Doanh nghiệp vẫn còn đi qua nhiều “cửa ngách“

Theo Thanh Hoa/thoibaokinhdoanh.vn

Mặc dù tăng trưởng GDP 9 tháng đầu năm đạt 6,98%, mức cao nhất từ năm 2011 đến nay, nhưng tỷ lệ doanh nghiệp (DN) ngưng hoạt động nhiều bất thường so với cùng kỳ năm ngoái.

Quý III có tổng số hơn 24 nghìn DN tạm dừng hoạt động, tăng 67% so với cùng kỳ năm ngoái. Nguồn: Internet
Quý III có tổng số hơn 24 nghìn DN tạm dừng hoạt động, tăng 67% so với cùng kỳ năm ngoái. Nguồn: Internet

Tại buổi toạ đàm báo cáo kinh tế vĩ mô quý III/2018 do Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VERP) tổ chức sáng nay (10/10), dẫn số liệu của Tổng cục Thống kê, TS. Nguyễn Đức Thành, Viện trưởng VERP cho biết, sự lạc quan của các DN ngành công nghiệp chế biến chế tạo trong quý III không thay đổi nhiều so với quý trước.

Trong số các DN tham gia khảo sát có 43,1% đánh giá tình hình sản xuất kinh doanh quý III tốt hơn so với quý trước (quý II là 45%). Tỷ lệ này gần như tương đương so với cùng kỳ năm ngoái (41,5%).

Tuy nhiên, ở chiều ngược lại, có 17,8% DN cho rằng tình hình kinh doanh trong quý III khó khăn hơn quý II.

Đặc biệt, về tình hình hoạt động, tính tới hết tháng 9 có 96.611 DN thành lập mới, tăng 2,8% so với cùng kỳ. Tổng số vốn đăng ký là 963,4 nghìn tỷ đồng, tăng 6,7%; vốn đăng ký bình quân một DN thành lập mới đạt 10 tỷ đồng, tăng 3,8%.

Trong khi đó, lượng DN tạm ngừng hoạt động nhiều bất thường so với cùng kỳ năm ngoái. Trong quý III có tổng số 24.501 DN tạm ngừng hoạt động, tăng tới 76% so với cùng kỳ năm ngoái. Tính chung 9 tháng đầu năm, tổng số DN tạm ngừng hoạt động là 73.103 DN, tăng 48,1% so với cùng kỳ.

Viện trưởng VERP cho rằng, trong khi số DN thành lập mới không tăng lên nhiều, việc DN tạm ngừng hoạt động tăng cao bất thường thời gian gần đây khiến cho mục tiêu đạt 1 triệu DN vào năm 2020 càng trở nên không dễ dàng.

Nêu nguyên nhân về sự gia tăng đột biến số lượng DN ngưng hoạt động, chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan cho rằng, nguyên nhân do việc cải thiện môi trường kinh doanh chưa mang lại hiệu quả. Chính phủ tốn quá nhiều công sức để cải thiện môi trường kinh doanh nhưng kết quả đạt được chưa tương xứng.

Theo vị chuyên gia này, mặc dù cơ chế một cửa đã được áp dụng từ lâu, nhưng trên thực tế để DN đến được "cửa chính" vẫn phải đi qua nhiều "cửa ngách".

Ngoài ra, việc dỡ bỏ rào cản kinh doanh nhìn về con số sẽ thấy đạt được những hiệu quả tích cực. Tuy nhiên, vẫn còn tình trạng một rào cản cũ được dỡ bỏ thì ngày hôm sau sẽ có cái mới còn gây khó khăn hơn cho DN.

Bên cạnh đó, hiện nay, DN đang phải “đối mặt” với hai yếu tố là cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư và hội nhập. “Về nguyên tắc hai yếu tố này sẽ là cơ hội cho các nước đang phát triển vươn lên, nhưng Việt Nam có nắm bắt được không vẫn là đang là câu hỏi lớn, bởi các DN Việt đang chuyển biến chậm chạp, gặp nhiều khó khăn từ cơ chế, chính sách, công nghệ...

Trong khi đó, các đối thủ cạnh tranh ở các nước khác đi nhanh hơn nhiều, nên DN nội khó đuổi kịp. Đây cũng chính là những lo lắng của DN Việt hiện nay”, bà Lan nói.