Doanh nghiệp dệt may báo lãi sớm

Theo vnexpress.net

Hai doanh nghiệp trong ngành may mặc được nhà đầu tư chú ý trên sàn chứng khoán thời gian gần đây là Dệt may Thành Công và TNG vừa công bố kết quả kinh doanh khả quan trong quý III/2015.

Theo số liệu vừa công bố của Công ty Đầu tư và Thương mại TNG (Mã CK: TNG), doanh thu và lợi nhuận sau thuế quý III của đơn vị lần lượt đạt 627 và xấp xỉ 25 tỷ đồng, đều tăng hơn 24% so với cùng kỳ.

Lũy kế 9 tháng, TNG ghi nhận doanh thu 1.424 tỷ đồng, tăng hơn 38% so với cùng kỳ. Lợi nhuận sau thuế đạt gần 59 tỷ, tăng gấp rưỡi và tương đương gần 79% kế hoạch lợi nhuận cả năm 2015.Tuy vậy tính đến 30/9, nợ ngắn hạn của công ty cũng tăng 25% so với đầu năm, đạt hơn 937 tỷ đồng.

Doanh nghiệp dệt may báo lãi sớm - Ảnh 1

Hai doanh nghiệp dệt may được hưởng lợi từ TPP đều công bố kết quả kinh doanh khả quan.

Tại Công ty Dệt may đầu tư thương mại Thành Công (Mã CK: TCM), doanh thu thuần sau 9 tháng ước đạt 2.164 tỷ đồng, tương ứng 78% kế hoạch năm 2015. Riêng trong quý III, doanh thu TCM ước đạt 825 tỷ đồng, lợi nhuận từ hoạt động đạt khoảng 80 tỷ.

Mới đây, Công ty chứng khoán Bảo Việt (BVSC) nhận định TCM có thể đạt doanh thu thuần và lợi nhuận sau thuế cả năm 2015 lần lượt ở mức 2.763 tỷ đồng và 171 tỷ đồng (tăng 6,2-7,5% so với năm trước).

Ngành dệt may hiện có 8 doanh nghiệp niêm yết trên sàn chứng khoán, gồm các mã: TCM, TNG, NPS, KMR, GMC, GIL, TET, EVE. Kết thúc quý II/2015, TCM là doanh nghiệp có doanh thu và lợi nhuận lớn nhất, chiếm 33-39% số liệu toàn ngành. Trong khi đó, TNG là doanh nghiệp có tốc độ tăng trưởng nhanh nhất, góp 23,1% doanh thu và 12,2% lợi nhuận toàn ngành.

Được đánh giá là hai doanh nghiệp hưởng lợi lớn nhất nếu Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương được thực thi, cả TCM và TNG đều đang có những bước đi đón đầu xu hướng.

Theo đó, TCM đang đầu tư mới nhà máy đan-nhuộm-may có công suất tương đương hiện nay với tổng đầu tư lên tới 30 triệu USD trong giai đoạn 2014-2017. TNG cũng đang thực hiện tăng tỷ lệ nội địa hóa lên bằng việc nâng cao dây chuyền sản xuất bông tấm trị giá hơn 40 tỷ đồng, vừa đưa vào vận hành từ tháng 6/2015.

Theo Công ty chứng khoán BIDV (BSC), dệt may là một trong 6 nhóm ngành được hưởng lợi lớn nhất từ Hiệp định Đối tác chiến lược xuyên Thái Bình Dương (TPP), với hơn 70% tổng giá trị xuất khẩu toàn ngành dệt may Việt Nam sang các thị trường trong TPP.

Gia nhập TPP, thị phần dệt may xuất khẩu vào nhóm thị trường này được kỳ vọng tăng gấp đôi. Dệt may vào Mỹ có thể đạt kim ngạch 55 tỷ USD vào năm 2025. Trung bình thuế suất hàng dệt may vào thị trường Mỹ hiện nay 17,5%, sau TPP về 0%. Với quy tắc xuất xứ "từ sợi trở đi", doanh nghiệp sẽ phải sử dụng nguyên liệu trong nước hoặc nhập khẩu từ các nước trong TPP để được hưởng thuế suất ưu đãi.