Doanh nghiệp nhà nước khởi sắc
Nhìn lại năm 2016, có thể khẳng định đây là một năm kinh doanh khởi sắc của nhiều tập đoàn, tổng công ty nhà nước, dù tình hình thị trường vẫn diễn biến không thuận lợi.
Lợi nhuận là một trong những thước đo hiệu quả sản xuất - kinh doanh. Có nhiều tập đoàn, tổng công ty nhà nước thu được hàng ngàn tỷ đồng lợi nhuận, con số mà những năm trước ít người nghĩ tới, dù mới chỉ ước tính sơ bộ.
Theo những thông tin trên báo chí, có thể xếp danh sách tạm thời lợi nhuận trước thuế của một số tập đoàn, tổng công ty nhà nước. “Kỷ lục” thuộc về Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn nhà nước (SCIC) với 18.600 tỷ đồng.
Đứng thứ hai là Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex) hơn 6.200 tỷ đồng. Rất đáng ghi nhận, mới chỉ sau 9 tháng, Petrolimex đã về đích kế hoạch năm 2016 trước hạn 90 ngày với con số lợi nhuận hợp nhất trước thuế 4.064 tỷ đồng.
Tiếp theo là những gương mặt sáng giá: Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam (VNPT) 4.380 tỷ đồng, Tập đoàn Công nghiệp cao su Việt Nam 2.300 tỷ đồng, Tổng công ty Hàng không Việt Nam (ACV) gần 2.500 tỷ đồng, Tổng công ty Thép Việt Nam (VNSteel) 1.822 tỷ đồng, Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex) hơn 1.400 tỷ đồng...
Tuy nhiên, vẫn còn đây đó những gương mặt “không vui”: Tập đoàn Công nghiệp hóa chất Việt Nam (Vinachem) được ghi nhận lỗ 628 tỷ đồng. Con số lãi 2.745 tỷ đồng không đủ bù đắp con số lỗ 3.372 tỷ đồng của 5 công ty thành viên.
Hoặc, do chi phí tài chính, khấu hao tài sản cố định, thuê thiết bị, mặt bằng... quá lớn khiến Tổng công ty Công nghiệp tàu thủy (Vinashin) lỗ phát sinh năm 2016 tới 5.400 tỷ đồng... Trên con đường phát triển đầy khó khăn, chuyện lãi - lỗ là bình thường. Những con số lỗ cũng chính là để doanh nghiệp nhìn lại chính mình, tiếp tục vượt khó vươn lên.
Ở một góc độ khác, những đánh giá của doanh nghiệp về xu hướng kinh doanh cho thấy sự khả quan đã thay thế niềm bi quan cách đây 1 - 2 năm.
Kết quả điều tra của Tổng cục Thống kê về xu hướng của các doanh nghiệp ngành công nghiệp chế biến, chế tạo trong quý IV/2016 cho thấy: Có 80,6% doanh nghiệp đánh giá sản xuất, kinh doanh quý IV ổn định và tốt hơn quý III, chỉ có 19,4% nhìn nhận còn khó khăn. Dự báo tình hình sản xuất, kinh doanh quý I/2017, có 81,1% doanh nghiệp đánh giá sẽ ổn định và tốt lên, 18,9% dự báo khó khăn hơn...
Những gì mà cộng đồng doanh nghiệp, đặc biệt là khu vực doanh nghiệp nhà nước, làm được và dự cảm từ thực tế đã đem đến những sự lạc quan cho nền kinh tế năm 2017.