Doanh nghiệp lạc quan với đơn đặt hàng quý I/2022

Theo Nguyễn Hòa/congthuong.vn

83,2% doanh nghiệp công nghiệp chế biến, chế tạo dự báo, số lượng đơn đặt hàng quý I/2022 so với quý IV/2021 tiếp tục tăng và giữ nguyên. Trong khi đó, chỉ có 16,8% doanh nghiệp dự báo số lượng đơn đặt hàng mới sẽ giảm.

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

Tổng cục Thống kê (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) vừa công bố báo cáo xu hướng sản xuất, kinh doanh (SXKD) của ngành công nghiệp chế biến, chế tạo và xây dựng quý IV/2021 và dự báo quý I/2022. Báo cáo đã điều tra xu hướng SXKD của 6.500 doanh nghiệp ngành công nghiệp chế biến, chế tạo và 6.975 doanh nghiệp ngành xây dựng. Tổng số doanh nghiệp trả lời trong kỳ điều tra quý IV/2021 là 5.707 doanh nghiệp ngành công nghiệp chế biến, chế tạo và 6.209 doanh nghiệp ngành xây dựng, chiếm 88,5% số doanh nghiệp được chọn mẫu điều tra.

Về xu hướng kinh doanh của doanh nghiệp ngành công nghiệp chế biến, chế tạo, báo cáo cho rằng, việc chuyển hướng phòng, chống dịch sang “thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19” theo Nghị quyết số 128/NQ-CP ngày 11/10/2021 của Chính phủ đã có tác động tích cực tới hoạt động SXKD của các doanh nghiệp ngành công nghiệp chế biến, chế tạo. Theo đó, hoạt động SXKD, số lượng đơn đặt hàng mới; đơn đặt hàng xuất khẩu của doanh nghiệp trong quý IV đã có sự phục hồi đáng kể so với quý III/2021.

Dự báo, quý I/2022, tình hình tiếp tục khả quan hơn so với quý IV/2021 khi có tới 81,7% doanh nghiệp công nghiệp chế biến, chế tạo nhận định tình hình SXKD của doanh nghiệp sẽ tốt hơn và giữ ổn định, tỷ lệ doanh nghiệp dự báo khó khăn hơn giảm xuống chỉ còn 18,3%.

Về số lượng đơn đặt hàng mới, dự báo quý I/2022 so với quý IV/2021 tiếp tục tăng với 83,2% doanh nghiệp dự báo tăng và giữ nguyên, 16,8% doanh nghiệp dự báo số lượng đơn đặt hàng mới giảm. Các doanh nghiệp cũng dự báo, số lượng đơn đặt hàng xuất khẩu mới quý I/2022 khả quan hơn với 83,3% doanh nghiệp dự báo tăng và giữ nguyên so với quý IV/2021. Cụ thể, có tới 37,2% doanh nghiệp tham gia khảo sát dự báo số lượng đơn đặt hàng xuất khẩu tăng; 46,1% cho rằng số lượng đơn đặt hàng giữ nguyên, trong khi đó chỉ có 16,7% doanh nghiệp dự báo giảm.

Sử dụng lao động quý I/2022 so với quý IV/2021 cũng được dự báo khả quan hơn với 88,2% số doanh nghiệp dự kiến số lao động tăng và giữ nguyên; 11,8% doanh nghiệp dự kiến lao động giảm. Tuy nhiên, về chi phí sản xuất, dự báo quý I/2022 so với quý IV/2021, có 91,1% doanh nghiệp dự báo chi phí sản xuất một đơn vị sản phẩm tăng và giữ nguyên, trong khi đó chỉ có 8,9% doanh nghiệp dự báo chi phí sản xuất một đơn vị sản xuất giảm.

Về khối lượng tồn kho thành phẩm quý I/2022 so với quý IV/2021, có 15,7% doanh nghiệp dự báo khối lượng tồn kho thành phẩm tăng; 54,8% doanh nghiệp dự báo giữ nguyên khối lượng tồn kho thành phẩm; 29,5% doanh nghiệp dự báo khối lượng tồn kho thành phẩm giảm. Dự báo quý I/2022 so với quý IV/2021, có 72,1% doanh nghiệp đánh giá khối lượng tồn kho nguyên vật liệu tăng và giữ nguyên, 27,9% doanh nghiệp dự kiến giảm khối lượng tồn kho nguyên vật liệu.

Mặc dù có những đánh giá khả quan, nhưng bà Phí Thị Hương Nga - Phó Vụ trưởng Phụ trách Vụ Thống kê công nghiệp và Xây dựng (Tổng cục Thống kê) - cho biết: Dự báo năm 2022, tình hình kinh tế trong nước và thế giới vẫn đối mặt với rất nhiều khó khăn. Trong đó, khó khăn lớn nhất của doanh nghiệp hiện nay là vấn đề tiêu thụ do thị trường bị thu hẹp, do đó Chính phủ và các cấp, ngành, địa phương cần tích cực hỗ trợ doanh nghiệp tiêu thụ sản phẩm, tìm kiếm thị trường.

Cùng với đó, giảm phí, thuế, hạ lãi suất cho vay, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp tiếp cận nguồn vốn giá rẻ. Các chính sách hỗ trợ người lao động thời gian tới cũng cần rõ ràng hơn, giảm thủ tục, tạo thuận lợi trong hỗ trợ doanh nghiệp trong đào tạo lại, tăng cường kỹ năng cho người lao động.

Năm 2021, khu vực công nghiệp và xây dựng tăng 4,05%, đóng góp 63,80% vào tổng giá trị tăng thêm của toàn nền kinh tế. Trong khu vực công nghiệp và xây dựng, ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tiếp tục là động lực tăng trưởng của toàn nền kinh tế với tốc độ tăng 6,37%, đóng góp 1,61 điểm phần trăm vào tốc độ tăng tổng giá trị tăng thêm của toàn nền kinh tế.