Doanh nghiệp đóng vai trò quyết định trong việc khôi phục niềm tin của nhà đầu tư
Doanh nghiệp phát hành trái phiếu phải tự thay đổi, tăng công khai minh bạch, chủ động xếp hạng tín nhiệm để lấy lại niềm tin, tiếp tục khơi thông nguồn vốn.
Nhà nước trao cơ hội
Vào nửa cuối năm 2022, thị trường trái phiếu doanh nghiệp (TPDN) chứng kiến “cú sốc” tâm lý lan rộng khi các vụ việc vi phạm của Tân Hoàng Minh và Vạn Thịnh Phát bị cơ quan có thẩm quyền phát hiện, xử lý. Niềm tin suy giảm kết hợp với thanh khoản dòng tiền trả nợ trái phiếu của nhiều doanh nghiệp gặp khó khăn đã khiến thị trường này gia tăng rủi ro.
Sự suy giảm huy động vốn qua kênh thị trường TPDN tăng thêm áp lực thiếu hụt vốn đầu tư và thanh khoản của nhiều doanh nghiệp bất động sản, nhất là các doanh nghiệp có khối lượng trái phiếu đáo hạn lớn, trong khi doanh thu và lợi nhuận kinh doanh giảm mạnh.
Trước tình thế cấp bách của các doanh nghiệp phát hành trái phiếu riêng lẻ và nguy cơ tắc nghẽn thị trường TPDN, Bộ Tài chính đã phối hợp các Bộ, ngành nghiên cứu, xây dựng các giải pháp ổn định và phát triển thị trường minh bạch, bền vững, bảo đảm quyền, lợi ích hợp pháp chính đáng của nhà đầu tư, các chủ thể liên quan.
Các công tác thanh tra, kiểm tra liên quan đến TPDN tại các doanh nghiệp phát hành và tổ chức cung cấp dịch vụ được tăng cường. Đồng thời, Bộ Tài chính ban hành nhiều văn bản đôn đốc các doanh nghiệp thực hiện thanh toán nợ gốc, lãi trái phiếu đến hạn cho nhà đầu tư theo đúng cam kết.
Ngoài ra, Bộ Tài chính đã tổ chức làm việc với gần 40 doanh nghiệp và tổ chức cung cấp dịch vụ trên thị trường trái để tìm ra giải pháp củng cố niềm tin của nhà đầu tư, tăng tính thanh khoản và tháo gỡ khó khăn cho thị trường.
Về hoàn thiện khung khổ pháp lý, Bộ Tài chính đã trình Chính phủ ban hành Nghị định số 08/2023/NĐ-CP để tháo gỡ các khó khăn tạm thời, tạo điều kiện để các doanh nghiệp có thêm thời gian đàm phán với nhà đầu tư trái phiếu có phương án tái cơ cấu các khoản nợ.
Doanh nghiệp phải chủ động thay đổi
Theo TS. Lê Duy Bình - Giám đốc Economica Việt Nam, Chuyên gia kinh tế, việc khôi phục và phát triển lành mạnh, hiệu quả thị trường TPDN cần có sự vào cuộc đồng bộ của Chính phủ, các bộ, ngành và các bên liên quan. Đến nay, Nhà nước đã tạo điều kiện cho doanh nghiệp phát hành rất nhiều. Do vậy, chính bản thân doanh nghiệp phải biết tận dụng cơ hội đó để gây dựng lại uy tín và cải thiện năng lực thực tế của mình để lấy lại niềm tin của nhà đầu tư.
Theo đó, doanh nghiệp và các tổ chức phát hành trái phiếu phải nâng cao năng lực tài chính, cơ cấu lại nguồn vốn phù hợp với hoạt động đầu tư, sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp; đảm bảo có đủ nguồn lực để duy trì ổn định hoạt động sản xuất kinh doanh, qua đó đảm bảo nguồn trả nợ gốc, lãi trái phiếu. Các quy định về công bố, công khai thông tin của doanh nghiệp phải được thực hiện đầy đủ.
Đối với các nhà đầu tư, doanh nghiệp phát hành phải thực hiện đầy đủ trách nhiệm theo phương án phát hành đã công bố, qua đó củng cố niềm tin của nhà đầu tư với doanh nghiệp.
Đồng thời, doanh nghiệp phải chủ động sử dụng dịch vụ xếp hạng tín nhiệm và các hoạt động kiểm toán để tăng cường tính công khai, minh bạch giúp nhà đầu tư nắm rõ hơn về năng lực tài chính, khả năng thanh toán nợ của doanh nghiệp, cũng như các rủi ro liên quan để quyết định việc đầu tư trái phiếu.
Nếu “thất hứa” không thực hiện đúng cam kết với nhà đầu tư, không nỗ lực chứng minh năng lực tài chính, khả năng trả nợ, doanh nghiệp phát hành sẽ tiếp tục bị nhà đầu tư “quay lưng”. Khi đó, chính doanh nghiệp sẽ chịu nhiều tổn thất hơn tất cả, dù được Nhà nước hết sức hỗ trợ, tạo điều kiện.