Đổi mới công nghệ doanh nghiệp: Song hành lợi ích và rào cản
Đổi mới công nghệ là một trong những biện pháp hàng đầu giúp doanh nghiệp nâng cao năng suất, hiệu quả, khả năng cạnh tranh.
Nhờ đổi mới công nghệ, chất lượng sản phẩm được nâng lên đồng nghĩa với việc doanh nghiệp sẽ tạo được vị thế bền vững trên thị trường. Không ít doanh nghiệp đã gặt hái thành công thông qua việc đổi mới công nghệ, song, vẫn còn những rào cản mà doanh nghiệp không dễ vượt qua.
Thành công nhờ công nghệ
Trong chiến lược vươn đến mục tiêu 3 tỷ USD vào năm 2017, Công ty cổ phần Sữa Việt Nam (Vinamilk) tập trung ưu tiên hàng đầu là cải tiến công nghệ. Vinamilk liên tiếp đưa vào hoạt động hai nhà máy sữa với những trang thiết bị công nghệ hiện đại. Một ca sản xuất của nhà máy mới chỉ cần từ 80 - 100 nhân công, giảm khoảng 70% số lao động so với trước đó, giúp giảm chi phí nhân công, hạ giá thành sản phẩm.
Nhờ đầu tư cho công nghệ, mới đây, Vinamilk đã được Cục Phẩm và Thực phẩm Hoa Kỳ cấp số đăng ký để xuất khẩu hàng vào Mỹ - một thị trường đầy tiềm năng, nhưng đòi hỏi yêu cầu rất cao về chất lượng và an toàn thực phẩm.
Với Công ty cổ phần Bảo vệ thực vật An Giang, nhờ xây dựng quy trình chuẩn từ thực hiện cánh đồng mẫu lớn với các tiêu chuẩn nghiêm ngặt đã đạt sản lượng gạo lớn, ổn định, có chất lượng đồng đều và thâm nhập được thị trường khó tính như Nhật Bản.
Tương tự, với việc đổi mới toàn bộ dây chuyền sản xuất, Công ty TNHH Gốm sứ Quang Vinh (Quảng Ninh) đã tạo tạo ra nhiều sản phẩm gốm mỏng có chất lượng và thẩm mỹ cao được đối tác nước ngoài đánh giá cao.
Trên 60% sản phẩm gốm được áp dụng công nghệ tiên tiến và nhiều đối tác nước ngoài yêu thích bởi có độ mỏng hơn từ 50 - 70% so với sản phẩm gốm truyền thống. Công nghệ lò đốt bằng gas không gây ô nhiễm môi trường. Quá trình vận hành và hoạt động của hệ thống hoàn toàn tự động.
Công ty Xi măng Vicem Hoàng Thạch cũng là một điển hình trong việc tập trung đổi mới công nghệ khi nghiên cứu, áp dụng thành công kỹ thuật giảm tiêu hao năng lượng nhiên liệu, nhờ đó lò 3 của nhà máy chạy ổn định và vượt công suất thiết kế với 336 ngày, đạt kỷ lục thế giới; chi phí cho tiêu thụ sản phẩm chỉ có 70.000 đồng/tấn xi măng, trong khi đơn vị khác là 150.000 - 200.000 đồng/tấn.
Tích cực đổi mới công nghệ, tiếp thu khoa học kỹ thuật tiên tiến hiện đại là bí quyết dẫn Công ty Nhựa Thiếu niên tiền phong đoạt Giải vàng chất lượng quốc gia. Từ năm 2008 đến nay, công ty đã thực hiện chiến lược đầu tư chiều sâu, đổi mới công nghệ, tăng cường năng lực sản xuất.
Chậm đổi mới
Đầu tư cho công nghệ rõ ràng đã mang lại nhiều lợi ích, nhưng trên thực tế, đổi mới công nghệ không phải là điều dễ dàng với nhiều doanh nghiệp.
Nghị quyết số 20/NQ-TW của Ban chấp hành Trung ương Đảng khóa XI về phát triển khoa học và công nghệ phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế và Chiến lược phát triển khoa học và công nghệ Việt Nam giai đoạn 2011 - 2020 đã đặt mục tiêu tốc độ đổi mới công nghệ, thiết bị giai đoạn 2011 - 2015 đạt 10 - 15% và giai đoạn 2016 - 2020 đạt 20%.
Hiện nay, ở Việt Nam, trình độ công nghệ tiên tiến chủ yếu thuộc các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài. Khối doanh nghiệp trong nước có trình độ công nghệ lạc hậu khá cao (chiếm 8,1% số doanh nghiệp được khảo sát so với con số 1,85% ở khối doanh nghiệp nước ngoài). Thống kê của Bộ Khoa học và Công nghệ cho biết, doanh nghiệp Việt Nam hiện nay mới chỉ dành khoảng 0,4% doanh thu hàng năm cho công tác đổi mới công nghệ trong khi tại Hàn Quốc là 10%.
Theo thống kê của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, có đến hơn 80% máy móc sử dụng trong các doanh nghiệp vừa và nhỏ được sản xuất cách đây 30 năm. Việc sử dụng máy móc, công nghệ lạc hậu như hiện nay của các doanh nghiệp nhỏ và vừa sẽ gặp nhiều khó khăn trong việc nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, nhất là trong bối cảnh hội nhập như hiện nay.
Một trong những nguyên nhân khiến doanh nghiệp chậm đổi mới công nghệ là nguồn lực tài chính còn hạn chế. Hiện 96% doanh nghiệp Việt Nam là doanh nghiệp nhỏ và vừa, trong số đó, các doanh nghiệp sản xuất trực tiếp chỉ chiếm tỷ lệ thấp. Do quy mô nhỏ, tiềm lực tài chính hạn hẹp nên năng lực đổi mới công nghệ của các doanh nghiệp nhỏ và vừa cũng rất hạn chế.
Trong khi đó, các doanh nghiệp nhà nước do vẫn được bao cấp để phát triển sản xuất - kinh doanh nên ít quan tâm đến phát triển năng lực công nghệ lâu dài. Bên cạnh đó, các chính sách về hỗ trợ cải tiến, đổi mới công nghệ chưa thực sự hấp dẫn, chưa có đủ cơ sở pháp lý để thúc đẩy và thu hút doanh nghiệp đầu tư đổi mới công nghệ.
Nhiều doanh nghiệp cho rằng, chương trình hỗ trợ doanh nghiệp đổi mới công nghệ rất thiết thực, song, doanh nghiệp khó tiếp cận các nguồn vốn ưu đãi, lĩnh vực được hỗ trợ còn bó hẹp, điều kiện hỗ trợ khắt khe và một số chủ trương của Nhà nước cũng vướng mắc khi triển khai vào thực tế.
Ông Trần Xuân Hạnh, Phó Giám đốc công ty Navetco cho biết, việc đổi mới công nghệ phục vụ sản xuất hoàn toàn là chủ động bằng nội lực của doanh nghiệp chứ chưa nhận được sự hỗ trợ kinh phí của Nhà nước. Với cơ chế quản lý tài chính theo quy trình xét duyệt cứng nhắc và thủ tục rườm rà như hiện tại khiến doanh nghiệp rất ngại.
Về phía Nhà nước, các chính sách liên quan đến thúc đẩy hoạt động khoa học và công nghệ đến nay cơ bản mới tác động theo hướng khuyến khích mà chưa có những yêu cầu hoặc chế tài buộc doanh nghiệp phải dành nguồn lực nghiên cứu, đổi mới công nghệ.
Trong khi đó, thị trường khoa học và công nghệ ở nước ta còn chưa phát triển đúng với tiềm năng. Nguồn cung công nghệ trong nước còn nghèo nàn; môi trường pháp lý để thị trường công nghệ vận hành còn chưa đồng bộ, cơ chế thực thi và bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ còn yếu kém. Các tổ chức khoa học và công nghệ trong nước chỉ đáp ứng được một phần nhỏ nhu cầu công nghệ của doanh nghiệp.
Tìm kiếm nguồn đầu tư
Thời gian tới, cơ quan chức năng cần tiếp tục đẩy mạnh đổi mới cơ chế quản lý và cơ chế tài chính cho hoạt động khoa học và công nghệ để tạo hành lang thông thoáng, thuận lợi cho các tổ chức, cá nhân và đặc biệt là doanh nghiệp có thể thực hiện các nhiệm vụ khoa học và công nghệ kịp thời, đáp ứng được các yêu cầu và nhu cầu của hoạt động sản xuất - kinh doanh.
Đồng thời, bổ sung những quy định có tính chất bắt buộc để các doanh nghiệp nhà nước dành tỷ lệ phù hợp từ lợi nhuận chịu thuế cho các hoạt động khoa học và công nghệ thông qua việc thành lập Quỹ phát triển khoa học và công nghệ. Hơn nữa, trao thêm quyền tự chủ để các doanh nghiệp có thể sử dụng được nguồn kinh phí trích lập này một cách hiệu quả và minh bạch nhất.
Để chính sách hỗ trợ doanh nghiệp đổi mới công nghệ phát huy hiệu quả và khoa học - công nghệ thực sự trở thành động lực cho phát triển, một số ý kiến cho rằng, điều quan trọng chính là phải xóa bỏ cơ chế xin - cho, đổi mới quy trình xét duyệt, tuyển chọn và ban hành các cơ chế tài chính linh hoạt trong hoạt động nghiên cứu, ứng dụng.
Từ đó, huy động được nguồn lực các cấp, các ngành và thu hút nguồn nhân lực rộng rãi trên mọi lĩnh vực cùng tham gia hoạt động nghiên cứu, ứng dụng; thiết lập tốt cơ chế liên kết giữa ba nhà: Nhà khoa học, nhà quản lý, nhà doanh nghiệp, góp phần gắn kết nghiên cứu với thực tế sản xuất, đời sống.
Ông Cao Tiến Vị, Tổng giám đốc Công ty giấy Sài Gòn kiến nghị, để tạo điều kiện cho các doanh nghiệp mạnh dạn đổi mới công nghệ, Nhà nước cần có những chính sách ưu đãi về lãi suất, phương án tiếp cận vốn.
Song, theo nhiều chuyên gia, các doanh nghiệp nên tìm kiếm sự đầu tư công nghệ từ các quỹ đầu tư. Doanh nghiệp sẽ có lợi thế lớn khi được các quỹ đầu tư tham gia, vì tiềm lực tài chính và uy tín của quỹ tạo ra độ tin cậy cần thiết, để những nhà đầu tư nhỏ lẻ sẵn sàng bỏ vốn vào doanh nghiệp.
Đồng thời, với kỹ năng quản trị, nhất là quản lý tài chính, các quỹ đầu tư hoàn toàn có thể tìm được một nhà tư vấn, một nhà quản trị giỏi, lựa chọn đúng công nghệ hỗ trợ doanh nghiệp phát triển.