Doanh nghiệp tăng tốc để phục hồi sản xuất kinh doanh

Theo Đỗ Lan/Báo Đắk Lắk

Trở lại trạng thái bình thường mới, các doanh nghiệp (DN) của tỉnh Đắk Lắk đang tăng tốc cho kế hoạch sản xuất - kinh doanh, đón đầu sức mua được kỳ vọng sẽ tăng mạnh vào những tháng cuối năm.

Công nhân làm việc tại xưởng sản xuất của Công ty TNHH Sản xuất, thương mại, dịch vụ xuất nhập khẩu Đăng Phong. Ảnh: ĐL
Công nhân làm việc tại xưởng sản xuất của Công ty TNHH Sản xuất, thương mại, dịch vụ xuất nhập khẩu Đăng Phong. Ảnh: ĐL

Nhiều DN của tỉnh Đắk Lắk nhận định, sau một thời gian dài bị ảnh hưởng tiêu cực bởi dịch bệnh COVID-19 thì sức mua trên thị trường đang có xu hướng tăng trở lại. Vì thế các DN cũng tăng tốc cho những bứt phá mới, chờ đón sự phục hồi tốt cho hoạt động sản xuất, kinh doanh.

Ông Lê Văn Vương - Giám đốc Công ty TNHH Sản xuất và thương mại Vương Thành Công (TP. Buôn Ma Thuột) cho hay, dù đối mặt với nhiều khó khăn nhưng công ty vẫn có sự lạc quan về triển vọng phát triển thêm những thị trường mới nhờ các hoạt động tìm kiếm đối tác qua giao thương trực tuyến.

Hoạt động kinh doanh của công ty đã phục hồi khoảng 50 - 60% so với trước. Tín hiệu vui hơn là mới đây, có hai sản phẩm của công ty được công nhận là Sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu cấp tỉnh 2021. Đây là bước đà tốt để công ty tăng tốc, vươn lên khẳng định dấu ấn trên thị trường.

Thực tế thời gian qua, khi dịch bệnh xảy ra, khó khăn là tình trạng chung của nhiều DN, nhưng các đơn vị đã chủ động đầu tư công nghệ, nghiên cứu đa dạng sản phẩm, tham gia chuyển đổi số để đưa sản phẩm bán trên sàn thương mại điện tử và có sự chuẩn bị tốt về nhân sự nhằm đáp ứng yêu cầu kinh doanh trong tình hình mới.

Tại Công ty TNHH Sản xuất, thương mại, dịch vụ xuất nhập khẩu Đăng Phong (TP. Buôn Ma Thuột), 100% người lao động đã được tiêm vắc xin ngừa COVID-19, công ty sẵn sàng tâm thế sản xuất, kinh doanh trở lại. Ông Nguyễn Đăng Phong, Giám đốc công ty chia sẻ, quá trình phục hồi và đón cơ hội tăng trưởng trở lại, công ty tìm mọi cách thúc đẩy phát triển hoạt động kinh doanh, chủ động nguồn nguyên liệu, có đủ lao động vận hành bảo đảm 100% công suất tại nhà máy và chú trọng đầu tư công nghệ để tăng hiệu quả lao động.

Thời điểm này, Công ty Đăng Phong đang đối mặt với áp lực lớn từ việc giá vật tư, nguyên liệu đầu vào tăng cao, trong khi đầu ra bị sụt giảm hơn so với mọi năm. Đầu tư vào giai đoạn khó khăn như hiện nay, công ty rất quan tâm cải tiến kỹ thuật, thay đổi công nghệ hợp lý và hiệu quả, năng lực sản xuất nhằm nâng cao chất lượng sản phẩm, khẳng định giá trị thương hiệu của mình trên thị trường.

Công ty cũng chú trọng tạo mọi điều kiện để khuyến khích, phát huy năng lực sáng tạo của đội ngũ kỹ thuật để thúc đẩy hoạt động tăng năng suất lao động, giảm giá thành sản xuất. Trên nền tảng kỹ thuật và năng lực hiện có, công ty đang nghiên cứu cho ra đời các dòng sản phẩm máy cắt cỏ, máy phun thuốc cầm tay có chất lượng tốt, đáp ứng nhu cầu thị trường trong nước và xuất khẩu.

Ở lĩnh vực chế biến cà phê, Công ty TNHH Sản xuất và thương mại Vương Thành Công không ngừng nghiên cứu đưa ra thị trường những sản phẩm mới. Bên cạnh dòng cà phê rang xay dành cho pha máy và pha phin, công ty còn đầu tư, sáng tạo ra các sản phẩm làm từ cà phê như cà phê hòa tan sấy lạnh, rượu vang cà phê, trà cascara (làm từ vỏ cà phê hữu cơ chín). Mới đây là sản phẩm trà hoa cà phê, cà phê làm đẹp từ cà phê hữu cơ… được thị trường đón nhận.

Đáng mừng là dù khó khăn nhưng đơn vị vẫn tìm thấy nhiều cơ hội từ thị trường nội địa. Khi dịch bệnh từng bước được khống chế ở nhiều địa phương trong cả nước, công ty mạnh dạn tăng lượng sản xuất, cung ứng ra thị trường để đón đầu sức mua dịp Tết sắp đến. Mặt khác, đẩy mạnh bán hàng trên các sàn thương mại điện tử, tham gia các hội thảo trực tuyến… để quảng bá rộng rãi về sản phẩm.

Theo Sở Công thương Đắk Lắk, sau thời gian áp dụng giãn cách xã hội để thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch, đến nay các nhà máy sản xuất, chế biến công nghiệp của tỉnh đã hoạt động ổn định, đa số sản lượng các sản phẩm công nghiệp chủ yếu đều tăng đáng kể. Có thể kể đến như lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo và lĩnh vực phân phối, sản xuất điện đang ở mức tăng trưởng khá trong 10 tháng của năm 2021, góp phần lớn vào tăng trưởng toàn ngành công nghiệp của tỉnh.

Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh Đắk Lắk Huỳnh Văn Dũng cho biết, đến nay 322 DN tạm ngừng đã quay trở lại hoạt động kinh doanh. Trong những tháng còn lại, hơn 10.000 DN của tỉnh đang tăng tốc và có kế hoạch dài hơi để từng bước phục hồi sản xuất, lấy lại đà tăng trưởng kinh tế. Tuy nhiên, DN rất cần sự hỗ trợ của Nhà nước cũng như các cơ quan hữu quan liên quan.

Đặc biệt, cộng đồng DN tỉnh mong muốn các bộ, ngành và Chính phủ xem xét giãn thời gian thực hiện các quy định tại Nghị định 52/2021/NĐ-CP về gia hạn thời hạn nộp thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế thu nhập cá nhân và tiền thuê đất trong năm 2021; giãn thời gian đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế; giảm phí công đoàn từ 2% xuống còn 1%; hỗ trợ giảm lãi suất vốn vay, giãn nợ... để tạo điều kiện cho DN ổn định, khôi phục hoạt động sản xuất trong thời gian đến.

Thống kê từ Sở Công thương Đắk Lắk, chỉ số sản xuất công nghiệp tháng 10/2021 trên địa bàn tỉnh tăng 8,7% so với trước và tăng 21,2% so với cùng kỳ năm 2020. Tính chung 10 tháng của năm 2021, chỉ số sản xuất công nghiệp toàn tỉnh tăng 25,7% so với cùng kỳ năm 2020.