Doanh nghiệp xuất nhập khẩu cần hiểu rõ CISG
Khoảng 64,52% đối tác xuất nhập khẩu của Việt Nam đã là thành viên của Công ước của Liên Hiệp Quốc về Hợp đồng mua bán hàng hóa quốc tế (CISG).
Theo Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam (VIAC), quá nửa trong 1.052 vụ kiện mà cơ quan này đã tiếp nhận và xử lý liên quan đến các hợp đồng mua bán, trong đó chủ yếu là giao dịch ngoại thương. Chậm giao hàng, bán hàng kém chất lượng, bị mất hàng trong vận chuyển, không thanh toán hợp đồng... luôn là nỗi lo vô hình khiến doanh nghiệp xuất nhập khẩu “ăn ngủ không yên”.
Vì thế, ngày 1/1/2017 được xem là cột mốc của cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam khi Công ước của Liên Hiệp Quốc về Hợp đồng mua bán hàng hóa quốc tế (còn gọi là Công ước Viên hay CISG) sẽ chính thức có hiệu lực tại Việt Nam. Với CISG, các hợp đồng xuất nhập khẩu của doanh nghiệp Việt Nam có cơ sở được giải quyết và bảo vệ theo thông lệ quốc tế.
Việt Nam là thành viên thứ 2 tại ASEAN sau Singapore gia nhập CISG, một trong những công ước quan trọng về thương mại đa phương được áp dụng rộng rãi với 85 thành viên trên toàn thế giới và đang điều chỉnh khoảng 3/4 giao dịch thương mại hàng hóa quốc tế. Các quốc gia thành viên CISG hiện chiếm từ 70-75% kim ngạch xuất nhập khẩu của Việt Nam, trong đó có những thị trường quan trọng như Trung Quốc, Nhật, Mỹ, EU và Hàn Quốc...
Ngay khi có hiệu lực, tất cả các hợp đồng mua bán hàng hóa quốc tế giữa doanh nghiệp Việt Nam và các quốc gia thành viên CISG sẽ được tự động áp dụng luật CISG, trừ khi hợp đồng thể hiện rõ CISG không là luật điều chỉnh. Còn trong hợp đồng giữa một quốc gia thành viên CISG và một nước chưa phải là thành viên, nếu luật điều chỉnh hợp đồng được lựa chọn là luật của quốc gia thành viên công ước, thì CISG cũng được áp dụng trong trường hợp này.
Lấy ví dụ, hợp đồng mua bán hàng hóa giữa một công ty đặt trụ sở tại Nhật (là thành viên Công ước) và một công ty Indonesia (chưa là thành viên Công ước). Khi xảy ra tranh chấp, nếu xung đột dẫn chiếu luật Nhật, CISG sẽ trở thành luật điều chỉnh hợp đồng vì Nhật đã là thành viên của CISG.
Theo phản ánh từ một số đại diện của Hiệp hội Điều Việt Nam, từ đầu năm đến nay, nhiều doanh nghiệp Việt Nam đã trở thành nạn nhân khi một số nhà cung cấp châu Phi không nghiêm chỉnh thực hiện hợp đồng mà thường giao hàng trễ hẹn, giao hàng chất lượng kém. Một số trường hợp còn hủy hợp đồng nhưng không trả tiền cọc cho người mua, hàng bị mất trong container nhưng về Việt Nam mới phát hiện...
Hàng loạt rủi ro trong hợp đồng mua bán đồ gỗ mà nhiều doanh nghiệp Việt gặp phải trong thời gian qua cũng gióng lên hồi chuông cảnh báo về sự cả tin và thiếu chuẩn bị trong ký kết hợp đồng xuất nhập khẩu của doanh nghiệp Việt Nam. Theo ghi nhận của các luật sư, trong giao dịch quốc tế, những sai phạm thường gặp của người bán là chậm/không giao hàng, chất lượng không phù hợp với hợp đồng, không giao chứng từ kèm hóa đơn theo hợp đồng. Còn với người mua, 70% sai phạm là chậm/không thanh toán, chậm/không nhận hàng...
Giáo sư Hiroo Sono, Đại học Hokkaido (Nhật), cho biết việc tham gia CISG đem lại nhiều lợi ích về chi phí và thời gian cho doanh nghiệp vừa và nhỏ, thường không có điều kiện thuê luật sư riêng và hay lệ thuộc đối tác chọn luật thương mại có lợi cho họ để phán xét khi có tranh chấp. Theo một thống kê được Phòng Thương mại Công nghiệp Việt Nam (VCCI) thực hiện, có đến 80% doanh nghiệp Việt không lựa chọn luật áp dụng trong hợp đồng hoặc phó thác cho đối tác quyền chọn luật áp dụng.
Còn theo một nghiên cứu khác của Đại học Ngoại thương, luật Singapore lại chiếm đến 35% nền tảng luật được lựa chọn áp dụng trong hợp đồng mua bán hàng hóa của doanh nghiệp Việt Nam, rồi sau đó mới đến luật Việt Nam, Anh, Thụy Sĩ... Trong trường hợp này, ngay trước mắt, doanh nghiệp cần chi 500 USD cho luật sư tìm hiểu luật nước ngoài để giải quyết tranh chấp, chưa kể đến chi phí đi lại, chi phí thực thi phán quyết.
CISG đem đến tiếng nói chung tạo cân bằng pháp lý cho các doanh nghiệp ở nhiều nước khác nhau trên thế giới. Tuy nhiên, công ước này đồng thời cũng mang lại không ít thách thức nếu doanh nghiệp không tìm hiểu và áp dụng chuẩn mực. Điều này trở thành nỗi lo thực sự khi chỉ còn chưa đến 2 tháng nữa, CISG bắt đầu có hiệu lực, nhưng khảo sát cho thấy đa phần doanh nghiệp Việt Nam chỉ mới nghe hoặc biết đến CISG, chứ chưa tìm hiểu luật cụ thể.
Theo nhận định của một số luật sư, luật Việt Nam thông thoáng hơn còn luật CISG chặt chẽ hơn. Đơn cử như cách hiểu về bồi thường thiệt hại. Lấy ví dụ một vụ tranh chấp hợp đồng phân ure từng xảy ra giữa người bán là doanh nghiệp Việt Nam và người mua là doanh nghiệp Singapore. Theo hợp đồng, người mua phải thuê tàu chở hàng. Nhưng sau khi người bán đã chuẩn bị xong hàng thì người mua lại không chỉ định tàu.
Doanh nghiệp người bán ở Việt Nam khởi kiện đòi bồi thường hơn 2 triệu USD cho những thiệt hại về chi phí lưu kho bãi, vận chuyển, tổn thất hàng, tìm người mua mới... Tuy vậy khi tòa xử lý thiệt hại, vì CISG quy định chỉ “giới hạn bồi thường thiệt hại ở những mức vi phạm tiên liệu được” nên mức bồi thường mà doanh nghiệp Việt nhận được ít hơn so với dự kiến.
Bên cạnh đó, CISG có khác biệt về quy định hình thức hợp đồng (hợp đồng có thể thành lập bằng lời nói, hành vi, chứng minh bằng nhân chứng chứ không đơn thuần chỉ thành lập bằng văn bản), quy định về thời gian khiếu nại hàng hóa trong vòng 2 năm thay vì 6 tháng, quy định trường hợp lỗi của bên thứ 3 trong bồi thường thiệt hại...
Tuy vậy, theo các luật sư, khi áp dụng CISG, doanh nghiệp vẫn cần dự liệu những điều luật bổ sung và nghiên cứu tham khảo luật Việt Nam vì đồng thời cũng từ ngày 1/1/2017, Bộ Luật Dân sự mới của Việt Nam cũng bắt đầu có hiệu lực, được kỳ vọng sẽ đem đến cơ sở pháp lý khá đầy đủ cho doanh nghiệp khi thành lập hợp đồng.
Vì thế, có nhiều lo ngại về việc gia nhập CISG sớm tiềm ẩn rủi ro khi sự hiểu biết về pháp luật của doanh nghiệp Việt Nam còn hạn chế và cần có sự chuẩn bị.
Cuộc chơi nào cũng trở thành thách thức cho những người không có sự chuẩn bị. Cũng như vậy, nếu chỉ ngồi chờ thì CISG không bao giờ là cây đũa thần để giúp doanh nghiệp Việt Nam hội nhập nhanh hơn với luật pháp quốc tế.