Doanh nghiệp xã hội cần cơ chế, chính sách khuyến khích

Theo daibieunhandan.vn

(Tài chính) Doanh nghiệp xã hội là mô hình kinh doanh được thành lập nhằm thực hiện các mục tiêu xã hội, và sử dụng lợi nhuận để tái đầu tư cho mục tiêu đó hoặc đầu tư lại cho cộng đồng, thay vì tối đa hóa lợi nhuận cho cổ đông hoặc chủ sở hữu. Mô hình này không còn mới, song hiện chưa có những tiêu chí đánh giá hoặc chính sách cụ thể nhằm khuyến khích phát triển.

Mô hình doanh nghiệp xã hội cần được Nhà nước khuyến khích và trợ giúp. Nguồn: internet
Mô hình doanh nghiệp xã hội cần được Nhà nước khuyến khích và trợ giúp. Nguồn: internet

Doanh nghiệp xã hội được hình thành từ các sáng kiến xã hội, trên nền tảng nhu cầu giải quyết một vấn đề xã hội cụ thể của cộng đồng, được dẫn dắt bởi tinh thần doanh nhân của những người sáng lập. Doanh nghiệp xã hội thường có 3 đặc điểm chính là: đặt mục tiêu, sứ mệnh xã hội lên hàng đầu; sử dụng các hoạt động kinh doanh, cạnh tranh bình đẳng như một phương tiện để đạt mục tiêu xã hội đó; tái phân bổ phần lớn lợi nhuận từ hoạt động kinh doanh trở lại cho tổ chức, cộng đồng, và mục tiêu xã hội.

Do tính tự phát, năng động đặc thù của loại hình doanh nghiệp này nên hoạt động của mỗi đơn vị luôn mang tính nhân văn cao. Ví dụ, loại hình doanh nghiệp giải quyết việc làm cho nhiều người lao động, giải quyết việc làm cho người khuyết tật, hay cho những đối tượng chịu nhiều thiệt thòi trong xã hội, hay cho những vùng sâu vùng xa, vùng dân tộc thiểu số...

Hiện nay nhiều nước trên thế giới đang tích cực theo đuổi việc xây dựng mô hình này nhằm hướng nguồn lực xã hội vào giải quyết chính những vấn đề xã hội mà Nhà nước hoặc chưa thể hoặc còn hạn chế trong việc xử lý triệt để. Điển hình nhất là mô hình Grameen Bank của Bangladesh đã được trao giải thưởng Nobel Hòa bình và Nobel Kinh tế năm 2006 vì thành tích xóa đói nghèo và giúp đỡ những cộng đồng chịu nhiều thiệt thòi.

Mô hình này đã giúp Chính phủ Bangladesh rất nhiều trong việc giải quyết những vấn đề xã hội nhức nhối như: nghèo đói, thất nghiệp, tệ nạn xã hội, tội phạm, và những tác động xã hội tiêu cực khác. Nhiều quốc gia trên thế giới đã công nhận mô hình doanh nghiệp xã hội và tạo lập khung khổ pháp lý, cũng như các chính sách khuyến khích, hỗ trợ doanh nghiệp.

Trong giai đoạn trước đổi mới, nước ta cũng đã có một số mô hình có thể được coi là các doanh nghiệp xã hội, đó là các hợp tác xã tạo việc làm cho người khuyết tật. Sau năm 1986, đường lối Đổi mới và chính sách mở cửa của Nhà nước đã thực sự tạo điều kiện phát triển mạnh mẽ các doanh nghiệp thuộc nhiều thành phần kinh tế, các tổ chức từ thiện, phát triển cộng đồng trong và ngoài nước.

Từ giữa những năm 1990, một số doanh nghiệp xã hội thực thụ đã bắt đầu xuất hiện như Trường dạy nghề Hoa Sữa, Trường dạy nghề KOTO tại Hà Nội, Mai Handicrafts tại TP. Hồ Chí Minh… Hiện nay, ở nước ta có gần 200 tổ chức được coi là có đầy đủ các đặc điểm của doanh nghiệp xã hội, trên tổng số khoảng 26.000 doanh nghiệp có nhiều yếu tố cấu thành mô hình doanh nghiệp xã hội.

Mô hình doanh nghiệp xã hội cũng có nhiều điều kiện phát triển khi Nhà nước đã xác định chia sẻ một phần chức năng cung cấp phúc lợi xã hội cho khu vực bên ngoài. Nhưng hiện vẫn có vướng mắc do trong nhận thức xã hội chỉ tồn tại hai loại hình gồm: doanh nghiệp hoạt động vì lợi nhuận và các tổ chức không vì lợi nhuận. Vì thế, doanh nghiệp xã hội ở nước ta chỉ mới phát triển ở mức độ đơn lẻ, quy mô hạn chế. Trong khi đó, cùng với sự phát triển kinh tế, ngày càng xuất hiện nhiều vấn đề xã hội cần giải quyết, không thể chỉ trông đợi vào Nhà nước.

Có thể thấy những giá trị nhân văn trong hoạt động của các doanh nghiệp xã hội. Vì vậy, mô hình doanh nghiệp xã hội cần được Nhà nước khuyến khích và trợ giúp bằng những chính sách cụ thể, nhằm tạo ra phương châm hoạt động tích cực cho doanh nhân nước ta: không chỉ sản xuất, kinh doanh vì mục tiêu lợi nhuận, mà còn để giúp đỡ cộng đồng, tham gia giải quyết các vấn đề xã hội. Về lâu dài, đây là lực lượng tạo ra những tác động xã hội tích cực.