển nhà cung cấp tốt”, Công ty Cổ phần Công nghiệp hỗ trợ Minh Nguyên đã mạnh dạn đầu tư hệ thống máy móc hiện đại, tiên tiến với vốn đầu tư lên tới 1.600 tỷ đồng sản xuất các sản phẩm công nghệ cao. Công ty đã được Samsung tin tưởng chọn là nhà cung ứng cấp 1, cung ứng linh kiện phụ trợ cho tổ hợp Dự án Sản xuất thiết bị điện tử gia dụng của Tập đoàn Samsung.
Tăng cường kết nối
Hiện, TP. Hồ Chí Minh là nơi tập trung số DN công nghiệp hỗ trợ lớn nhất cả nước. Sau hơn 1 năm xây dựng cơ sở dữ liệu về các DN công nghiệp hỗ trợ, thành phố đã cập nhật được thông tin của hơn 500 DN, qua đó, có thể hỗ trợ xúc tiến đầu tư, tìm kiếm nhà cung ứng, đối tác tiêu thụ.
Cùng đó, Sở Công Thương TP. Hồ Chí Minh đã phối hợp với Ban quản lý các khu chế xuất - khu công nghiệp (HEPZA), Ban quản lý Khu công nghệ cao TP. Hồ Chí Minh tổ chức “Ngày hội tìm kiếm nhà cung cấp công nghiệp hỗ trợ 2018 - SFS 2018”. Qua đó, thu hút sự tham gia của 17 DN FDI và DN sản xuất công nghiệp thuộc lĩnh vực công nghiệp điện tử, ôtô và cơ khí chế tạo.
Đây là cơ hội giúp DN công nghiệp hỗ trợ trao đổi, tìm hiểu nhu cầu về chất lượng, số lượng cũng như tiêu chuẩn của các DN sản xuất đầu cuối trong và ngoài nước. Từ đó, xác định được những yêu cầu cung ứng; từng bước đầu tư cải thiện năng lực sản xuất, đáp ứng yêu cầu của các đối tác và tiến tới tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu.
TP. Hà Nội cũng tăng cường thu hút đầu tư, nâng cao năng lực của các ngành sản xuất công nghiệp hỗ trợ thông qua hoạt động của Chương trình Phát triển công nghiệp hỗ trợ; Góp phần tạo dựng và hình thành mạng lưới DN vệ tinh; Thúc đẩy hợp tác, liên kết sản xuất của DN công nghiệp hỗ trợ Hà Nội với hệ thống các DN lắp ráp, các tập đoàn đa quốc gia, các DN FDI trên địa bàn thủ đô, khu vực phía Bắc và cả nước cũng như xuất khẩu.
Mục tiêu Chính phủ đặt ra đến năm 2020, sản phẩm công nghiệp hỗ trợ phải đáp ứng khoảng 45% nhu cầu thiết yếu cho sản xuất, tiêu dùng nội địa và xuất khẩu 25% giá trị sản xuất công nghiệp; đến năm 2030, đáp ứng 70% nhu cầu sản xuất, tiêu dùng nội địa.