Doanh nghiệp thực phẩm Việt có cơ hội mới

Theo Thanh Thanh/thoibaonganhang.vn

Nhận định này của nhiều chuyên gia cho thấy, vị trí ngày càng quan trọng của ngành thực phẩm Việt Nam trong xu thế hội nhập hiện nay. Tuy nhiên so sánh với một số nước trong khu vực như Thái Lan, Trung Quốc… thì ngành thực phẩm Việt như chưa từng được biết đến, bởi trên thị trường thế giới, thực phẩm Việt gần như không có thương hiệu.

Doanh nghiệp thực phẩm Việt có cơ hội mới. Nguồn: Internet
Doanh nghiệp thực phẩm Việt có cơ hội mới. Nguồn: Internet

Theo Bộ Công Thương, từ năm 2017 - 2020 là giai đoạn triển khai thực hiện Chương trình xây dựng thương hiệu ngành thực phẩm Việt Nam. Đây là một phần của Chương trình Thương hiệu quốc gia, theo định hướng xây dựng và phát triển thương hiệu các ngành hàng có thế mạnh xuất khẩu và khả năng cạnh tranh của Việt Nam, trong đó tập trung đề cao các giá trị liên quan trực tiếp tới ngành thực phẩm Việt Nam.

Chương trình xây dựng thương hiệu ngành thực phẩm Việt Nam nhằm xây dựng, quảng bá hiệu quả một hình ảnh chung của ngành thực phẩm Việt Nam, tăng cường nhận thức và công nhận ở quy mô quốc tế, về giá trị của thực phẩm Việt Nam.
Qua đó, góp phần thúc đẩy tăng trưởng của ngành thực phẩm, đẩy mạnh xuất khẩu các mặt hàng thực phẩm của Việt Nam ra thị trường thế giới, tạo điều kiện, cơ hội cho các doanh nghiệp (DN) tham gia, mở rộng phát triển thị trường. Ngược lại, các DN tham gia cần có trách nhiệm tuân thủ các giá trị của chương trình, đóng góp công sức vào việc xây dựng một hình ảnh chung, tích cực và năng động về ngành thực phẩm Việt Nam.

Ông Koos Van Eyk - Giám đốc Tổ chức Hỗ trợ nhập khẩu từ các nước đang phát triển của Hà Lan nhận định, nhiều quốc gia châu Á như Thái Lan, Hàn Quốc… đã áp dụng thành công việc xây dựng thương hiệu chung cho cả ngành thực phẩm. Ví dụ, Thái Lan được xem như nhà bếp của thế giới, hay trào lưu ẩm thực lành mạnh, tốt cho sức khỏe là từ Hàn Quốc…

Trong khi Việt Nam là nước cung cấp hàng đầu nhiều loại nông sản, thực phẩm cho thế giới, với kim ngạch xuất khẩu hàng năm gần 30 tỷ USD lại chưa có thương hiệu chung cho ngành thực phẩm, và thế giới hầu như chưa biết đến ngành thực phẩm Việt Nam. Hiện tại, vẫn có khoảng cách lớn giữa những gì Việt Nam có khả năng, và những gì thế giới biết về Việt Nam. Vì vậy, cần san bằng khoảng cách này thông qua việc xây dựng và truyền thông thương hiệu tổng thể toàn ngành thực phẩm Việt Nam.

Các chuyên gia ngành thực phẩm của thế giới đều thấy được, Việt Nam đã trải qua một cuộc cách mạng thầm lặng, là chuyển từ một nhà sản xuất nông nghiệp khu vực, sang một nhà máy sản xuất lương thực toàn cầu. Việt Nam là một quốc gia có nền công nghiệp thực phẩm giàu tiềm năng, đang là điểm đến của các công ty thực phẩm toàn cầu, với ngành chế biến thực phẩm và nước giải khát dự báo sẽ phát triển mạnh mẽ thời gian tới.

Bộ Công Thương dự kiến từ nay đến cuối năm 2017 sẽ triển khai thực hiện Chương trình xây dựng thương hiệu ngành thực phẩm Việt Nam, đầu tiên là một chiến dịch tư vấn, truyền thông, quảng bá, tiếp thị xây dựng hình ảnh ngành hàng thực phẩm quốc gia. Về phía Hiệp hội DN ngành nghề, bà Tô Thị Tường Lan, Phó Tổng thư ký Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam cho rằng, khi có thương hiệu sản phẩm mới có chung ngôn ngữ toàn cầu với những nhà nhập khẩu.

Thời gian qua, rất nhiều sản phẩm nông lâm thủy sản Việt Nam xuất khẩu ra thế giới, nhưng vì không có thương hiệu, nên không tạo được sự khác biệt so với sản phẩm của các quốc gia cạnh tranh. Và việc xây dựng thương hiệu quốc gia cho ngành thực phẩm Việt sẽ nâng cao vị thế, định vị lại vị thế sản phẩm Việt Nam trên thị trường quốc tế.