Doanh nghiệp Trung Quốc khốn đốn vì kinh tế suy giảm

Theo Minh Ngọc/AFP/ndh.vn

Có thể thấy ở nền kinh tế Trung Quốc những dấu hiệu suy giảm đầu tiên: nhà đầu tư hạn chế giao dịch, các nhà máy dịch chuyển dần ra nước ngoài và công ty phải sa thải bớt nhân viên.

Ngày càng có nhiều người lao động Trung Quốc cần trợ giúp pháp lý do họ bị sa thải và công ty không trả lương. Nguồn: AFP.
Ngày càng có nhiều người lao động Trung Quốc cần trợ giúp pháp lý do họ bị sa thải và công ty không trả lương. Nguồn: AFP.

Nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới đang giảm nhiệt, tăng trưởng năm 2018 thấp nhất trong 3 thập kỷ và tình hình còn ảm đạm hơn trong những tháng gần đây.

Trong khi tăng trưởng GDP năm 2018 đạt 6,6%, tốc độ khiến các nước khác phải ghen tỵ, áp lực trả nợ đang đè nặng lên nền kinh tế quốc gia này.

Các doanh nghiệp tư nhân phải đối mặt với những rào cản mới khi chi phí tăng và huy động vốn trở nên khó khăn, trong khi cuộc chiến thương mại với Mỹ càng làm tình hình tồi tệ hơn.

Trò chơi kết thúc

Thỏa mãn đam mê của người dân với trò chơi điện tử là nhiệm vụ dễ dàng với Beijing Yixin Technology, một startup công nghệ với trò chơi di động Farm Take Home.

Người chơi có thể thu hoạch lúa mỳ, nuôi gà và trồng cây táo, một cách giải tỏa áp lực từ cuộc sống thành thị Trung Quốc. Nhưng trên thực tế, công ty này đang chật vật để tìm nhà đầu tư.

“Nguồn tài trợ của chúng tôi cạn kiệt vào tháng 12. Chúng tôi có sẵn một khoản đầu tư khác, nhưng thực tế chẳng bao giờ nhận được tiền”, chủ tịch Cui Yi nói.

“Tháng này tôi đã thương lượng với một nhà đầu tư khác nhưng rồi anh ta cùng rút lui. Tôi nghĩ công ty sắp không chống đỡ nổi nữa”.

Các công ty khác cũng không phải ngoại lệ.

Quỹ đầu tư mạo hiểm đã cạn kiệt vào cuối năm ngoái. Tổng số tiền đầu tư trong quý 4 giảm 13% so với năm trước đó, theo dữ liệu nghiên cứu thị trường từ Preqin.

Các nhà hoạch định chính sách cũng có một phần trách nhiệm, để đất nước rơi vào cảnh nợ nần và rủi ro tài chính khiến nguồn vốn của các công ty đầu tư cạn dần, các doanh nghiệp cho biết.

Một quy định mới của chính phủ cũng khiến việc ra mắt trò chơi mới bị chững lại cả tháng, với lý do lo ngại tình trạng nghiện game ở giới trẻ, khiến các công ty như Beijing Yixin càng rơi vào bế tắc.

Chiến tranh thương mại

Các công ty khác thì đang phải đối mặt với hậu quả từ chiến tranh thương mại với Mỹ.

Để tránh phải chịu thuế từ Mỹ, nhiều nhà xuất khẩu đã xây dựng nhà máy bên ngoài Trung Quốc. Số khác thì cho công nhân về nghỉ Tết sớm, hoặc cắt giảm thời gian làm việc ngoài giờ.

Xuất khẩu của Trung Quốc tụt dốc tháng trước. “Lợi nhuận của chúng tôi đã bị ảnh hưởng”, Harry Shih, quản lý của Runfine Bearings ở tỉnh Chiết Giang, đông Trung Quốc, nói về cuộc chiến thương mại.

Washington đã áp thuế 25% lên nhiều loại vòng bi từ tháng 7/2018. Shih nói ông đã chia sẻ khoản phí tăng lên với những khách hàng, gần một nửa số họ đến từ Mỹ.

“Việc kinh doanh của hầu hết công ty và nhà máy đang đi xuống. Tất cả có chung một vấn đề, lợi nhuận giảm do chi phí cao lên”, Shih nói.

Thiệt hại với người bán hàng

Tăng trưởng thu nhập sau thuế giảm và thắt chặt tín dụng đã gây ảnh hưởng đến tiêu dùng, với doanh số xe hơi giảm lần đầu tiên vào năm ngoái sau hơn 20 năm.

“Sức mua đã giảm một nửa”, Wang Jingjing, nhân viên bán hàng 23 tuổi tại một đại lý xe Ford ở Bắc Kinh nói, nhấn mạnh rằng đã có khoảng 1/3 số nhân viên bán hàng bị sa thải hoặc bỏ việc.

Ngay cả tiền lương của Wang cũng giảm một nửa, anh nói, từ 10.000 nhân dân tệ (1.474 USD) mỗi tháng xuống còn gần 5.000 nhân dân tệ (737 USD).

“Tôi cũng phải kiểm soát chi tiêu của mình, hạn chế đi ăn ngoài, mua sắm, cắt giảm một vài nhu cầu”, anh nói, tin rằng mọi sự sẽ khởi sắc trong năm nay khi mẫu xe mới sắp được chào bán.

Cắt giảm việc làm

Các số liệu chính thức cho thấy tỷ lệ thất nghiệp đang ở mức ổn dịnh, tăng nhẹ lên 4,9% tháng trước. Tuy nhiên số liệu thực tế lại không như vậy.

Trong tháng 10 đến tháng 12, quảng cáo cho các công việc liên quan đến công nghệ giảm 20% so với năm trước, sau khi giảm 51% trong quý III, theo số liệu từ Zhaopin, trang tin tuyển dụng lớn nhất Trung Quốc và Đại học Nhân dân Bắc Kinh.

Nền kinh tế Trung Quốc đang “đối mặt với áp lực suy thoái và sẽ tác động tới thị trường việc làm theo mức độ nào đó”, bà Meng Wei, phát ngôn viên của Ủy ban Cải cách và Phát triển Quốc gia và là nhà hoạch định chính sách Trung Quốc cho biết.

Luật sư tư vấn về tranh chấp lao động, Guo Xuehai của Công ty luật Zhonghai Bắc Kinh, nói, "chắc chắn đã có nhiều nhân viên đến xin giúp đỡ hơn trước", nhưng nói thêm điều này thường xảy ra vào thời điểm này trong năm.

Tại Beijing Yixin, Cui cho biết anh chỉ có thể trả cho khoảng 30 nhân viên 70% tiền lương khi hết tiền vào tháng 11. Đến tháng 12 họ không được nhận lương và trong tháng này, anh đã cắt giảm bảo hiểm và trợ cấp lương hưu của họ, một hình thức sa thải gián tiếp.

"Chúng tôi làm việc từ 9h đến 21h kể cả thứ bảy mà không được trả tiền làm thêm giờ và hiện không có cả tiền lương", một nhà thiết kế 3D tên Li, người đã giúp xây dựng Farm Take Home cho biết.

Những nhân viên đang tìm việc làm mới thì được biết các công ty đang không tuyển người trong thời gian này.

“Hi vọng mọi việc sẽ tốt đẹp hơn sau Tết Nguyên đán”, Li nói.