Doanh nghiệp đã hết lo bất động sản tồn kho?

Theo Minh Trang/thoibaokinhdoanh.vn

Từ đầu quý IV/2020, thị trường bất động sản dần "ấm" lên khi khách hàng bắt đầu rục rịch quay trở lại giao dịch, là cơ hội để các doanh nghiệp giải quyết lượng hàng tồn kho lớn, khơi thông sự tắc nghẽn của dòng tiền.

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet.
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet.

Nhiều doanh nghiệp bất động sản cho biết, trong 3 quý đầu năm 2020, do ảnh hưởng của dịch bệnh, một số dự án đã phải giảm giá bán nhưng tình trạng nhà đất vẫn “ế” trầm trọng.

Lượng hàng tồn kho lớn

Tại Tập đoàn Nam Long, tính đến cuối tháng 9, lượng hàng tồn kho tăng mạnh, đạt 5.398 tỷ đồng, tăng hơn 1.100 tỷ đồng so với con số ghi nhận đầu năm. Trong đó, các dự án chiếm giá trị hàng tồn kho lớn nhất là Paragon Đại Phước (1.705 tỷ đồng), dự án Akari (1.685 tỷ đồng), dự án Vàm Cỏ Đông (1.090 tỷ đồng)...

Tương tự, tính đến ngày 30/9, hàng tồn kho của Bất động sản Phát Đạt tăng mạnh với giá trị 9.781 tỷ đồng. Trong đó, gần một nửa giá trị hàng tồn kho là ở 2 dự án The EverRich 2 (River City) và The EverRich 3, chiếm 4.480 tỷ đồng. Trong báo cáo tài chính quý III, danh mục hàng tồn kho của Phát Đạt cũng phát sinh thêm dự án Khu du lịch Bến Thành - Long Hải với giá trị gần 1.984 tỷ đồng.

Không nằm ngoài tình hình chung, "đại gia" Đất Xanh cũng tăng mạnh hàng tồn kho, chiếm 44% tổng giá trị tài sản với giá trị tương đương 9.756 tỷ đồng, tăng 44% so với đầu năm. Gem Sky World ở Long Thành (Đồng Nai) là dự án đang chiếm giá trị tồn kho lớn nhất với gần 3.410 tỷ đồng, cao gấp đôi giá trị ghi nhận hồi đầu năm.

Ngoài ra, dự án Gem Riverside vẫn chưa được giải quyết dứt điểm. Theo ghi nhận, giá trị tồn kho tại dự án này vẫn còn hơn 1.580 tỷ đồng tại thời điểm 30/9.

An Gia cũng là một trong những doanh nghiệp có hàng tồn kho tăng mạnh. Tính đến cuối quý III, công ty bất động sản này tồn kho gần 5.190 tỷ đồng, chiếm 60% tổng giá trị tài sản và gần gấp 2 lần con số hồi đầu năm. Trong đó, The Sóng - dự án condotel duy nhất của An Gia, chiếm giá trị tồn kho lớn nhất với 2.142 tỷ đồng.

Bà Nguyễn Hương, Tổng giám đốc Công ty Đại Phúc Land cho rằng, năm 2020, sự mất cân đối cung - cầu đã tạo nên điểm nghẽn về giao dịch bất động sản, nên trong thời gian tới, thị trường sẽ có sự sàng lọc mạnh. Các chủ đầu tư chịu “nhiệt” kém sẽ phải rời bỏ để nhường lại "sân chơi" cho các chủ đầu tư có thương hiệu, nguồn lực và chiến lược phát triển dài hạn.

“Hiện nay, thị trường bất động sản đã "ấm" dần lên, vì vậy các dự án có tính pháp lý đầy đủ, chủ đầu tư có năng lực để triển khai theo cam kết, sản phẩm, dịch vụ chất lượng kết hợp với hoàn thiện cảnh quan, tiện ích sẽ được các nhà đầu tư tin tưởng lựa chọn”, bà Hương nói.

Đã đến thời điểm “phá nghẽn”?

Theo đánh giá của TS. Trần Nguyễn Minh Hải, chuyên gia địa ốc, có 3 nguyên nhân khiến thị trường bất động sản sôi động trở lại trong 3 tháng cuối năm. Đó là dịch bệnh Covid-19 đã được kiểm soát; nhu cầu nhà ở của người dân “ấm" hơn; các ngân hàng đang dư thừa vốn, vì vậy lãi suất cho vay mua nhà đã xuống thấp đến mức kỷ lục, khoảng 7,5%/năm.

“Đây là những yếu tố được kỳ vọng sẽ giúp các doanh nghiệp đẩy hàng tồn kho ra thị trường”, ông Hải nói.

GS. Đặng Hùng Võ, nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường nhìn nhận, xét trên thực tế hiện nay, nguồn cung từ các doanh nghiệp không quá dồi dào, khi nhiều dự án tạm dừng để rà soát pháp lý. Đồng thời, quỹ đất tại các khu vực trung tâm nội đô Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh hay Đà Nẵng đều đang “cạn kiệt”, nên các dự án này ra hàng nhưng chưa thanh khoản được chỉ là bước tạm thời. Các doanh nghiệp không nên lo "ế", vì một vài năm nữa, nguồn cung còn khan hiếm hơn.

Bên cạnh đó, trong giai đoạn hiện nay, nhiều nhà đầu tư và khách hàng có nhu cầu ở thật cũng chưa mạnh dạn xuống tiền do vẫn lo ngại dịch Covid-19 quay trở lại, thị trường ảm đạm sẽ “chôn vốn” của họ lâu hơn. Tuy nhiên, bản chất mua bất động sản không bao giờ là thua cả.

Nhận định về thị trường bất động sản 3 tháng cuối năm 2020 và đầu năm 2021, ông Đặng Hùng Võ cho rằng, mặc dù dịch Covid-19 trên thế giới vẫn phức tạp, nhưng với Việt Nam gần 2 tháng nay không có ca lây nhiễm trong cộng đồng, là một yếu tố quan trọng để thị trường phục hồi. Hơn nữa, cuối năm là dịp người dân mua nhà, là tín hiệu tốt cho thanh khoản nguồn cung, là cơ hội để các doanh nghiệp bất động sản “giải quyết” lượng hàng tồn kho lớn hiện nay.

Theo một số công ty nghiên cứu bất động sản, dự kiến trong 3 tháng cuối năm, Hà Nội sẽ đón nhận 9.800 căn hộ nguồn cung đến từ các chủ đầu tư Ecopark, Vingroup, Bitexco, Công ty TNHH Phát triển Đô thị và Xây dựng 379…

Trong đó, từ Dự án S-Premium Sky Oasis - tòa tháp 5 sao trong khu đô thị xanh Ecopark (hơn 500 căn hộ); hơn 700 căn hộ cao cấp thuộc dự án Maxtric One của Bitexco và 400 căn hộ từ Dự án Athena Complex Pháp Vân được tung ra thị trường…