Doanh nghiệp nợ bảo hiểm xã hội: Khó xử lý - vì sao?
Thống kê của Bảo hiểm Xã hội (BHXH) Việt Nam cho thấy, cả nước có đến 50% số lượng doanh nghiệp chưa tham gia bảo hiểm xã hội cho người lao động. Thậm chí, có rất nhiều doanh nghiệp nợ bảo hiểm với số nợ lớn, mặc dù đã có quy định xử lý hình sự nhưng tình trạng này vẫn tái diễn...
Nhiều doanh nghiệp chây ỳ
Theo số liệu của BHXH Việt Nam, ước tính đến ngày 15/9, toàn ngành BHXH đã triển khai thực hiện kiểm tra, thanh tra chuyên ngành và thanh tra liên ngành theo kế hoạch. Tổng số đơn vị được thanh tra kiểm tra của toàn ngành là 18.078 đơn vị.
Theo BHXH Việt Nam, thanh tra, kiểm tra, lực lượng chuyên ngành của BHXH tại một số địa phương phát hiện nhiều trường hợp người lao động được chủ doanh nghiệp ký hợp đồng lao động mùa vụ 25 ngày nhiều lần liên tục trong 2 năm. Sau khi hết hạn hợp đồng 2 - 5 ngày, họ lại được ký tiếp hợp đồng lao động mùa vụ. Đây là một cách thức mà không ít doanh nghiệp chây ỳ, trốn đóng BHXH cho người lao động. |
Trong đó, số đơn vị được thanh tra chuyên ngành là 6.575 đơn vị, số đơn vị được kiểm tra là 7.519 đơn vị; số đơn vị được thanh tra kiểm tra liên ngành là 3.984 đơn vị.
Đáng chú ý, sau khi thực hiện thanh tra, kiểm tra, đã phát hiện có 23.285 lao động chưa đóng, đóng thiếu thời gian phải tham gia với số tiền truy đóng do chưa đóng, đóng thiếu thời gian là 91.914 triệu đồng. Số tiền phải thu hồi về quỹ BHXH là 6.567 triệu đồng; số tiền phải thu hồi về quỹ BHTN là 2.222 triệu đồng; số tiền phải thu hồi về quỹ BHYT là 57.403 triệu đồng.
Chia sẻ về những khó khăn trong quá trình thu hồi nợ BHXH, báo cáo của BHXH TP Hà Nội cho biết, mặc dù đã thực hiện đồng bộ các giải pháp đôn đốc thu nợ, trong đó, có việc xử phạt vi phạm hành chính, nhưng các doanh nghiệp vẫn chưa thực hiện nghiêm túc cam kết về lộ trình trả nợ và khắc phục số nợ theo các kết luận thanh tra.
Thậm chí, các doanh nghiệp vẫn tiếp tục tái phạm để nợ kéo dài, dẫn đến số tiền nợ đọng, chậm đóng BHXH đã nhiều lại càng nhiều hơn, ước tính tổng số tiền các doanh nghiệp nợ BHXH trên 77 tỷ đồng, kéo dài nhiều năm liền làm ảnh hưởng trực tiếp đến quyền lợi chính đáng của hàng trăm lao động
Còn tại Đồng Nai, Giám đốc BHXH tỉnh Phạm Minh Thành cho biết, tỷ lệ nợ BHXH trên địa bàn tỉnh đến hết tháng 9/2019 chiếm 2,44% kế hoạch thu; tuy thấp hơn mức bình quân chung của cả nước và các địa phương lân cận, nhưng một số doanh nghiệp nợ rất lớn và thời gian nợ kéo dài.
Đáng nói, có những doanh nghiệp vi phạm nhưng chưa bị xử lý nên theo cơ quan điều tra chưa đủ yếu tố cấu thành tội phạm hoặc có những doanh nghiệp vi phạm trước thời điểm Bộ luật Hình sự có hiệu lực…
Sớm tháo gỡ khó khăn
Để hạn chế cũng như có những giải pháp xử lý với những doanh nghiệp nợ đọng BHXH, gần đây nhiều địa phương đã áp dụng cấm xuất nhập cảnh đối với những cá nhân vi phạm. Giải pháp này mang lại hiệu quả nhất định, giúp cơ quan chức năng thu được tiền nợ BHXH.
Song theo đại diện Sở Lao động, Thương binh và Xã hội tỉnh Đồng Nai, việc cấm xuất cảnh với những cá nhân vi phạm không dễ bởi gặp khó khăn trong việc xác định cá nhân thuộc doanh nghiệp nợ BHXH để cấm xuất nhập cảnh.
Đại diện Sở Lao động, Thương binh và Xã hội tỉnh Đồng Nai cho biết, Sở đã từng phối hợp thành lập 3 đoàn thanh tra xử lý các đơn vị nợ BHXH và kết quả xử lý rất tốt. Đối với doanh nghiệp cố tình chây ỳ, Sở đã tham mưu cho UBND tỉnh ban hành quyết định cấm xuất cảnh tạm thời trong vòng 3 năm hoặc đến khi doanh nghiệp trả hết nợ BHXH.
Giải pháp cấm xuất nhập cảnh đối với những cá nhân đại diện cho doanh nghiệp vi phạm liên quan đến BHXH đã được Cục Quản lý xuất nhập cảnh đồng ý nhưng sau đó đại diện Bộ Tư pháp lại không đồng ý vì cho rằng, chỉ được cấm xuất nhập cảnh với cá nhân là chủ doanh nghiệp, chứ không phải là người đại diện hợp pháp (đại diện pháp lý) cho doanh nghiệp.
Tuy nhiên, thực tế tại nhiều doanh nghiệp cho thấy, rất khó xác định “ông chủ” thật sự của đơn vị. Còn những người là đại diện pháp lý cho doanh nghiệp là những người đang trực tiếp điều hành doanh nghiệp… thì không bị cấm xuất nhập cảnh. Điều này sẽ gây khó khăn cho các ngành chức năng trong việc xác định đối tượng và ảnh hưởng đến công tác thu hồi nợ BHXH.
Chia sẻ về những khó khăn trong quá trình thu nợ, xử lý doanh nghiệp nợ BHXH, Vụ trưởng Vụ Thanh tra - Kiểm tra, BHXH Việt Nam Trần Đức Long cho biết, khi thanh tra tại một doanh nghiệp, đoàn thanh tra đã phát hiện nhiều người lao động được ký hợp đồng lao động một năm (6/2017) nhưng chưa tham gia BHXH.
“Theo hồ sơ doanh nghiệp cung cấp, đến tháng 12.2017 người lao động xin thôi việc nhưng đến tháng 4.2018 (3 tháng sau) lại được tiếp nhận vào làm việc với hợp đồng lao động mới và tham gia BHXH từ tháng 4.2018... Đây là những tình huống khá phổ biến mà nhiều đoàn thanh tra gặp phải. Tuy nhiên, cách ứng xử, giải thích của các chủ doanh nghiệp lại rất khác nhau nên các đoàn thanh tra cũng có những xử lý khác nhau” - ông Long nói.
Theo quy định pháp luật, nợ, trốn đóng BHXH là hành vi sai phạm, hành vi bị nghiêm cấm. Vụ kiện dân sự thì có đúng, có sai và tòa án là cơ quan phán quyết; nếu đúng thì tòa buộc doanh nghiệp phải trả, nếu sai thì tòa bác đơn. Còn đã là vi phạm thì không thể đưa sang tòa án xử xem đúng hay sai, mà chỉ là vi phạm đến mức nào. Ðây là lý do khiến việc kiện dân sự vướng mắc thời gian qua.
Gần đây nhất, Hội đồng Thẩm phán Tòa án Nhân dân Tối cao đã ban hành Nghị quyết 05/2019/NQ-HÐTP hướng dẫn áp dụng Ðiều 214, Ðiều 215, Ðiều 216 Bộ luật Hình sự. Đây được xem hành lang pháp lý thống nhất trong việc xử lý các trường hợp vi phạm về BHXH, BHYT.
Chính vì vậy, các ban ngành, địa phương cần phối hợp để đưa quy định này vào cuộc sống. Có như vậy mới hạn chế được tình trạng trốn đóng, chây ỳ nộp BHXH, góp phần bảo đảm quyền lợi cho người lao động.