Doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp: Nâng cao năng lực để đi đường dài

Theo Nguyễn Minh/thoibaonganhang.vn

Thay vì việc phải đi giải cứu nông sản hàng năm, cần đầu tư vào thị trường, hệ thống chuỗi giá trị.

Ảnh minh họa. Nguồn: interrnet
Ảnh minh họa. Nguồn: interrnet

Trong bối cảnh hội nhập, ngành nông nghiệp nước ta đang có bước phát triển vượt bậc, đặc biệt là lĩnh vực xuất khẩu. Tuy nhiên các DN lại chưa thực sự mặn mà đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp mà nguyên nhân chính là lợi nhuận thấp, rủi ro cao, khó áp dụng khoa học kỹ thuật, thị trường bấp bênh…

Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, cả nước hiện chỉ có hơn 49.600 DN đầu tư vào nông nghiệp, chiếm 8% tổng số DN đang hoạt động. Trong đó, quy mô của DN trong lĩnh vực nông nghiệp chủ yếu là vừa và nhỏ, thậm chí rất nhỏ, với mức vốn đầu tư thấp. Chính vì thế sức cạnh tranh của các DN này còn yếu, đặc biệt là trong bối cảnh hội nhập hiện nay.

Ông Đặng Kim Sơn - nguyên Viện trưởng Viện Chính sách và Chiến lược phát triển nông nghiệp nông thôn cho biết, hiện nay các DN đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp gặp rất nhiều rào cản. Những khó khăn trong nội tại đã khiến các DN đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp khó có thể cạnh tranh và đối mặt với thực tế thua ngay trên sân nhà. Trong đó, vướng mắc lớn nhất vẫn là thị trường tài nguyên-đất đai.

Vốn cũng đang là bài toán đau đầu đối với DN nông nghiệp bởi phần lớn là DNNVV với tài sản thế chấp giá trị thấp. Ông Đặng Kim Sơn cho rằng, DNNVV đang thiếu vốn nghiêm trọng, trong đó có vốn đầu tư trung hạn, đầu tư dài hạn, ngay cả vốn ngắn hạn cũng còn thiếu. Các DN nhỏ thường không có tài sản gì để thế chấp ngoài diện tích đất dự định đầu tư sản xuất. Chính vì thiếu vốn nên việc đầu tư cho công nghệ còn rất ít, thậm chí nhiều DN vẫn áp dụng những công nghệ cũ, lạc hậu. Hệ quả là những sản phẩm làm ra khó có thể cạnh tranh trên thị trường khi các nước đã áp dụng công nghệ tiên tiến trong sản xuất.

Cùng với đó, chất lượng nguồn lao động trong lĩnh vực nông nghiệp còn thấp. Đa số các lao động làm trong nhà máy xí nghiệp, các DN là lao động thời vụ. Chính vì thế, họ không thể đầu tư để nâng cao trình độ, không có ý thức phấn đấu để tăng năng suất và hiệu quả sản xuất. Bên cạnh đó, việc thiếu thông tin thị trường cũng là rào cản rất lớn khiến cho DN nông nghiệp khó bắt kịp xu thế. Theo ông Sơn, không có cơ quan nghiên cứu thông tin dài hạn cho nông dân. Thay vì việc phải đi giải cứu nông sản hàng năm, cần đầu tư vào thị trường, hệ thống chuỗi giá trị. 

Trên thực tế, trong điều kiện hội nhập mạnh mẽ, DN trong nước đang chới với để cạnh tranh với DN nước ngoài, thậm chí có tâm lý mặc cảm. Điều này đã ảnh hưởng rất lớn đến cung cách hoạt động của DN nước ta, tác động xấu đến năng lực cạnh tranh, thậm chí là kéo nhau đi xuống.

Hiện ngành nông nghiệp đang hướng ra xuất khẩu và là một trong những nhóm hàng xuất khẩu chủ lực với kim ngạch xuất khẩu trung bình 36 - 37 tỷ USD/năm và tiến đến mục tiêu là 40 tỷ USD trong năm 2018. Để nâng cao sức cạnh tranh trong lĩnh vực này rất cần sự vào cuộc mạnh mẽ của Chính phủ, Nhà nước và bản thân ngành nông nghiệp.

Tại Hội nghị toàn quốc thúc đẩy DN đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp mới đây, Thủ tướng Chính phủ đã yêu cầu các cấp, các ngành, Bộ NN-PTNT và các địa phương cần ưu đãi cho đầu tư vào nông nghiệp. Theo Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng, Việt Nam tiếp tục tập trung các nhóm giải pháp dành cho ngành nông nghiệp như rà soát các thủ tục hành chính trong lĩnh vực này để cắt giảm 40 – 50% thủ tục so với hiện nay.

Bên cạnh đó, rà soát, tránh chồng chéo trong quản lý, kiểm tra không để tình trạng một mặt hàng chịu sự quản lý của quá nhiều đơn vị; Nhanh chóng có giải pháp tạo quỹ đất, xây dựng thí điểm các mô hình tích tụ tập trung đất đai cho nông nghiệp đảm bảo hài hòa lợi ích Nhà nước – Người nông dân và DN; Thúc đẩy ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất và kinh doanh trong nông nghiệp như giống cây trồng, bảo quản, chế biến sau thu hoạch, chuỗi thực phẩm an toàn và truy xuất nguồn gốc…

Ông Đặng Kim Sơn cho rằng, phải giải quyết được các rào cản đó thì mới có thể từng bước nâng cao năng lực cạnh tranh cho DN ngành nông nghiệp, cũng là góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia.