Doanh nghiệp kỳ vọng bình đẳng tiếp cận các nguồn lực

Theo Đức Dũng/BNEWS/TTXVN

Các doanh nghiệp cũng quan tâm tới việc công bố hợp chuẩn, hợp quy; lao động (cấp giấy phép lao động cho người nước ngoài; xây dựng thang, bảng lương trong doanh nghiệp

Doanh nghiệp kỳ vọng bình đẳng tiếp cận các nguồn lực.
Doanh nghiệp kỳ vọng bình đẳng tiếp cận các nguồn lực.

Việc sửa đổi Luật Doanh nghiệp và Luật Đầu tư đang là hai đạo luật nhận được sự quan tâm lớn của cộng đồng doanh nghiệp. Hiện tiếp tục có nhiều góp ý của doanh nghiệp, hiệp hội doanh nghiệp và các chuyên gia với dự thảo về việc sửa đổi, bổ sung và điều chỉnh hai luật này.

Những vấn đề nổi bật mà không chỉ các doanh nghiệp trong nước kể cả các doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài cũng dành nhiều sự quan tâm. Đó là, bảo đảm quyền kinh doanh, quyền bình đẳng tiếp cận các nguồn lực và cơ hội kinh doanh của doanh nghiệp; việc giảm chi phí kinh doanh cho doanh nghiệp và bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của doanh nghiệp.

Theo ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), nhiều doanh nghiệp đề nghị đơn vị soạn thảo dự thảo luật cần thực hiện nghiêm túc việc tham vấn các đối tượng chịu tác động và tham vấn chuyên gia trong quá trình xây dựng, thực hiện các chính sách pháp luật. Bên cạnh đó, cần tăng cường chất lượng và sự tham gia của cán bộ pháp chế ở các bộ ngành trong việc xây dựng pháp luật nhằm tránh những mâu thuẫn, chồng chéo giữa các quy định pháp luật.

Một số nội dung cơ bản được nhiều doanh nghiệp góp ý liên quan tới việc danh mục và quy định quá ít ngành nghề kinh doanh đang hạn chế tỷ lệ sở hữu cổ phần của các nhà đầu tư nước ngoài hay việc cải tổ các doanh nghiệp Nhà nước; thiết chế pháp lý đối với hộ kinh doanh cá thể; việc hoạt động và tổ chức đại hội đồng cổ đông hay cơ chế hoạt động của Ban kiểm soát trong doanh nghiệp…

Liên quan tới vấn đề giảm chi phí kinh doanh cho doanh nghiệp, các ý kiến xoay quanh việc Chính phủ cùng các cơ quan, ban ngành chức năng cần tập trung vào việc đảm bảo  mặt bằng lãi suất phù hợp; giảm bớt các mức đóng góp của người sử dụng lao động; giảm giá thuê đất, giảm mức thu phí tại một số dự án BOT, một số loại phí, lệ phí khác… Nổi cộm là đề nghị giảm phí sử dụng công trình, kết cấu hạ tầng, công trình dịch vụ, tiện ích công cộng ở một số khu vực cảng biển hay dự án BOT giao thông trên toàn quốc.

Ngoài ra, chi phí logistics đang chiếm tỷ lệ rất cao trong chi phí kinh doanh của doanh nghiệp (20% GDP theo báo cáo của Ngân hàng Thế giới) mà nguyên nhân chủ yếu là thủ tục thông quan phức tạp. Các khu, cụm công nghiệp chưa gắn kết tốt với quy hoạch hạ tầng giao thông; hạ tầng các dịch vụ kho bãi thiếu và yếu…

Ông Lộc nêu cụ thể: “Chi phí vận tải vẫn đang là điểm nghẽn tương đối lớn đối với các doanh nghiệp tại nhiều địa phương. Mặc dù các tỉnh đều có các kế hoạch cải thiện hạ tầng giao thông, nhưng trên thực tế, hoạt động này vẫn chưa đáp ứng nhu cầu của doanh nghiệp. Hầu hết các dự án hạ tầng giao thông của các tỉnh đều bị chậm, thời gian thi công kéo dài khiến tốc độ giao thông chậm, làm chi phí vận tải của doanh nghiệp tăng cao. Hay như vấn đề xác định tiền thuê đất và giải quyết những vướng mắc liên quan đến mặt bằng sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp cũng tiếp tục nhận được nhiều kiến nghị như: Công ty cổ phần Giày Hà Nội; Công ty cổ phần Tứ Đỉnh – Lào Cai; Công ty cổ phần đầu tư Xuất nhập khẩu Đắk Lắk,  Công ty Thép DANA – Ý …”

Bên cạnh đó, nhiều doanh nghiệp cũng có kiến nghị về việc bảo vệ quyền lợi khi tham gia giải quyết tranh chấp tại tòa án; làm thủ tục phá sản doanh nghiệp; thi hành án dân sự; Chính phủ và các cơ quan chức năng cần có chế tài đủ mạnh để răn đe các hành vi cạnh tranh không lành mạnh, vi phạm bản quyền sở hữu trí tuệ; bảo vệ doanh nghiệp trong quan hệ lao động hay trong việc thanh tra, kiểm tra không đúng quy định…

Ông Đậu Anh Tuấn, Trưởng Ban pháp chế VCCI cho hay, qua nhiều khảo sát mà VCCI tiến hành cho thấy, nhiều doanh nghiệp và hiệp hội doanh nghiệp kiến nghị Nhà nước cần có chiến lược tổng thể về việc cải cách tư pháp nhằm hỗ trợ môi trường kinh doanh. Chiến lược này nên tập trung vào việc rút ngắn thời gian xét xử các tranh chấp liên quan đến doanh nghiệp và thời gian giải quyết phá sản đoanh nghiệp. Về thi hành án dân sự các kiến nghị cũng mong muốn nhà nước cần đưa ra các mục tiêu và giải pháp để rút ngắn thời gian và tăng tính hiệu quả khi thi hành án…

Liệt kê những vấn đề được các doanh nghiệp kiến nghị trong quá trình góp ý xây dựng hệ thống pháp luật liên quan tới môi trường kinh doanh, ông Tuấn cho hay, nhiều doanh nghiệp đề nghị các bộ, ngành hướng dẫn cụ thể và giải thích rõ ràng hơn việc thực hiện các quy định của pháp luật trong lĩnh vực đấu thầu.

Đây thực sự là vấn đề chưa dễ dàng và thuận lợi cho các tổ chức, cá nhân và doanh nghiệp áp dụng trên thực tế vì đa số các kiến nghị gửi Bộ Kế hoạch Đầu tư đều đề xuất hướng dẫn pháp luật về đấu thầu. Hay ngành giao thông vận tải thì việc cấp giấy phép kinh doanh vận tải cho các doanh nghiệp vận tải hàng nội bộ hoặc kinh doanh vận tải không thu tiền trực tiếp, công ty có 100% vốn đầu tư nước ngoài và vấn đề quản lý taxi công nghệ…

Các doanh nghiệp cũng quan tâm tới việc công bố hợp chuẩn, hợp quy; lao động (cấp giấy phép lao động cho người nước ngoài; xây dựng thang, bảng lương trong doanh nghiệp; ký kết hợp đồng lao động với người cao tuổi …); bảo hiểm xã hội (chế độ thai sản, thôi việc; quỹ phúc lợi – khen thưởng trong doanh nghiệp sau cổ phần hóa giải quyết việc thanh toán trùng chế độ bảo hiểm; xác định thời điểm lao động nữ mang thai để hưởng chế độ; giải quyết chế độ tai nạn lao động liên quan đến thể thao …); chính sách thuế; chính sách ưu đãi đầu tư; giải quyết các vấn đề của doanh nghiệp sau cổ phẩn hóa…

Nhiều doanh nghiệp cũng bày tỏ việc thực hiện các thủ tục hành chính thuế, hải quan như: phát hành, sử dụng hóa đơn điện tử; cho phép cấp hóa đơn bán lẻ; hoàn thuế giá trị gia tăng; hình thức chịu thuế khi chuyển lợi tức từ nước ngoài về; xuất hóa đơn giá trị gia tăng đối với việc nhận tiền tài trợ; kê khai, khấu trừ thuế giá trị gia tăng; thủ tục hải quan đối với hàng hóa quá cảnh tại cửa khẩu nhập đầu tiên; kiểm tra thực tế hàng hóa của hải quan… đã có nhiều chuyển biến tích cực trong thời gian vừa qua, tuy nhiên, vẫn cần có những cải cách mạnh mẽ hơn nữa trong tương lai.

Về cơ bản, sẽ khó bao trùm toàn bộ những vấn đề quan tâm của đa phần các doanh nghiệp trong cùng 1 hay 1 số luật liên quan tới hoạt động đầu tư kinh doanh. Tuy nhiên, để giải quyết những bất cập và tháo gỡ những vấn đề còn chồng chéo giữa các luật, theo ông Vũ Tiến Lộc là hoàn toàn có cơ sở để nghiên cứu xem xét và xây dựng 1 luật sửa nhiều luật, 1 nghị định sửa nhiều nghị định. Đó sẽ là lối mở để thúc đẩy đầu tư phát triển và cũng là cách để huy động nguồn lực từ toàn dân, tạo thêm động lực cho tăng trưởng kinh tế”

Tại Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XIV diễn ra từ ngày 21/10 đến 27/11/2019, Dự án Luật Doanh nghiệp (sửa đổi) và Dự án Luật Đầu tư (sửa đổi) đã được Chính phủ trình Quốc hội cho ý kiến. Tại kỳ họp này Quốc hội đã giao Ủy ban Thường vụ Quốc hội chỉ đạo, tổ chức việc nghiên cứu, giải trình, tiếp thu, chỉnh lý các dự thảo luật, trình Quốc hội xem xét tại kỳ họp sau.