Thị trường trái phiếu doanh nghiệp sôi động trở lại, đạt hơn 26.000 tỷ đồng trong tháng 3

Tuấn Thủy

Giá trị trái phiếu doanh nghiệp (TPDN) phát hành tăng mạnh trở lại trong tháng 3, cao gấp 12 lần tổng giá trị phát hành của 2 tháng đầu năm, với vị trí quán quân thuộc về ngành Bất động sản. Như vậy, sau 2 tháng ảm đạm, thị trường trái phiếu đã có tín hiệu tích cực, cho thấy niềm tin của nhà đầu tư đang trở lại.

Theo dữ liệu của Hiệp hội Thị trường Trái phiếu Việt Nam (VBMA) tổng hợp từ Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội và Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, trong tháng 3/2023, đã có 11 đợt phát hành TPDN với tổng giá trị phát hành đạt 26.425 tỷ đồng (khoảng 1,1 tỷ USD). Trong đó, nhóm bất động sản chiếm hơn 2/3 số lô trái phiếu phát hành với giá trị 23.735 tỷ đồng.

Thị trường trái phiếu doanh nghiệp sôi động trở lại, đạt hơn 26.000 tỷ đồng trong tháng 3 - Ảnh 1

Con số này tăng gấp 12,5 lần giá trị phát hành của cả 2 tháng đầu năm. Trong tháng 1, toàn thị trường chỉ có duy nhất một lô phát hành riêng lẻ với giá trị 110 tỷ đồng.

Tháng 2 có một đợt phát hành tổng giá trị 2.000 tỷ đồng, bao gồm 500 tỷ đồng trái phiếu riêng lẻ và 1.500 tỷ đồng trái phiếu phát hành ra công chúng. Trong đó, lĩnh vực bất động sản chỉ có duy nhất Công ty Cổ phần Bất động sản Sơn Kim phát hành 500 tỷ đồng trái phiếu kỳ hạn 2,5 năm.

Dữ liệu tổng hợp mới nhất của VBMA cho thấy, tổng giá trị trái phiếu đã được các doanh nghiệp mua lại trước hạn trong tháng 3/2023 là gần 14.300 tỷ đồng (tăng 137% so với tháng trước và tăng 64% so với cùng kỳ tháng 3/2022).

Xây dựng và Hàng tiêu dùng là 2 nhóm ngành ghi nhận giá trị mua lại lớn nhất trong tháng, lần lượt đạt 5 nghìn tỷ đồng (chiếm 35% tổng giá trị mua lại) và 3.400 tỷ đồng (chiếm 24% tổng giá trị mua lại). Tính từ đầu năm tới nay, tổng giá trị trái phiếu đã được các doanh nghiệp mua lại đạt hơn 29.860 tỷ đồng (tăng 63% so với cùng kỳ năm 2022).

Như vậy, sau 2 tháng ảm đạm, thị trường TPDN đã có tín hiệu tích cực, cho thấy niềm tin của nhà đầu tư đang trở lại.

Chia sẻ với Tạp chí Tài chính, chuyên gia kinh tế Trần Thanh Hải cho biết, sự phục hồi của thị trường TPDN là “quả ngọt” của việc thực thi Nghị định số 08/2023/NĐ-CP sửa đổi bổ sung Nghị định số 65/2022/NĐ-CP và Nghị định số 153/2020/NĐ-CP, cùng hai đợt hạ lãi suất của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam trong tháng 3.

“Chúng ta có thể thấy được bài học từ sự sụp đổ của SVB (Mỹ) liên quan đến TPDN và lãi suất điều hành. Nếu như không có Nghị định số 08/2023/NĐ-CP và các đợt hạ lãi suất vừa qua, thị trường TPDN năm 2023 có thể trở thành ác mộng của thị trường tài chính tiền tệ, ảnh hưởng đến toàn bộ nền kinh tế”, ông Trần Thanh Hải chia sẻ.

Trên thực tế, nợ xấu TPDN vẫn còn là vấn đề đáng quan tâm. Báo cáo của FiinRatings chỉ ra rằng, tính đến ngày 17/3/2023, thị trường TPDN có 69 tổ chức phát hành đã không thể đáp ứng nghĩa vụ nợ với tổng giá trị 94.430 tỷ đồng, chiếm 8,15% giá trị TPDN đang lưu hành.

Trong đó, 43 tổ chức phát hành chậm trả nợ trái phiếu là doanh nghiệp bất động sản. Trái phiếu bất động sản quá hạn trả nợ là 78.900 tỷ đồng, chiếm 83,6% tổng giá trị TPDN của các doanh nghiệp chậm trả nợ trái phiếu.

Số liệu báo cáo của FiinRatings cũng cho thấy, nợ xấu trái phiếu đang có xu hướng dày lên. Đặc biệt, quý II và quý III năm nay rơi vào thời điểm đáo hạn trả nợ trái phiếu giá trị hàng trăm nghìn tỷ đồng của các doanh nghiệp phát hành. Tuy nhiên, theo đánh giá của các chuyên gia tài chính, thị trường vẫn có thể đón nhận những tín hiệu tích cực do các chính sách hỗ trợ mang lại.

Chuyên gia kinh tế Trần Thanh Hải nhận định, Nghị định số 08/2023/NĐ-CP cùng 2 đợt giảm lãi suất và Dự thảo sửa đổi Thông tư số 16/2021/TT-NHNN đi vào thực thi là một cửa mở cho thị trường TPDN trong nửa sau năm 2023.

Bên cạnh sự đồng bộ của các giải pháp, niềm tin của nhà đầu tư cũng chính là yếu tố quyết định tới sự phục hồi của thị trường trái phiếu.

Để lấy lại niềm tin của nhà đầu tư, doanh nghiệp phát hành phải minh bạch thông tin, có những dự án tốt, sử dụng dòng tiền đúng mục đích. Ngoài ra, việc tham gia của những tổ chức bên thứ ba như Kiểm toán, Thanh tra để đánh giá khách quan và chuyên nghiệp sẽ tăng được chất lượng trái phiếu phát hành, củng cố hơn niềm tin của nhà đầu tư, đặc biệt nhà đầu tư nước ngoài.

“Tôi tin rằng, với những điều kiện khách quan lẫn chủ quan của thị trường, của các tổ chức phát hành, những hoạt động của thị trường trái phiếu trong những tháng tới sẽ sôi động để bù đắp lại các hoạt động luân chuyển thị trường trái phiếu thứ cấp đã đáo hạn”, Chuyên gia kinh tế Trần Thanh Hải chia sẻ.