Doanh nhân Việt Nam - Bản lĩnh và khát vọng

Theo Thái Dương/tapchithue.com.vn

Lịch sử dù thăng trầm, biến đổi không ngừng, nhưng thời nào, giai đoạn nào dân tộc Việt cũng sản sinh ra những doanh nhân vươn lên làm nên sự nghiệp lớn. Họ không chỉ làm giàu cho mình, đóng góp xứng đáng cho công cuộc phát triển quốc dân, mà còn tạo dựng hình ảnh người Việt đầy năng động và khát vọng trên thương trường.

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet
Chuyện xưa
Ngay sau khi thành lập nước, giành được chính quyền, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chủ động gặp gỡ, lắng nghe ý kiến của giới chủ doanh nghiệp (DN) -những doanh nhân tiên phong để bàn chuyện kiến quốc. Người chia sẻ, đồng cảm và kêu gọi sự đóng góp cũng như khẳng định sự công nhận về vai trò, sự đóng góp của giới công thương.
Đó là tầm nhìn xa, trông rộng; hướng tới mục tiêu chấn hưng dân tộc, từng bước cải thiện và nâng cao vị trí nước Việt trên trường quốc tế, tạo nền tảng để xây dựng cuộc sống ngày càng tốt đẹp, văn minh và đồng hành cùng nhân loại tiến bộ.
 Cho đến bây giờ, nhiều người chưa thể quên vai trò, tầm quan trọng của một số nhà tư sản dân tộc nửa đầu thế kỷ 20, khi đất nước còn trong cảnh lạc hậu về kinh tế. Đó là ông Trịnh Văn Bô, khởi nghiệp từ cửa hiệu buôn bán tại phố Hàng Ngang (Hà Nội).
Với tinh thần cầu thị và nghị lực vươn lên, ông đã xây dựng cơ đồ và tạo dựng uy tín hàng đầu trong hoạt động công thương ở Hà Nội cũng như miền Bắc nói chung. Đặc biệt, doanh nhân Trinh Văn Bô sớm giác ngộ, đồng hành cùng cách mạng và ngay những lúc khó khăn nhất vẫn ủng hộ cách mạng bằng những gì mình có.
Chính ông và người vợ mình đã hiến tặng phần lớn sản nghiệp của gia đình cho chính quyền, trở thành biểu tượng và hình ảnh tiên phong về tấm lòng yêu nước, vì sự tiến bộ trong giới doanh nhân. Đến nay, lịch sử vẫn ghi nhận sự kiện Hồ Chủ Tịch kêu gọi, phát động "Tuần lễ vàng", trong đó gia đình ông Trịnh Văn Bô đóng góp 5.147 lượng vàng, bên cạnh sự quyên góp của các cá nhân khác, với kết quả là 20 triệu đồng Đông Dương và 370 kg vàng.
Một tấm gương khác là doanh nhân Bạch Thái Bưởi. Đến nay, xã hội vẫn coi ông là hình ảnh minh chứng cho khát vọng, niềm kiêu hãnh và thành công của giới công thương nước nhà. Hoạt động đóng tàu, áp dụng cung cách quản lý DN theo hướng hiện đại  manh nha hình thành, có phần đóng góp của ông.
Còn nhiều doanh nhân, nhà công thương khác đã góp công, góp của vào sự nghiệp chấn hưng dân tộc trong hoàn cảnh đất nước còn  nghèo. Họ sẵn lòng hiến tặng cơ sở sản xuất, với thương hiệu hàng chục năm của gia đình cho chính quyền, thông qua phong trào công-tư hợp doanh để tạo dựng cách làm ăn mới trên tinh thần đồng cảm và trách nhiệm với xã hội.
Từ đó, một số xưởng dệt may mặc, chế biến thực phẩm, đồ gỗ, cơ khí đã ra đời tại Hà Nội, Hải Phòng, Nam Định... nhưng được mang tên mới-vốn là tài sản của các doanh nhân yêu nước.
Chuyện nay
Hiện tại, cả nước có hơn 600 nghìn DN đang hoạt động, trải rộng trên nhiều lĩnh vực, nhất là ngành sản xuất hàng tiêu dùng, chế biến thực phầm, vật liệu xây dựng, khai thác tài nguyên và dầu khí, cơ khí, luyện thép, điện tử.
Quy mô nền kinh tế đã tăng gấp nhiều lần so với thời trước cách mạng, trong đó có sự đóng góp nổi bật và ngày càng quan trọng của khu vực kinh tế tư nhân. Hàng triệu tỷ đồng vốn xã hội, trong dân đã được huy động phục vụ phát triển kinh tế xã hội (KT-XH) và mang lại những thành tựu to lớn, rất đáng tự hào.
Hiện, khu vực dân doanh chiếm tỷ trọng 40% GDP và sẽ ngày càng gia tăng và theo đó sẽ là thêm nhiều việc làm, nguồn thu cho ngân sách cũng như tham gia xuất khẩu. Chính phủ đặt mục tiêu nâng mức đóng góp của DN dân doanh lên 50% GDP vào năm 2020. 
Qua thời gian, đội ngũ DN dân doanh đang có bước phát triển đáng ghi nhận, hình thành một số tên tuổi đủ tầm vóc, thương hiệu trên thị trường khu vực như Sun Group, Vin Group, FLC, Hòa Phát...
Họ là những cánh chim đầu đàn trong cuộc cạnh tranh với đối thủ từ bên ngoài, là chỗ dựa cho những DN vừa và nhỏ trong nước. Có thể nói, DN dân doanh góp phần quan trọng trong tạo việc làm và nguồn thu ngân sách thường xuyên trên phạm vi cả nước.
Đặc biệt, Trung ương Đảng đã ban hành Nghị quyết số 10-NQ/TW về phát triển kinh tế tư nhân trở thành động lực quan trọng của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa.
Đây là bước chuyển có tính chất cơ bản, khẳng định vai trò to lớn của khu vực dân doanh với các thành phần kinh tế khác. Nghị quyết nêu rõ “khuyến khích, tạo điều kiện thuận lợi  để kinh tế tư nhân phát triển nhanh, bền vững, đa dạng với tốc độ tăng trưởng cao cả về số lượng, quy mô, chất lượng và tỷ trọng đóng góp trong GDP”.
Chính phủ đang tập trung mọi nguồn lực, điều kiện và quyết tâm đẩy nhanh tốc độ cải cách thể chế để thực hiện mục tiêu cả nước có 1 triệu DN hoạt động vào năm 2020; thông qua tạo điều kiện thuận lợi nhất cho DN gia nhập thị trường, hoạt động hiệu quả.
Niềm tin vào tương lai trong giới doanh nhân đang được củng cố, cải thiện liên tục  và sẽ chuyển thành những dự án, công trình cụ thể để đi vào cuộc sống. Tất cả vì mục tiêu ích nước, lợi nhà trên tinh thần nỗ lực, tự cường và đồng thuận xã hội.