Doanh nghiệp gặp khó khăn trong quản lý, khai thác công trình thủy lợi
Hiện nay phần lớn tổ chức đang thực hiện quản lý, khai thác công trình thủy lợi là doanh nghiệp. Tuy nhiên, hoạt động của các đơn vị này đang gặp nhiều khó khăn, thách thức, gây ảnh hưởng đến công tác quản lý hệ thống thủy lợi...
Hiện nay phần lớn tổ chức đang thực hiện quản lý, khai thác công trình thủy lợi là doanh nghiệp. Tuy nhiên, hoạt động của các đơn vị này đang gặp nhiều khó khăn, thách thức, gây ảnh hưởng đến công tác quản lý hệ thống thủy lợi...
Đây là thông tin được các đại biểu cho biết tại Hội nghị tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, thúc đẩy đa mục tiêu giá trị công trình thủy lợi do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NNPTNT) tổ chức ngày 2/11.
Theo Cục Thủy lợi (Bộ NNPTNT), công trình thủy lợi đã đảm bảo cấp nước cho khoảng 4,28 triệu ha/6,25 triệu ha đất nông nghiệp cần tưới (chiếm 68,48%).
Trong đó, hằng năm tưới cho lúa khoảng 7,26 triệu ha/7,68 triệu ha gieo trồng (đạt 95%); diện tích tưới tiên tiến, tiết kiệm nước cho cây trồng cạn đạt gần 0,53 triệu ha/3,4 triệu ha; cấp nước cho nuôi trồng thủy sản 686.600 ha và khoảng 6,5 tỷ m3 nước cho sinh hoạt, công nghiệp; bảo đảm phòng, chống lũ, chống ngập cho các đô thị, khu dân cư, bảo vệ sản xuất.
Hệ thống công trình thủy lợi đảm bảo tiêu thoát nước cho khoảng 2 triệu ha đất nông nghiệp, đô thị, kiểm soát mặn cho khoảng 1 triệu ha đất nông nghiệp, kết hợp phát điện với tổng cộng suất 2.100 MW.
Hiện nay, theo quy định về phân cấp quản lý, Bộ NNPTNT quản lý công trình thủy lợi quan trọng đặc biệt và công trình thủy lợi mà việc khai thác và bảo vệ liên quan đến 2 tỉnh trở lên (công trình liên tỉnh); địa phương quản lý công trình trên địa bàn và công trình liên tỉnh được Bộ NNPTNT phân cấp quản lý.
Tính đến nay, cả nước có tổng số 101 đơn vị khai thác công trình thủy lợi, trong đó có 85 doanh nghiệp (chiếm 84,16%), 6 ban (5,94%), 7 trung tâm (6,93%) và 3 chi cục thủy lợi (2,97%) làm nhiệm vụ quản lý, khai thác các công trình thủy lợi vừa và lớn do Nhà nước đầu tư xây dựng.
Bộ NNPTNT hiện có 5 doanh nghiệp quản lý đầu mối và kênh trục chính của 7 công trình thủy lợi mà việc khai thác và bảo vệ liên quan đến hai tỉnh trở lên.
Theo Thứ trưởng Bộ NNPTNT Nguyễn Hoàng Hiệp, các công ty quản lý, vận hành hệ thống thủy lợi có vị trí rất quan trọng trong việc khai thác, đảm bảo nguồn nước phục vụ sản xuất nông nghiệp. Tuy nhiên, hiện nay, hoạt động của các công ty này còn nhiều khó khăn.
Công trình thủy lợi đang xuống cấp, đặc biệt là thủy lợi nội đồng. Nhiều hệ thống thủy lợi hiện nay được xây dựng từ thời Pháp thuộc, có tuổi thọ hàng trăm năm nhưng không có kinh phí để sửa chữa. Hệ số sử dụng nước đang ở mức đáng báo động...
Những khó khăn này, cũng với thực trạng hoạt động của doanh nghiệp quản lý, khai thác không mấy tươi sáng khiến cho việc điều tiết hệ thống thủy lợi đứng trước nhiều thách thức
Thông tin thêm về những khó khăn này, các đại biểu cho rằng, nguồn thu chủ yếu từ ngân sách Trung ương cấp hỗ trợ tiền sử dụng sản phẩm, dịch vụ công ích thủy lợi, với mức hỗ trợ được quy định từ năm 2012 đến nay không thay đổi.
Thời gian qua, các đơn vị phải ưu tiên đảm bảo nội dung chi cần thiết, cấp bách nên công trình không được bảo trì kịp thời, không có kinh phí để hiện đại hóa, đáp ứng cách mạng công nghiệp 4.0; nhiều quy định của Luật Thủy lợi chưa thể triển khai thực hiện do không đủ kinh phí...
Đặc biệt, doanh nghiệp rất khó khăn trong việc trích quỹ khen thưởng, phúc lợi do không được sử dụng từ nguồn ngân sách Trung ương cấp hỗ trợ, trong khi ngân sách địa phương không bố trí.
Người lao động của một số đơn vị có mức lương dưới 4 triệu đồng/tháng... Cá biệt công ty Sông Đáy, sông Nhuệ - Hà Nội, công ty Nam Nghệ An, Phủ Quỳ - Nghệ An còn có mức lương dưới 3 triệu đồng/tháng...
Các ý kiến cho rằng, hệ thống thủy lợi giữ vai trò quan trọng, không thể thiếu trong việc phục vụ sản xuất nông nghiệp, góp phần quan trọng tăng diện tích gieo trồng, tăng thời vụ, cải tạo đất, đảm bảo phục vụ sinh hoạt, cấp nước cho các ngành kinh tế.
Tuy nhiên, “tất cả những khó khăn này gây ảnh hưởng đến công tác quản lý, khai thác các công trình thủy lợi và đe dọa đến sự phát triển bền vững của hệ thống thủy lợi” - đại diện Cục Thủy lợi cho biết.
Từ thực trạng này, các ý kiến đã đề xuất giải pháp đối với các đơn vị khai thác thủy lợi, trong đó chú trọng thực hiện đổi mới hoạt động theo định hướng chiến lược được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt.
Tập trung vào rà soát, sắp xếp bộ máy tổ chức doanh nghiệp đảm bảo tinh gọn, tiết kiệm, hiệu quả; đào tạo, tuyển dụng, bố trí nguồn nhân lực lao động phù hợp với yêu cầu từng giai đoạn phát triển của đơn vị; nghiên cứu, kiến nghị cơ quan chức năng sửa đổi văn bản pháp luật liên quan để phù hợp thực tiễn hoạt động./.