Luật Kế toán sửa đổi:
Đổi mới để hội nhập quốc tế về lĩnh vực kế toán
Việc ban hành Luật Kế toán sửa đổi sau hơn 10 năm thực hiện Luật Kế toán 2003 đã thể hiện nỗ lực của Việt Nam hướng đến mục tiêu cải cách và hội nhập trong lĩnh vực kế toán, để phù hợp với thông lệ quốc tế nhưng vẫn đảm bảo kế thừa Luật hiện hành.
Luật Kế toán (sửa đổi) 2015 được Quốc hội thông qua gồm 6 Chương, 74 Điều, quy định về nội dung công tác kế toán, tổ chức bộ máy kế toán, người làm kế toán, hoạt động kinh doanh dịch vụ kế toán, quản lý nhà nước về kế toán và tổ chức nghề nghiệp về kế toán.
Luật Kế toán (sửa đổi) áp dụng với 10 đối tượng sau: Cơ quan có nhiệm vụ thu, chi ngân sách nhà nước (NSNN) các cấp; Cơ quan nhà nước, tổ chức, đơn vị sự nghiệp sử dụng NSNN; Tổ chức, đơn vị sự nghiệp không sử dụng NSNN; Doanh nghiệp (DN) thuộc các thành phần kinh tế được thành lập và hoạt động theo pháp luật Việt Nam; Chi nhánh, văn phòng đại diện của DN nước ngoài hoạt động tại Việt Nam;
Hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã; Hộ kinh doanh, tổ hợp tác; Người làm công tác kế toán; Kế toán viên hành nghề; DN và hộ kinh doanh dịch vụ kế toán; Tổ chức nghề nghiệp về kế toán; Cơ quan, tổ chức, cá nhân khác có liên quan đến kế toán và hoạt động kinh doanh dịch vụ kế toán tại Việt Nam.
So với Luật Kế toán 2003, Luật Kế toán sửa đổi có nhiều điểm mới được các chuyên gia và các đối tượng liên quan đánh giá cao, cụ thể:
Quy định hạch toán theo giá trị hợp lý
Luật Kế toán sửa đổi đã đề cập đến một nội dung rất quan trọng là quy định về nguyên tắc kế toán, cụ thể là giá trị hợp lý. Thực tế, khái niệm giá trị hợp lý đã được sử dụng phổ biến tại các nước có áp dụng các chuẩn mực, thông lệ chung về kế toán, giúp cho thông tin kế toán được phản ánh trung thực, phù hợp với thực tế hơn.
Chuẩn mực kế toán DN của Việt Nam cũng đã quy định, nhưng Luật Kế toán 2003 chưa đề cập đến. Luật sửa đổi lần này cho phép DN áp dụng hạch toán theo giá trị hợp lý đối với một số loại tài sản có thể xác định được giá trị hợp lý, nhằm đánh giá đúng thực trạng tài chính của DN tại thời điểm báo cáo và để đảm bảo phù hợp với chuẩn mực kế toán quốc tế và thông lệ thế giới. Điều này giúp khắc phục hạn chế của Luật Kế toán hiện hành đang quy định hạch toán tài sản theo giá gốc.
Luật Kế toán sửa đổi đã quy định giá trị hợp lý là “giá trị được xác định phù hợp với giá thị trường, có thể nhận được khi bán một tài sản hoặc chuyển nhượng một khoản nợ phải trả tại thời điểm xác định giá trị“.
Như vậy, ngoài nguyên tắc kế toán về giá gốc được quy định trong Luật đã bổ sung nội dung “sau ghi nhận ban đầu, đối với một số loại tài sản hoặc nợ phải trả mà giá trị biến động thường xuyên theo giá thị trường và giá trị của chúng có thể xác định lại một cách đáng tin cậy thì được ghi nhận theo giá trị hợp lý tại thời điểm cuối kỳ lập báo cáo tài chính“.
Quy định lưu trữ chứng từ, sổ kế toán trên phương tiện điện tử
Luật Kế toán sửa đổi cho phép đơn vị kế toán được lựa chọn áp dụng lưu trữ tài liệu kế toán trên phương tiện điện tử, nếu đáp ứng được đầy đủ các điều kiện mà pháp luật quy định về chứng từ điện tử cũng như phải đảm bảo tiện dụng tra cứu trong quá trình lưu trữ và đảm bảo an toàn, bảo mật thông tin dữ liệu.
Cụ thể, Luật quy định, chứng từ điện tử được coi là chứng từ kế toán khi có các nội dung quy định tại Điều 16 của Luật này và được thể hiện dưới dạng dữ liệu điện tử, được mã hóa mà không bị thay đổi trong quá trình truyền qua mạng máy tính, mạng viễn thông hoặc trên vật mang tin như băng từ, đĩa từ, các loại thẻ thanh toán.
Chứng từ điện tử phải bảo đảm tính bảo mật và bảo toàn dữ liệu, thông tin trong quá trình sử dụng và lưu trữ; phải được quản lý, kiểm tra chống các hình thức lợi dụng khai thác, xâm nhập, sao chép, đánh cắp hoặc sử dụng chứng từ điện tử không đúng quy định.
Chứng từ điện tử được quản lý như tài liệu kế toán ở dạng nguyên bản mà nó được tạo ra, gửi đi hoặc nhận nhưng phải có đủ thiết bị phù hợp để sử dụng.
Trường hợp khi chứng từ bằng giấy được chuyển thành chứng từ điện tử để giao dịch, thanh toán hoặc ngược lại thì chứng từ điện tử có giá trị để thực hiện nghiệp vụ kinh tế, tài chính đó, chứng từ bằng giấy chỉ có giá trị lưu giữ để ghi sổ, theo dõi và kiểm tra, không có hiệu lực để giao dịch, thanh toán.
Có thể nói, với quy định mới này, cộng đồng DN sẽ tiết kiệm được chi phí đáng kể về nhân sự, thời gian tra cứu…, góp phần nâng cao khả năng cạnh tranh của DN.
Quy định cụ thể về hành nghề kế toán
Luật Kế toán sửa đổi đã dành toàn bộ Chương IV với 14 điều để quy định về hoạt động kinh doanh dịch vụ kế toán. Trong đó, nội dung quan trọng là quy định về chứng chỉ kế toán viên và đăng ký hành nghề kế toán viên đối với cá nhân; DN kinh doanh dịch vụ kế toán và cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh dịch vụ kế toán đối với tổ chức.
Một điểm đáng lưu ý trong quy định tại Điều 58 là cán bộ, công chức, viên chức, sỹ quan, quân nhân chuyên nghiệp, công nhân viên quốc phòng, công an nhân dân không được đăng ký hành nghề dịch vụ kế toán.
Quy định về báo cáo tài chính nhà nước
Xuất phát từ nhu cầu cần được cung cấp các thông tin báo cáo khác nhau không chỉ từ NSNN mà còn từ tài chính nhà nước để các cơ quan có thẩm quyền có thể đưa ra các quyết sách phù hợp, hiệu quả, cũng như có đủ căn cứ để đánh giá hiệu quả chi tiêu công, phân tích khả năng tài chính của đất nước, của từng địa phương…,
Luật Kế toán sửa đổi đã quy định nội dung về lập báo cáo tài chính nhà nước, bao gồm: Khái niệm báo cáo tài chính nhà nước; báo cáo tài chính của từng địa phương; trách nhiệm lập báo cáo tài chính nhà nước; trách nhiệm cung cấp thông tin để lập báo cáo tài chính nhà nước, báo cáo tài chính địa phương…
Theo đó, Báo cáo tài chính nhà nước được lập trên cơ sở hợp nhất báo cáo tài chính của cơ quan nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập, tổ chức kinh tế và các đơn vị có liên quan khác thuộc khu vực nhà nước, dùng để tổng hợp và thuyết minh về tình hình tài chính nhà nước, kết quả hoạt động tài chính nhà nước và lưu chuyển tiền tệ từ hoạt động tài chính nhà nước trên phạm vi toàn quốc và từng địa phương. Báo cáo tài chính nhà nước cung cấp thông tin về tình hình thu, chi NSNN, các quỹ tài chính nhà nước, nợ công, vốn nhà nước tại DN, tài sản, nguồn vốn và sử dụng nguồn vốn của Nhà nước.
Về khuôn khổ pháp lý về báo cáo tài chính nhà nước, cho đến nay, chưa có văn bản pháp lý nào khác quy định lập báo cáo tài chính nhà nước. Vì vậy, có thể coi đây là sự đổi mới rất đáng kể.
Quy định về ký chứng từ kế toán
Luật Kế toán sửa đổi quy định rõ chứng từ kế toán phải có đủ chữ ký theo chức danh quy định trên chứng từ. Chữ ký trên chứng từ kế toán phải được ký bằng loại mực không phai.
Không được ký chứng từ kế toán bằng mực màu đen, màu đỏ hoặc đóng dấu chữ ký khắc sẵn. Chữ ký trên chứng từ kế toán của một người phải thống nhất. Ngoài ra, Luật quy định thêm riêng đối với chữ ký trên chứng từ kế toán của Hội người mù được thực hiện theo quy định riêng của Chính phủ.
Quy định công khai báo cáo tài chính
Luật Kế toán sửa đổi có quy định về công khai báo cáo tài chính, áp dụng cho đơn vị kế toán sử dụng NSNN; đơn vị kế toán không sử dụng NSNN; đơn vị kế toán sử dụng các khoản đóng góp của Nhân dân; đơn vị kế toán thuộc hoạt động kinh doanh.
Báo cáo tài chính của đơn vị kế toán thuộc diện bắt buộc phải kiểm toán khi công khai phải kèm theo kết luận của tổ chức kiểm toán. Riêng đối với đơn vị kế toán sử dụng NSNN công khai thông tin thu, chi NSNN theo quy định của Luật NSNN.