Đề xuất loạt giải pháp cắt giảm thời gian, thủ tục khởi sự kinh doanh
Theo quy định, thời gian đăng ký doanh nghiệp đã giảm xuống còn 5-7 ngày. Tuy nhiên trên thực tế, thời gian khởi sự kinh doanh phải mất đến 16 ngày.
Thông tin được Phan Đức Hiếu, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) cho biết tại hội thảo được tổ chức cuối tuần qua về các giải pháp cải thiện chỉ số khởi sự kinh doanh và chỉ số bảo vệ cổ đông thiểu số theo đánh giá Doing Business của Ngân hàng Thế giới.
Ông Phan Đức Hiếu cho biết, khởi sự kinh doanh là một trong 2 nội dung quan trọng nhất của Luật Doanh nghiệp. Hiện Luật này đang trong quá trình soạn thảo và dự kiến sẽ được trình Quốc hội vào kỳ họp thứ 9 này và có hiệu lực vào ngày 01/01/2021.
Theo báo cáo của CIEM, trước năm 2000 - thời gian thành lập một doanh nghiệp mới sẽ mất từ 6 tháng đến 1 năm và sau năm 2000 - thời gian đăng ký doanh nghiệp đã giảm xuống còn 5-7 ngày. Tuy nhiên trên thực tế, ông Hiếu cho hay thời gian khởi sự kinh doanh phải mất đến 16 ngày. Môi trường kinh doanh đã có nhiều thay đổi nhưng cho đến nay vẫn còn những rào cản, quy định bất hợp lý và gây ảnh hưởng đến quá trình gia nhập thị trường.
Trong đó, doanh nghiệp phải chịu một số loại chi phí với mức độ tăng thêm một cách bất hợp lý. Đó là, chi phí cho quá trình thực hiện quy định pháp luật; bị mất cơ hội kinh doanh do tăng chi phí về tài chính và thời gian; chi phí về phí, lệ phí để làm các thủ tục hành chính và cuối cùng là chi phí cho hoạt động đào tạo nhân lực, mua sắm thiết bị để đáp ứng quy định pháp luật.
"Những chi phí này làm gia tăng chi phí cho sản phẩm, dịch vụ. Cùng sản xuất 1 sản phẩm, 1 doanh nghiệp của Việt Nam với 1 doanh nghiệp của Thái Lan, tôi tin chi phí sản xuất từ nguyên liệu đầu vào của Việt Nam và Thái Lan không chênh lêch mấy, nhưng nếu như ở Việt Nam lại có thêm gánh nặng thể chế nhiều hơn so với các quốc gia khác và đặc biệt so với Thái Lan thì rõ ràng sản phẩm bán ra phải đắt hơn. Bán để bù đắp mọi chi phí thì không thể bán được, còn bán bằng giá của họ thì lại không cạnh tranh được. Có thể nói, môi trường thể chế vô cùng quan trọng", ông Hiếu chia sẻ.
Do đó, mỗi một cải cách, tiến bộ dù là nhỏ cũng sẽ mang lại tác động lớn, trên diện rộng. Ông Hiếu đơn cử, nếu giảm được 1 giờ cho doanh nghiệp trong thực hiện thủ tục hành chính có nghĩa là doanh nghiệp cả nước sẽ tiết kiệm được rất nhiều bởi cả nước có hơn 700 nghìn doanh nghiệp. Đáng lưu ý là, dư địa cải cách vẫn còn nhiều để tận dụng, khai thác vì sự tiến bộ và lợi ích của doanh nghiệp; trong đó, cần tập trung gỡ bỏ những quy định bất hợp lý, không rõ mục tiêu hoặc gây phiền hà cho doanh nghiệp.
Đơn cử, đó là những quy định như: doanh nghiệp phải có một số lượng bình gas là bao nhiêu để được phân phối gas trong khi cơ quản lý không tính đến điều đó có phù hợp hay không, nhu cầu thị trường ở từng khu vực, địa phương là bao nhiêu...? Hay quy định xe tải trọng lớn, xe đầu kéo phải mang phù hiệu khi lưu thông... Đã phải mất nhiều tranh luận, thời gian để có thể gỡ bỏ những điều kiện như vậy.
Với thực trạng này, để cải thiện chỉ số khởi sự kinh doanh, đại diện CIEM đề xuất, cần tiếp tục trao quyền tự quyết về con dấu của doanh nghiệp, bãi bỏ thủ tục phải thông báo mẫu dấu; bãi bỏ quy định DN phải báo cáo định kỳ 6 tháng về tình hình sử dụng lao động; doanh nghiệp mới thành lập thì thời hạn nộp thuế môn bài thực hiện vào ngày 30/1 của năm kế tiếp. Giám sát việc thực thi quy định đối với thủ tục đặt in/tự in hóa đơn và thông báo phát hành đảm bảo đúng thời hạn 4 ngày theo quy định. Ngoài ra, thủ tục mua hóa đơn phải đảm bảo giải quyết ngay trong ngày.
Phải theo thông lệ quốc tế
Bà Nguyễn Thị Việt Anh, Phó Cục trưởng Cục Quản lý đăng ký kinh doanh, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho rằng, để cải thiện chỉ số khởi sự kinh doanh thì phương pháp cách tiếp cận là bám sát thông lệ quốc tế, cụ thể là nội dung khởi sự kinh doanh trong báo cáo Doing Business hàng năm của Ngân hàng Thế giới; từ đó đề ra giải pháp để cải thiện chỉ số.
“Chúng tôi được giao xây dựng Nghị định về khởi sự kinh doanh và đã bám sát quy trình mà Ngân hàng Thế giới chỉ ra. Tại cuộc họp đầu tiên với các bộ ngành liên quan về dự thảo Nghị định đã chỉ ra những điểm cần cải thiện trong khởi sự kinh doanh”, đại diện Cục Quản lý đăng ký kinh doanh cho biết.
Cũng theo bà Anh, chỉ có phương pháp liên thông các thủ tục hành chính bằng việc chia sẻ dữ liệu giữa các cơ quan quản lý nhà nước qua kết nối điện tử mới là giải pháp hữu hiệu nhất để đạt được đồng thời 3 mục tiêu, gồm: cắt giảm thủ tục, tiết kiệm chi phí hành chính và giảm thời gian thực hiện cho doanh nghiệp.
Để tinh gọn khâu thủ tục mua hóa đơn và tự in hóa đơn VAT, bà Nguyễn Thị Việt Anh cho biết: “Chúng tôi đề xuất phương án với Bộ Tài chính rằng sẽ tích hợp thủ tục xin mua hóa đơn và in hóa đơn vào mẫu đề nghị đăng ký thành lập doanh nghiệp. Khi doanh nghiệp nộp hồ sơ đang ký thành lập cho đầu mối cơ quan quản lý đăng ký kinh doanh thì Hệ thống thông tin đăng ký doanh nghiệp quốc gia sẽ gửi thông tin đó đến cơ quan thuế. Sau khi cơ quan thuế gửi mã số thuế doanh nghiệp thì đồng thời gửi trả kết quả thông báo sử dụng hóa đơn cho doanh nghiệp”.
Với giải pháp liên thông này, sẽ cắt giảm được thủ tục doanh nghiệp phải gửi cho cơ quan thuế và tiết kiệm được thời gian và chi phí cho khâu thành lập doanh nghiệp. Nếu giải pháp trên được thực hiện, thì khâu thực hiện mua hoặc tự in hóa đơn VAT sẽ được rút ngắn còn 3 ngày, thay vì 10 ngày như hiện nay, đại diện Cục Quản lý đăng ký kinh doanh nhận định.
Đối với thủ tục khai trình sử dụng lao động, giải pháp được Bộ Kế hoạch và Đầu tư đưa ra với Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội là doanh nghiệp không cần đến cơ quan quản lý nhà nước về lao động để nộp tờ khai sử dụng lao động. Thay vào đó, cơ quan quản lý đăng ký kinh doanh sau khi cấp chứng nhận đăng ký kinh doanh cho doanh nghiệp sẽ đồng thời chia sẻ dữ liệu về giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh của doanh nghiệp và số lao động mà doanh nghiệp đó khai báo.
Theo phương án này, doanh nghiệp không cần phải khai trình lao động trong thời hạn 30 ngày kể từ khi bắt đầu hoạt động. Như vậy, sẽ cắt giảm được thủ tục hành chính này cũng như tiết kiệm thời gian và chi phí cho doanh nghiệp.
Ông Phan Đức Hiếu đánh giá, những đề xuất trên là thông tin rất tích cực cho môi trường kinh doanh năm nay. Các quy định thủ tục được tích hợp, hài hòa hóa sẽ giúp cắt giảm nhiều chi phí giao dịch mà doanh nghiệp phải đi lại các cơ quan khác nhau để giải quyết.
“Làm chính sách cần có những thay đổi nhất định. Thường chúng ta hay thảo luận 3 ngày có đủ thời gian cho cơ quan quản lý nhà nước giải quyết các thủ tục không. Có lẽ đến lúc phải tư duy ngược lại, công chức phải xác định mất bao lâu để xử lý các thủ tục thành lập doanh nghiệp và nhìn nhận được việc tiết kiệm 1 ngày cho doanh nghiệp là tốt cho doanh nghiệp, tốt cho xã hội,” ông Phan Đức Hiếu nêu.
Đối với nội dung bảo vệ cổ đông thiểu số, CIEM cho biết, đây là vấn đề liên quan đến quản trị doanh nghiệp và cũng là điểm yếu của doanh nghiệp Việt Nam; đặc biệt là đối với mô hình công ty cổ phần. Từ trước đến nay, quản trị doanh nghiệp chưa được quan tâm đúng mức; trong đó một tỷ lệ không nhỏ doanh nghiệp dân doanh hoạt động và thực hiện việc kinh doanh, quản lý hoạt động theo cách “nội bộ gia đình”. Từ đó có thể nảy sinh nhiều xung đột, mâu thuẫn, thiếu rạch ròi giữa quan hệ gia đình với yêu cầu trong điều hành sản xuất-kinh doanh.
Riêng với công ty cổ phần, CIEM đề nghị cần chủ động loại bỏ các quy định bất hợp lý, có thể là nguy cơ đối với các cổ đông nói chung, nhất là với cổ đông thiểu số-tức là cổ đông nắm ít cổ phần. Cụ thể, CIEM đề xuất bỏ yêu cầu cổ đông phải sở hữu cổ phần liên tục từ 6 tháng trở lên; cổ đông có quyền yêu cầu thực hiện kiểm toán độc lập do bên ngoài đảm nhận; mở rộng quyền của cổ đông bằng cách hạ mức phải nắm giữ 10% vốn xuống 5% vốn của công ty để được quyền kiến nghị, đưa thêm nội dung vào chương trình họp đại hội đồng cổ đông...