Sản xuất, xuất khẩu khởi sắc
Triển vọng hồi phục sản xuất, kinh doanh ngày càng sáng hơn khi các doanh nghiệp (DN) quay trở lại hoạt động, cùng với đó là nhu cầu hàng hóa trong nước, quốc tế tăng cao trong những tháng cuối năm. Tuy nhiên, dịch bệnh COVID-19 vẫn còn diễn biến phức tạp, DN trở lại sản xuất, kinh doanh nhưng vẫn còn gặp khó khăn về nguyên vật liệu, thị trường, chi phí logistics...
Duy trì đà tăng trưởng
Sau khoảng 1 tháng phục hồi, các DN trên địa bàn tỉnh Bình Dương đã nhanh chóng tổ chức lại sản xuất, kinh doanh, bảo đảm an toàn trong phòng, chống dịch bệnh COVID-19, nhằm đẩy mạnh, lấy lại đà tăng trưởng kinh tế trong những tháng cuối năm 2021. Trong đó, nhiều công ty có tỷ lệ lao động quay lại làm việc đạt gần 100% và sản xuất khôi phục lại hoàn toàn.
Một số ngành xuất khẩu chủ lực của tỉnh Bình Dương có nhiều tín hiệu khởi sắc. Cụ thể, trong tháng 10/2021, kim ngạch xuất khẩu sản phẩm gỗ dự ước đạt 418,6 triệu đô la Mỹ, tăng 124,5% so với tháng trước.
Lũy kế 10 tháng kim ngạch xuất khẩu ước đạt hơn 5,1 tỷ đô la Mỹ, tăng 15,5% so với cùng kỳ, chiếm tỷ trọng 18% tổng kim ngạch xuất khẩu cả tỉnh Bình Dương. Hàng dệt may kim ngạch xuất khẩu ước đạt 152 triệu đô la Mỹ, tăng 241,4% so với tháng trước. Lũy kế 10 tháng kim ngạch xuất khẩu ước đạt hơn 2 tỷ đô la Mỹ, tăng 1,4% so với cùng kỳ, chiếm tỷ trọng 7% tổng kim ngạch xuất khẩu.
Ông Nguyễn Liêm - Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Lâm Việt (TX.Tân Uyên) cho biết, công ty đã hoạt động trở lại, 80% công nhân đã đi làm. Công ty luôn nhắc nhở, yêu cầu người lao động phải bảo đảm việc phòng, chống dịch bệnh COVID-19 để giữ an toàn cho bản thân, gia đình, nhà máy để bảo đảm thu nhập. Đối với người lao động đang ở trọ, công ty cũng bố trí người giám sát, trường hợp nào không tuân thủ quy định phòng dịch sẽ bị nhắc nhở, nếu không chấp hành sẽ không được vào nhà máy làm việc.
Ông Liêm đánh giá việc mở cửa, giao quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm cho DN là chủ trương đúng đắn của tỉnh Bình Dương. Công ty đang nỗ lực hết sức cho những đơn hàng cuối năm. “Thời điểm này, DN mong muốn không chỉ là lợi nhuận mà còn là ổn định đời sống người lao động, giữ chân được những khách hàng lớn”, ông Liêm nhấn mạnh.
Tại các địa phương trên địa bàn tỉnh Bình Dương cũng có nhiều nỗ lực trong việc hỗ trợ DN. Ông Đoàn Hồng Tươi, Chủ tịch UBND TX.Tân Uyên, cho biết địa phương luôn sát cánh cùng DN trong mọi tình huống, nỗ lực hỗ trợ các DN xây dựng và triển khai thực hiện hướng dẫn của ngành y tế về công tác phòng, chống dịch bệnh. Thị xã công khai số điện thoại liên lạc cần thiết, các ngành hướng dẫn DN xây dựng kế hoạch ứng phó dịch bệnh với từng cấp độ, bảo đảm xử lý kịp thời khi dịch bệnh diễn ra. Trong đó, việc kiểm tra, kiểm soát dịch bệnh hàng ngày, kiểm soát chặt nguồn lây từ các đối tác đến làm việc, quan hệ kinh doanh phải được DN duy trì và bảo đảm.
Đối diện với nhiều thách thức
Trong quá trình khôi phục sản xuất, có nhiều thách thức mà DN phải đối mặt. Áp lực phòng, chống dịch bệnh, chi phí sản xuất tăng cao do giá nhiều nguyên liệu đầu vào tăng, vận chuyển hàng hóa nguyên vật liệu vẫn chưa thực sự thông suốt...
Đối với ngành cơ khí, theo bà Trịnh Thị Hồng Châu, Giám đốc Công ty Cơ khí Kim Chung (TX.Tân Uyên), hiện nay khó khăn nhất cho các DN không phải là đơn hàng mà là nguồn cung nguyên liệu gián đoạn và giá cả tăng. Nguồn nguyên liệu chủ yếu nhập khẩu và giá ở mức cao khiến cho giá sản phẩm đầu ra tăng theo tùy loại.
Tuy nhiên, nếu có nguyên liệu, DN sẵn sàng trả giá cao hơn thị trường để có đầu vào, bảo đảm sản xuất, cung ứng cho đối tác, nhưng muốn cũng không có. DN đang “gồng mình” thương lượng giá đầu ra để giữ mối tiêu thụ, thu hút khách hàng; từng bước khôi phục, ổn định hoạt động sản xuất, kinh doanh sau thời gian gián đoạn vì dịch bệnh.
Đối với DN ngành gỗ, giá nguyên vật liệu nhập về phục vụ cho hoạt động sản xuất của nhiều ngành hàng xuất khẩu trong thời gian qua tăng một phần do giá cước vận tải biển tăng cao, trong đó tăng mạnh nhất đối với thị trường Hoa Kỳ và các nước châu Âu. Theo ông Huỳnh Quang Thanh, Tổng Giám đốc Công ty TNHH Chế biến gỗ Hiệp Long, DN chế biến và xuất khẩu gỗ hiện nay không chỉ chịu áp lực về giá gỗ nguyên liệu tăng mà còn phải gánh thêm phần chi phí vận chuyển container cao ngất ngưởng. “Trước đây, một container đi châu Âu, Mỹ có phí vận chuyển khoảng 2.000 đô la Mỹ, nay tăng lên 12.000 - 13.000 đô la Mỹ, thậm chí lên tới 20.000 đô la Mỹ nếu vận chuyển đến các bang miền Đông nước Mỹ”, ông Thanh cho biết.
Một vấn đề nữa, theo nhiều DN có hoạt động xuất, nhập khẩu ở Bình Dương, đó là lo lắng thời gian tới sẽ phải cộng thêm chi phí do việc TP. Hồ Chí Minh áp dụng thu phí hạ tầng cảng biển. Theo đó, đối với hàng hóa nhập khẩu, xuất khẩu mở tờ khai tại TP. Hồ Chí Minh sẽ áp dụng mức thu 250.000 đồng/cont đối với container 20ft, 500.000 đồng/cont với container 40ft và 15.000 đồng/tấn đối với hàng lỏng, hàng rời không đóng trong container. Trong khi hàng hóa nhập khẩu, xuất khẩu mở tờ khai ngoài TP. Hồ Chí Minh sẽ áp dụng mức 500.000 đồng/cont đối với container 20ft, 1 triệu đồng/cont đối với container 40ft và 30.000 đồng/tấn đối với hàng lỏng, hàng rời không đóng trong container.
Lãnh đạo nhiều DN cho biết hiện nay do ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19, việc thu phí chưa tiến hành, song về lâu dài sẽ tác động và làm gia tăng chi phí sản xuất. Do vậy, các DN mong muốn tỉnh Bình Dương cần trao đổi với TP. Hồ Chí Minh để có thể có được giải pháp hài hòa, tạo điều kiện cho DN.