Đổi mới chương trình hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp góp phần tăng năng suất
Để hỗ trợ các doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, góp phần tăng trưởng năng suất của Việt Nam, Ngân hàng Thế giới (WB) cho rằng, Việt Nam cần phải tạo một môi trường thuận lợi hơn.
Doanh nghiệp đổi mới sáng tạo có vai trò quan trọng trong việc nâng cao năng suất, giúp Việt Nam hiện thực hóa mục tiêu trở thành quốc gia có thu nhập cao vào năm 2045. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều rào cản để khu vực doanh nghiệp này phát triển.
Một chuyên đề đặc biệt trong báo cáo do WB nghiên cứu về đẩy mạnh khởi nghiệp đổi mới sáng tạo cho thấy, các rào cản chính mang tính cơ cấu tại Việt Nam vẫn tồn tại ở nhiều lĩnh vực.
Trong đó, phải kể đến như các rào cản pháp lý, thiếu hụt kỹ năng ngày càng tăng, tỷ lệ hấp thụ công nghệ thấp và những thách thức trong việc tiếp cận nguồn tài chính giai đoạn đầu có tác động mạnh mẽ đến sự tăng trưởng năng suất của Việt Nam và ảnh hưởng đến sự phát triển của các doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo.
Đáng chú ý, hỗ trợ của Nhà nước về khởi nghiệp còn manh mún, chất lượng và mức hỗ trợ còn thấp. Hỗ trợ bị “phân mảnh” tại nhiều bộ, ngành và đơn vị triển khai, việc triển khai và phối hợp còn chưa theo kịp với các quốc gia tiên phong trên toàn cầu...
Cũng theo phân tích của WB, năng suất lao động tại Việt Nam tăng trưởng cao hơn so với nhiều quốc gia khác kể từ năm 2010, chủ yếu nhờ cải thiện về môi trường kinh doanh, chất lượng vốn nhân lực và dòng vốn FDI lớn đổ vào trong nước.
Đáng chú ý, dù tăng trưởng tốt nhưng năng suất lao động bình quân hiện vẫn đứng sau khá xa với các quốc gia khác.
Để hỗ trợ các doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, góp phần tăng trưởng năng suất của Việt Nam, WB cho rằng, Việt Nam cần phải tạo một môi trường thuận lợi hơn.
Theo đó, có thể đổi mới chương trình hỗ trợ hệ sinh thái quan trọng theo hướng xây dựng các doanh nghiệp sẵn sàng nhận đầu tư. Hoạt động này bao gồm cải thiện các cơ chế hỗ trợ, tạo thuận lợi cho các nhà quản lý quỹ tư nhân để thành lập các quỹ đầu trong nước và nâng cao năng lực của các bên liên quan đến hệ sinh thái như vườn ươm (incubator) và hỗ trợ phát triển ý tưởng (accelerator).
Bên cạnh đó, đơn giản hóa các quy định, đẩy nhanh cải cách nhằm giải quyết các rào cản pháp lý đối với các quỹ đầu tư trong nước và đơn giản hóa các thủ tục tạo điều kiện thuận lợi cho đầu tư từ bên ngoài vào Việt Nam và ngược lại, đặc biệt là đầu tư vào các doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo.
Cần tăng cường sự đóng góp của giới học thuật và nghiên cứu công lập; Tạo điều kiện cho các trường đại học và các tổ chức nghiên cứu công để đóng góp cho các công ty khởi nghiệp, thông qua các vườn ươm, hỗ trợ phát triển ý tưởng, trung tâm đào tạo khởi nghiệp được đổi mới (thông qua các mô hình hợp tác công - tư).
Khu vực nghiên cứu công có thể đóng vai trò lớn hơn bằng cách hiện đại hóa khuôn khổ sở hữu trí tuệ và chuyển giao công nghệ, khen thưởng những nỗ lực nghiên cứu có tiềm năng thương mại hóa và xây dựng năng lực của các trường đại học và tổ chức nghiên cứu để chuyển giao công nghệ một cách hiệu quả cho các công ty khởi nghiệp…