Doanh nghiệp xuất khẩu cần được hỗ trợ vượt qua khó khăn do dịch bệnh
Trong thời gian thực hiện giãn cách xã hội để phòng, chống dịch COVID-19, lúa hè thu 2021 tại Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) đang vào mùa thu hoạch rộ với sản lượng lớn nhưng khó tiêu thụ. Nhiều địa phương trong vùng tạo điều kiện thuận lợi cho thương lái, doanh nghiệp thu mua lúa, chế biến xuất khẩu. Tuy nhiên, doanh nghiệp sản xuất, thu mua, chế biến gạo xuất khẩu vẫn còn nhiều khó khăn cần sự hỗ trợ, tháo gỡ của ngành chức năng.
Xuất khẩu gặp khó
Theo Sở Công Thương TP Cần Thơ, từ giữa tháng 7/2021 đến nay, trước tình hình diễn biến phức tạp của dịch COVID-19, TP Cần Thơ thực hiện giải pháp giãn cách xã hội theo Chỉ thị số 16 để phòng, chống dịch. Nhiều doanh nghiệp trên địa bàn chưa có bước chuẩn bị kịp thời, chưa dự báo tính phức tạp khi giãn cách. Do đó, việc đặt hàng, thu gom, vận chuyển hàng hóa gặp nhiều khó khăn, làm ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất, xuất nhập khẩu của toàn thành phố.
Tình hình xuất khẩu gạo thời gian qua trên thị trường toàn cầu chưa có dấu hiệu khởi sắc, bởi dịch có dấu hiệu tái bùng phát ở nhiều nước. Hiện nay, châu Phi (Ghana, Cameroon) và Philippines là thị trường nhập khẩu gạo mạnh; một số thị trường khác, như: Singapore, UAE, Malaysia và một nước châu Âu… bị ảnh hưởng dịch COVID-19 nên đã giãn tiến độ ký kết và giao nhận gạo thời gian tới.
Bên cạnh đó, thời gian khử trùng container (vận chuyển gạo) tại các cảng ảnh hưởng đến tiến độ thực hiện hợp đồng xuất khẩu; thị trường xuất khẩu gạo truyền thống là Philippines cũng đã tăng cường kiểm soát nhập khẩu thông qua việc đánh giá lại “Hệ thống quản lý an toàn thực phẩm đối với gạo xay xát nhập khẩu vào Philippines” làm ảnh hưởng đến sản lượng xuất khẩu gạo của doanh nghiệp…
Tại TP. Cần Thơ tính đến ngày 5/8/2021, lượng gạo tồn kho khá lớn tại các doanh nghiệp, ước 59.295 tấn lúa và 220.566 tấn gạo. Tình trạng này đã làm tăng thêm áp lực đối với doanh nghiệp về chi phí lưu kho, lãi suất ngân hàng. Do đó, hầu hết các doanh nghiệp gặp hạn chế về vốn trong khâu thu mua vụ lúa hè thu 2021 và vụ thu đông sắp tới.
Tại cuộc họp trực tuyến giải quyết về tình hình tiêu thụ lúa gạo ĐBSCL do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) tổ chức vào ngày 7/8/2021, ông Phạm Thái Bình, Tổng Giám đốc Công ty CP Nông nghiệp Công nghệ cao Trung An (TP Cần Thơ) cho biết, khó khăn của ngành lương thực là lượng lúa, gạo còn tồn kho nhiều. Hầu hết, các doanh nghiệp trong ngành đều giao hàng không được do gặp những trở ngại về điều kiện nhập khẩu của một số nước do dịch COVID-19…
Ngày 15/8, Công ty sẽ xếp 11.000 tấn gạo lên tàu để xuất khẩu, tuy nhiên tình hình dịch COVID-19 còn diễn biến phức tạp, thành phố còn giãn cách xã hội đến ngày 16/8 nên việc bốc xếp, vận chuyển sẽ còn trở ngại. Tháng 9/2021, Công ty cũng tiếp tục xuất khẩu 11.000 tấn gạo. Mong rằng lúc đó tình hình dịch bệnh COVID-19 được kiểm soát, TP. Cần Thơ và cả vùng ĐBSCL trở lại trạng thái bình thường mới để hoạt động thu mua, vận chuyển, xuất khẩu gạo, nông sản được thuận lợi hơn.
Theo Sở Công Thương TP. Cần Thơ, 7 tháng năm 2021, toàn thành phố có sản lượng gạo xuất khẩu ước đạt 404.860 tấn, giảm 10,67% so cùng kỳ năm 2020; kim ngạch xuất khẩu ước đạt 191,37 triệu USD, giảm 4,08% so với cùng kỳ, trong đó các thị trường xuất khẩu gạo chủ yếu, là: Philippines, Malaysia, Ghana, Cameroon, Bờ Biển Ngà, Nam Phi, Úc, Singapore, Trung Quốc, Dubai, UAE, Hong Kong, Qatar…
Giải pháp tháo gỡ
Hiện nay, tỉnh An Giang còn khoảng 600.000 tấn lúa hàng hóa chờ thu hoạch. Các tỉnh Đồng Tháp, Kiên Giang… vẫn còn số lượng lúa hè thu thu hoạch tương đương. Tuy nhiên, khi nông dân hoặc đơn vị thu hoạch ra đồng thu hoạch lúa phải test nhanh SARS-CoV-2, đồng thời việc tổ chức quản lý chặt chẽ hơn, ví dụ như địa phương nào thu hoạch ở địa phương đó, phương tiện vận chuyển của thương lái từ địa bàn này sang địa bàn khác trong tỉnh hoặc tỉnh này sang tỉnh khác cũng gặp khó khăn…
Ông Trần Anh Thư - Phó Chủ tịch UBND tỉnh An Giang, đề xuất: Các địa phương trong vùng phải thống nhất, khi phương tiện của thương lái đi thu mua lúa gạo tại các tỉnh ĐBSCL thì chỉ cần phương tiện có gắn mã nhận diện và người điều khiển phương tiện có kết quả test nhanh âm tính SARS-CoV-2 là được cho đi qua. Việc này vừa góp phần phòng dịch cũng vừa tạo điều kiện thuận lợi cho việc tiêu thụ lúa gạo. Đó là giải pháp tiêu thụ lúa hè thu trong thời điểm thu hoạch rộ như hiện nay.
Trong tình hình dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, nhiều doanh nghiệp tại TP Cần Thơ kiến nghị: Bảo hiểm xã hội Việt Nam cần có chính sách hợp lý để hỗ trợ doanh nghiệp cũng như người lao động trong giai đoạn khó khăn này. Doanh nghiệp mong muốn Nhà nước và các cơ quan chức năng có những hỗ trợ như chính sách miễn, giảm thuế phù hợp để doanh nghiệp dùng nguồn tài chính đó tái đầu tư phát triển kinh doanh; tổ chức nhiều cuộc hội nghị, chương trình kết nối giao thương trực tuyến nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp tìm kiếm đối tác tiêu thụ nông sản, thực phẩm; giới thiệu các đầu mối nhập khẩu phù hợp và giải phóng hàng nông sản, lúa gạo tồn kho. Đặc biệt, nhiều doanh nghiệp kiến nghị thành phố, cơ quan chức năng xem xét và chỉ đạo Cảng Hoàng Diệu và Cảng của Công ty Lương thực Sông Hậu hoạt động trở lại, để việc lưu thông hàng hóa không bị chậm trễ; xem xét giảm thuế thu nhập doanh nghiệp năm 2021…
Đối với các khoản vốn vay, doanh nghiệp sản xuất, chế biến gạo xuất khẩu đề nghị các ngân hàng kéo dài thời gian trả lãi, cân đối nguồn vốn đáp ứng kịp thời nhu cầu vay vốn, tạo điều kiện giải ngân thuận lợi, tăng thêm 10% hạn mức được duyệt và cân nhắc giảm lãi suất cho doanh nghiệp; giãn thời gian trả nợ gốc đến thêm 2 tháng; xem xét hỗ trợ gói vay tạm trữ thế chấp bằng hàng hóa tồn kho hình thành từ nguồn vốn vay tạm trữ với lãi suất thị trường…
Ông Hà Vũ Sơn, Giám đốc Sở Công Thương TP. Cần Thơ, nhấn mạnh: Sở Công Thương thành phố ghi nhận những kiến nghị trên, đồng thời đề xuất thành phố, cơ quan chuyên môn xem xét, giải quyết kiến nghị. Thời gian tới, Sở Công Thương sẽ phối hợp với Sở NN&PTNT TP. Cần Thơ tổ chức hậu kiểm kho chứa, cơ sở xay xát lúa, gạo của thương nhân xuất khẩu gạo theo quy định; cập nhật các thông tin thị trường từ các thương vụ, tham tán thương mại và các cơ quan của Bộ Công Thương để phổ biến kịp thời đến cộng đồng doanh nghiệp về nhu cầu thị trường của các nước nhập khẩu, các chính sách xuất nhập khẩu, các rào cản thương mại, các thông tin cảnh báo sớm, thuế quan, nhằm tạo thuận lợi cho doanh nghiệp xuất gạo thời gian tới…