Trách nhiệm mở rộng của nhà sản xuất là động lực thúc đẩy nền kinh tế tuần hoàn
Trách nhiệm mở rộng của nhà sản xuất (EPR) và kinh tế tuần hoàn có mối quan hệ mật thiết với nhau, không thể có kinh tế tuần hoàn nếu không có EPR, và EPR là động lực để thúc đẩy nền kinh tế tuần hoàn.
Ngày 4/11, tại Hà Nội, Liên minh Bảo tồn thiên nhiên thế giới (IUCN) tại Việt Nam phối hợp cùng Trung tâm Hỗ trợ phát triển Xanh (GreenHub), Liên minh Không rác Việt Nam (VZWA) và Nhóm tư vấn Chính sách và Luật về môi trường e-Policy (e-Policy) tổ chức tọa đàm trực tuyến “Thúc đẩy thực hiện EPR nhằm hỗ trợ phát triển kinh tế tuần hoàn ở Việt Nam”.
Tọa đàm nhằm thảo luận và làm rõ hơn một số nội dung còn nhiều quan điểm khác biệt liên quan đến cơ chế EPR trong dự thảo Nghị định hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Bảo vệ môi trường 2020 đang được Bộ Tài nguyên và Môi trường trình Chính phủ phê duyệt.
EPR giúp tái cấu trúc hệ thống quản lý chất thải
EPR là cách tiếp cận của chính sách môi trường, trong đó trách nhiệm của nhà sản xuất một loại sản phẩm được mở rộng tới giai đoạn thải bỏ trong vòng đời của sản phẩm đó. EPR yêu cầu nhà sản xuất có trách nhiệm quản lý các sản phẩm sau khi chúng trở thành rác thải, bao gồm: thu gom; tiền xử lý như phân loại, tháo dỡ hoặc khử ô nhiễm; (để chuẩn bị cho) tái sử dụng; thu hồi (bao gồm tái chế và thu hồi năng lượng) hoặc cuối cùng thải bỏ.
Phát biểu tại buổi tọa đàm, ông Phan Tuấn Hùng, Vụ trưởng Vụ Pháp chế - Bộ Tài nguyên và Môi trường, nhấn mạnh kinh tế tuần hoàn đang là một xu hướng hiện nay. Văn kiện Đại hội Đảng mới đây đã có chủ trương xây dựng nền kinh tế tuần hoàn, và EPR là một trong những công cụ chính sách thể chế hóa chủ trương của Đảng về phát triển kinh tế tuần hoàn.
“EPR và kinh tế tuần hoàn có mối quan hệ mật thiết với nhau, không thể có kinh tế tuần hoàn nếu không có EPR, và EPR là động lực để thúc đẩy nền kinh tế tuần hoàn”, ông Hùng khẳng định.
“EPR giúp tái cấu trúc hệ thống quản lý chất thải hiện nay. Cơ chế này bảo đảm sự tuần hoàn tài nguyên, khép vòng giữa chất thải và nguồn nguyên liệu đầu vào sản xuất, do đó giảm phụ thuộc vào tài nguyên thiên nhiên cũng như giảm việc nhập khẩu phế liệu từ nước ngoài”, ông cho hay.
Cũng theo ông Hùng, EPR là cơ sở để hình thành ngành công nghiệp tái chế hiện đại, điều hướng các nguồn rác thải phục vụ tái chế vào các cơ sở tái chế thân thiện môi trường. Nếu nhìn ở góc độ khái quát hơn, rộng hơn, EPR là một cơ hội chia sẻ lợi ích, gánh nặng của các bên.
Đồng tình với quan điểm trên, ông Fausto Tazzi - Phó Chủ tịch Liên minh tái chế bao bì Việt Nam (PRO Việt Nam) cho rằng EPR là cách tốt nhất bảo đảm tiền chi phí của doanh nghiệp được phân bổ phù hợp để có thể quản lý rác thải sau khi đã hết chu kỳ sử dụng.
Tuy nhiên, ông nhấn mạnh sự cần thiết phải có trách nhiệm mở rộng của tất cả các bên chứ không chỉ là nhà sản xuất, bởi tỷ lệ thu gom, tái chế rác không phụ thuộc vào mong muốn riêng rẽ của doanh nghiệp, mà còn phụ thuộc vào hành vi người tiêu dùng (như trong phân loại rác), cũng như những cải tiến cần có trong quản lý rác thải và quản lý của Chính phủ.
Theo chuyên gia chính sách và pháp luật Nguyễn Hoàng Phượng, bên cạnh là một công cụ giúp giải quyết vấn đề quản lý chất thải rắn ở Việt Nam, EPR cũng nên được nhìn nhận ở góc độ một công cụ giúp cải cách hệ thống quản lý rác thải rắn ở Việt Nam trong tương lại.
“EPR có thể được coi là game-changer (nhân tố thay đổi cuộc chơi), giúp thay đổi hệ thống liên quan đến quản lý, tính minh bạch trong quản lý chất thải rắn, cũng như vai trò các bên liên quan trong toàn bộ hệ thống”, bà Phượng cho biết.
Cần thiết quy định tỷ lệ tái chế hợp lý
Cho ý kiến về tỷ lệ tái chế rác thải, các đại biểu cho rằng cần có sự khảo sát kỹ càng, tin cậy về tỷ lệ tái chế trên thực tế ở nước ta để đặt ra tỷ lệ tái chế phù hợp. Nếu đặt ra tỷ lệ tái chế thấp hơn thực tế thì EPR mất tác dụng, nếu đặt cao quá so với tỷ lệ này thì không khả thi.
Theo ông Fausto Tazzi, EPR là một cơ chế hiệu quả nhưng ko phải một “cây đũa thần”. Nhiều quốc gia đã mất nhiều năm triển khai để cố gắng tăng tỷ trọng tái chế lên. Tuy nhiên, ông cho rằng Việt Nam không cần vội vã vì quá trình triển khai đòi hỏi nhiều thời gian. Thay vào đó, cần quy định một cách hợp lý tỷ lệ tái chế bắt buộc đối với nhà sản xuất, điều mà ông cho là một thách thức không hề đơn giản.
“Chúng ta có thể bắt đầu từ tỷ lệ thấp trong những năm đầu, sau đó điều chỉnh tăng dần lên ở những năm tiếp theo. Lời khuyên ở đây là chúng ta không nên quá vội đưa tỷ lệ tái chế bắt buộc lên quá cao để rồi không thể đạt được. Như tôi đã nói, EPR là phương pháp hiệu quả và đỡ tốn kém, nhưng cần triển khai theo cách tiếp cận từng bước, phải có nền tảng đủ mạnh và vững chắc”, ông Fausto cho hay.
Tiến sĩ Nguyễn Đức Quảng, Phó Viện trưởng Viện Khoa học công nghệ và Môi trường, Đại học Bách khoa Hà Nội, nêu rõ Điều 54 Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 có sử dụng thuật ngữ tỷ lệ và quy cách tái chế bắt buộc. “Tái chế bắt buộc rất quan trọng với thực hiện EPR. Tuy nhiên, điều khó khăn là chúng ta có một khối lượng khá lớn các nhóm sản phẩm được xếp vào dòng phải thu hồi, xử lý”, ông nhấn mạnh.
Trả lời câu hỏi về cơ sở để tính toán tỷ lệ tái chế bắt buộc, ông Phan Tuấn Hùng, Vụ trưởng Vụ Pháp chế - Bộ Tài nguyên và Môi trường, cho biết Luật Bảo vệ môi trường quy định tỷ lệ tái chế bắt buộc là tỷ lệ khối lượng sản phẩm bao bì phải được tái chế trên tổng khối lượng sản phẩm bao bì được đưa ra thị trường trong một năm. Tỷ lệ này khác với tỷ lệ thu hồi trong quy cách tái chế bắt buộc.
“Tỷ lệ tái chế được đưa ra dựa vào vòng đời sản phẩm, tức là tuổi thọ của sản phẩm đó. Vòng đời sản phẩm ngắn thì tỷ lệ tái chế phải cao. Thứ hai là dựa trên khả năng thu gom. Các dòng rác có giá trị thì thu gom cao, và ngược lại”, ông Hùng cho hay.
Tuy nhiên, đôi khi nhà sản xuất cho rằng tỷ lệ này cao, còn nhà tái chế thì cho rằng tỷ lệ này không đủ để đầu tư vào dây chuyền tái chế. Theo ông, cần thiết phải tìm được điểm cân bằng để đạt được sự đồng thuận giữa các bên.