Doanh nghiệp địa ốc tự tháo điểm nghẽn
Nhiều thủ tục hành chính và pháp lý chưa được tháo gỡ, dịch Covid-19 lại bùng phát khiến thị trường địa ốc đã khó đơn lại thêm khó kép. Trong lúc chờ chính sách tháo gỡ, nhiều doanh nghiệp đã chủ động thoát khỏi “vùng trũng”.
Lượng hàng bán ra chỉ đạt 10%
Từ đầu năm 2020, nhiều dự án nhà của các công ty bất động sản (BĐS) lớn tại TP. Hồ Chí Minh như Novaland, Phúc Khang, Him Lam, Kim Oanh, Phú Long... tiếp tục trong tình trạng “ngủ đông”. Theo Công ty DKRA Vietnam, trong hai tháng đầu năm 2020, tại TP. Hồ Chí Minh không có một chung cư nào được mở bán. Lượng hàng bán ra trên thị trường BĐS nói chung của nhiều doanh nghiệp (DN) sụt giảm đáng kể, chỉ khoảng 10% sản phẩm được bán ra so với cùng kỳ năm trước.
Khó khăn chính được các công ty “than thở”, đó là vấn đề sử dụng đất, liên quan đến đất công, các dự án căn hộ liên quan đến nhiều văn bản luật chưa đồng bộ, dẫn đến có dự án được giải quyết, dự án lại tiếp tục “đứng hình”. Đại diện Hưng Thịnh Land cho rằng, thị trường hiện nay gặp nhiều khó khăn, trong đó khó khăn nhất là pháp lý để triển khai dự án, sau đó mới đến dịch Covid-19.
Mặc dù có quỹ đất 200ha nhưng đại diện Công ty CP Địa ốc Him Lam cho biết, hiện Công ty có khoảng 10 dự án chưa xin được giấy phép vì vướng thủ tục chuyển nhượng đất đai, giấy phép xây dựng căn hộ kèm văn phòng. Từ năm 2016 đến nay, Công ty không có dự án triển khai. Tương tự, Novaland có 32ha đất tại quận 2, TP. Hồ Chí Minh vẫn phải “ngủ đông” từ năm 2017 vì vướng thủ tục cổ phần hóa của DN đã bán cho Tập đoàn. Do đã đổ tiền vào dự án gần 6.000 tỷ đồng nên nguy cơ Novaland bị thiệt hại có thể lên đến 50.000 tỷ đồng nếu cứ phải kéo dài thời gian chờ được khởi công xây dựng.
Theo bà Nguyễn Hương - Tổng giám đốc Công ty CP Địa ốc Đại Phúc Land, nhiều dự án thuộc diện rà soát hoặc bị thu hồi quyết định tiền sử dụng đất hoặc tạm dừng chuyển mục đích sử dụng đất để rà soát thủ tục pháp lý khiến các DN phải chờ đợi quá lâu.
Ông Lê Hoàng Châu - Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP. Hồ Chí Minh (HoREA) cho rằng, môi trường kinh doanh BĐS hiện vẫn còn tù mù, có dấu hiệu lợi ích nhóm và “chủ nghĩa tư bản thân hữu” nên cùng một dự án như nhau, tại TP. Hồ Chí Minh bị vướng thủ tục, nhưng ở các tỉnh - thành khác lại được triển khai.
Dù UBND TP. Hồ Chí Minh đã có nhiều chính sách tháo gỡ nhưng các DN BĐS vẫn cho rằng, việc xử lý thủ tục hành chính còn quá chậm. Theo thống kê của chuyên trang Chợ Tốt Nhà, từ đầu tháng 3 vừa qua, cả hai phân khúc nhà đất và chung cư đều “án binh bất động” bởi nguồn cung không những không tăng mà còn giảm dần đều và chưa có dấu hiệu phục hồi.
Ở phân khúc BĐS cao cấp, mức độ ảnh hưởng còn nặng hơn bởi dòng tiền lớn nên “khó trôi”. Nhiều người bán BĐS có cùng nhận định rằng, dù nhu cầu là để ở hay đầu tư thì lúc này người mua cũng chần chừ xuống tiền do tâm lý “giữ của” để phòng tránh rủi ro do Covid-19 gây ra.
Cũng theo số liệu thống kê từ chuyên trang Chợ Tốt Nhà, so với cùng kỳ năm ngoái, trong quý I vừa qua, mức độ quan tâm dành cho căn hộ giảm trung bình 20%, đặc biệt là vào đầu tháng 3, xu hướng tìm kiếm loại hình nhà đất sụt khoảng 15% từ cuối tháng 2. Tuy nhiên, so với chỉ số giảm 40-50% của nguồn cung thì nguồn cầu vẫn không thấp do nhu cầu an cư ổn định, nên người bán thứ cấp vẫn duy trì giá bán ổn từ trước Tết, góp phần giữ mức giá trong quý I.
Thoát khỏi “vùng khó”
Theo Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam, đại dịch Covid-19 khiến hơn 300 trên 1.000 sàn giao dịch BĐS cả nước đóng cửa, 500 sàn hoạt động cầm chừng.
Để duy trì hoạt động, nhiều DN BĐS đã tìm đến các khu vực vùng ven bởi có nguồn cung mới. Vừa qua, Tập đoàn Hưng Thịnh ra mắt chung cư tại TP. Dĩ An, Bình Dương, nằm trong quần thể Làng Đại học Quốc gia. Cũng tại Dĩ An, Công ty CP Địa ốc Phú Đông Group đã hoàn thành khu nhà mẫu dự án Phú Đông 3. Tại Biên Hòa, Tập đoàn Hưng Thịnh tiếp tục ra mắt 300 nền đất giai đoạn 2 tại Biên Hòa New City được mở bán năm 2019.
Theo ông Phạm Lâm - Tổng giám đốc Công ty Nghiên cứu Thị trường DKRA, hai tháng đầu năm 2020, giáp ranh TP. Hồ Chí Minh đã có nhiều nguồn cung đất nền và đây là cơ hội cho người ít vốn. Tuy nhiên, để giảm thiểu rủi ro, người mua cần lưu ý đến cơ sở hạ tầng.
Nhắm đến thị trường ngách là nhà ở thương mại giá thấp, rất nhiều gia đình cần để an cư, nhà đầu tư vốn nhỏ cũng ưa thích vì khả năng thanh khoản tốt, nhiều dự án trong phân khúc này dần được xây dựng. Ở một số phân khúc khác như BĐS công nghiệp, logistics, nhiều chuyên gia BĐS nhận định có nhiều cơ hội nếu nắm bắt đúng thời điểm như hiện nay. Ông Neil MacGregor - Tổng giám đốc Savills Việt Nam nhận định: “Số lượng nhà đầu tư BĐS mảng công nghiệp và logistics tăng mạnh. Đây cũng là mảng thị trường kỳ vọng sẽ có nhiều hơn các giao dịch thành công trong năm 2020”.
Theo nhận định của Savills, BĐS nghỉ dưỡng vừa “gặp nạn” condotel thì nay lại đến Covid-19 khiến phân khúc này thiệt hại nặng nề. Trong ba tháng đầu năm 2020, công suất phòng khách sạn tại các thành phố lớn chỉ đạt dưới 10%, thậm chí một số nơi như Hội An, Đà Nẵng phải tính đến chuyện tạm ngừng hoạt động.
Hưởng ứng sự vận động của Chính phủ, một số khách sạn, resort ở các địa phương đã đăng ký phục vụ người bị cách ly do đại dịch. Ông Lê Hoàng Châu cho rằng, sử dụng hệ thống khách sạn, resort làm nơi cách ly thu phí không những đáp ứng nhu cầu của người phải cách ly mà còn giúp những đơn vị kinh doanh bù đắp thất thu trong mùa dịch".
Một số khách sạn, resort ở các địa phương đã đăng ký phục vụ người bị cách ly do dịch Covid-19. Sử dụng hệ thống khách sạn, resort làm nơi cách ly thu phí không những đáp ứng nhu cầu của người phải cách ly mà còn giúp những đơn vị kinh doanh bù đắp thất thu khi đại dịch xảy ra.
Ông Mauro Gasparotti - Giám đốc Savills Hotels Khu vực châu Á - Thái Bình Dương chia sẻ, tính đến ngày 21/3/2020, đã có 145 khách sạn, khu nghỉ dưỡng tại Việt Nam tự nguyện đăng ký trở thành điểm cách ly. Điều này không chỉ để duy trì hoạt động mà còn được xem là sự hỗ trợ rất có ý nghĩa đối với chính quyền trong thời gian phòng chống dịch Covid-19.
Đại diện một resort cho biết: “Sau gần một tháng đại dịch, công ty đang phải tính đến việc cho nhân viên nghỉ luân phiên vì không có khách. Nhưng sau khi có chủ trương của Chính phủ, công ty đã đăng ký cho người bị cách ly lưu trú nên đã giải quyết được việc làm cho nhân viên cũng như duy trì hoạt động, dù không có lãi”.
Ông Mauro cũng cho rằng, thông thường, sau mỗi cuộc khủng hoảng, ngành du lịch luôn có sự phục hồi mạnh mẽ và sự phục hồi này thường diễn ra trong khoảng 6 tháng. Chẳng hạn, sau khi đại dịch SARS xảy ra vào năm 2003, công suất phòng khách sạn ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương đã phục hồi hoàn toàn trong vòng vài ba tháng. Vì vậy, ngành du lịch và BĐS nghỉ dưỡng Việt Nam cần giữ thái độ lạc quan cùng với tầm nhìn dài hạn. Những khó khăn hay biến động thị trường trong ngắn hạn giúp sàng lọc, tìm kiếm nhà đầu tư thật sự có năng lực quản trị và tài chính cho thị trường.