Đổi mới hoạt động kiểm tra sau thông quan góp phần hỗ trợ doanh nghiệp phát triển
Nhằm đáp ứng yêu cầu quản lý nhà nước về hải quan, đồng thời tạo thuận lợi cho hoạt động thương mại phát triển, Hải quan Việt Nam đã cải cách, đổi mới hoạt động kiểm tra sau thông quan. Đây là một trong những mục tiêu quan trọng hàng đầu của ngành Hải quan hướng tới tăng cường và nâng cao hiệu quả công tác kiểm tra sau thông quan trong toàn quốc; đồng thời xác định công tác kiểm tra sau thông quan thành một trụ cột của quản lý hải quan hiện đại, khuyến khích doanh nghiệp (DN) tự nguyện tuân thủ pháp luật.
Vai trò của cải cách, đổi mới hoạt động kiểm tra sau thông quan
Nhằm góp phần xây dựng lực lượng hải quan chính quy, hiện đại, góp phần hỗ trợ DN phát triển, ngày 20/5/2022, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 628/QĐ-TTg phê duyệt Chiến lược phát triển Hải quan đến 2030, trong đó đặt ra 03 nhiệm vụ trọng tâm đối với lực lượng kiểm tra sau thông quan (KTSTQ) gồm:
Thứ nhất, xây dựng mô hình tổ chức KTSTQ tập trung cấp Tổng cục; áp dụng sâu rộng phương pháp kiểm toán sau thông quan; từng bước áp dụng nghiệp vụ điều tra vào công tác KTSTQ.
Thứ hai, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin vào hoạt động KTSTQ theo hướng tự động xác định đối tượng cần KTSTQ trên cơ sở áp dụng mô hình tự động phân tích, đánh giá rủi ro, phân tích số liệu thống kê, các bài toán nghiệp vụ, các dấu hiệu khác thường trên hệ thống công nghệ thông tin của mô hình Hải quan số, Hải quan thông minh.
Thứ ba, tiếp tục hoàn thiện các quy định về doanh nghiệp ưu tiên trên cơ sở khuyến nghị của Tổ chức Hải quan Thế giới (WCO) về: các điều kiện áp dụng, các chế độ được ưu tiên, quyền hạn, trách nhiệm của cơ quan hải quan và DN, công tác quản lý hải quan đối với các DN ưu tiên, xây dựng và thúc đẩy triển khai các thỏa thuận công nhận lẫn nhau về DN ưu tiên giữa Hải quan Việt Nam và Hải quan các nước đối tác quan trọng trên thế giới.
Ngày 31/01/2023, Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan đã ban hành Quyết định số 123/QĐ-TCHQ giao 10 chỉ tiêu cải cách hành chính, đơn giản hóa thủ tục hải quan, tạo thuận lợi thương mại năm 2023 của ngành Hải quan. Theo đó, các chỉ tiêu tập trung hướng tới mục tiêu “Chuyển xu thế quản lý hải quan từ tiền kiểm sang hậu kiểm” đặt trọng trách rất lớn lên vai lực lượng KTSTQ, và đặt ra chỉ tiêu cụ thể đối với công tác KTSTQ như: Giảm 25% tỷ lệ số cuộc KTSTQ theo kế hoạch tuân thủ pháp luật của người khai hải quan; Tăng 20% số lượng DN tự nguyện tham gia Chương trình hỗ trợ khuyến khích DN tự nguyện tuân thủ pháp luật hải quan.
Như vậy, cải cách, đổi mới hoạt động KTSTQ là một trong những mục tiêu quan trọng hàng đầu của ngành hải quan hướng tới tăng cường và nâng cao hiệu quả công tác KTSTQ trong toàn quốc đồng thời xác định công tác KTSTQ trở thành một trụ cột của quản lý hải quan hiện đại, khuyến khích DN tự nguyện tuân thủ pháp luật.
Những thành tựu của kiểm tra sau thông quan
Tiếp thu các chỉ đạo và định hướng hoạt động và phát triển của ngành Hải quan nói chung và lực lượng KTSTQ nói riêng, Cục KTSTQ với chức năng tham mưu, giúp Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan quản lý, chỉ đạo, hướng dẫn, kiểm tra các đơn vị trong ngành Hải quan thực hiện công tác KTSTQ và quản lý nhà nước về hải quan đối với DN ưu tiên đã và đang xây dựng các kế hoạch, chương trình hoạt động để cải cách, đổi mới hoạt động KTSTQ góp phần hỗ trợ DN phát triển với nhiều thành tựu đạt được.
Về hoạt động KTSTQ: Tổng cục Hải quan xác định yêu cầu quản lý nhà nước về hải quan trong lĩnh vực KTSTQ cần chú trọng các vấn đề rủi ro tiềm ẩn gắn với từng giai đoạn, tăng cường hoạt động điều tra trong KTSTQ, chủ động nghiên cứu, xây dựng các chuyên đề để triển khai thành các kế hoạch định hướng lớn mang tính dài hạn, chỉ đạo các cục hải quan địa phương thực hiện nhằm đảm bảo công tác “hậu kiểm” được tập trung, thống nhất, hiệu quả trên toàn quốc, bao quát được các vi phạm của DN trên phạm vi rộng, góp phần nâng cao tính tuân thủ pháp luật của DN, đảm bảo công tác quản lý nhà nước.
Thực hiện nhiệm vụ chính trị được giao, từ khi thành lập (năm 2003) đến ngày 31/12/2022, toàn lực lượng KTSTQ cả nước thực hiện 36.791 cuộc kiểm tra, tổng số tiền thu nộp ngân sách nhà nước (NSNN) đạt 23.878 tỷ đồng, trong đó Cục KTSTQ thực hiện 2.197 cuộc, thu nộp NSNN 6.580 tỷ đồng.
Từ ngày 01/01/2023 đến 15/5/2023, toàn Ngành đã thực hiện KTSTQ 305 cuộc, trong đó có 83 cuộc tại trụ sở người khai hải quan, 222 cuộc tại trụ sở cơ quan hải quan. Tổng số tiền ấn định thuế và xử phạt vi phạm hành chính là 186.22 tỷ đồng, đã thực thu vào NSNN số tiền là 170.42 tỷ đồng. Đáng chú ý, riêng Cục KTSTQ đã thực hiện KTSTQ 44 cuộc. Tổng số tiền ấn định thuế và xử phạt vi phạm hành chính là 93.23 tỷ đồng, đã thực thu vào NSNN số tiền là 88.57 tỷ đồng.
Ngoài việc chống thất thu ngân sách, thông qua công tác KTSTQ, cơ quan Hải quan còn hướng dẫn DN trong việc thực hiện các quy định của pháp luật; đồng thời kiến nghị cơ quan có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung quy định có liên quan để phù hợp với tình hình thực tiễn.
Hiện nay, thực hiện nhiệm vụ chung của ngành, Cục KTSTQ đã và đang tham gia hoàn thiện:Nghị định số 08/2015/NĐ-CP ngày 21/01/2015 của Chính phủ quy định chi tiết và biện pháp thi hành Luật Hải quan về thủ tục hải quan, kiểm tra, giám sát, kiểm soát hải quan, Nghị định số 59/2018/NĐ-CP ngày 20/4/2018 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung Nghị định số 08/2015/NĐ-CP; Thông tư sửa đổi, bổ sung Thông tư số 38/2015/TT-BTC ngày 25 /3/2015 của Bộ Tài chính quy định về thủ tục hải quan, kiểm tra, giám sát hải quan, thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu và quản lý thuế đối với hàng hoá xuất khẩu, nhập khẩu, Thông tư số 39/2019/TT-BTC ngày 20/4/2018 của Bộ Tài chính sửa đổi, bổ sung Thông tư số 38/2015/TT-BTC về nội dung KTSTQ và quản lý về chế độ ưu tiên đối với DN.
Đồng thời, Cục KTSTQ tiếp tục hoàn thiện dự thảo quy trình KTSTQ và quản lý về chế độ ưu tiên đối với DN để ban hành thay thế quy trình KTSTQ (Quyết định 575/QĐ-TCHQ ngày 21/3/2019 về quy trình KTSTQ) và quy trình thẩm định điều kiện công nhận DN ưu tiên, áp dụng chế độ ưu tiên, quản lý DN ưu tiên (Quyết định 2659/QĐ-TCHQ ngày 14/9/2015 về quy trình thẩm định điều kiện công nhận DN ưu tiên, áp dụng chế độ ưu tiên) theo hướng hợp nhất quy trình 575 và 2659 với nội dung tinh gọn, dễ hiểu, thống nhất cách thực thi trên toàn quốc đảm bảo tính chuẩn mực, chuyên nghiệp, minh bạch, hiệu quả...
Về quản lý DN ưu tiên: Chương trình DN ưu tiên (AEO) bắt đầu áp dụng triển khai thí điểm ở Việt Nam từ năm 2011. Kết thúc quá trình triển khai thí điểm chương trình này, 13 DN lớn ở các ngành, nghề, lĩnh vực khác nhau được công nhận DN ưu tiên. Sau 12 năm triển khai, Chương trình AEO của Hải quan Việt Nam góp phần quan trọng vào việc phát triển kinh tế - xã hội, thu hút đầu tư nước ngoài, nâng vị thế quốc gia trong cộng đồng quốc tế và đặc biệt là một chương trình mà cộng đồng DN luôn mong muốn được tham gia.
Lợi ích mà DN đạt được khi tham gia Chương trình AEO là:
- Rút ngắn thời gian thông quan hàng hóa, từ đó, giảm chi phí về thủ tục hành chính, giảm chi phí nhân sự. Theo báo cáo của các DN, sau khi được công nhận, DN tiết kiệm được chi phí thủ tục hành chính, phí lưu kho bãi, trung bình từ 1-5 tỷ đồng/năm.
- Giao hàng và nhận hàng nhanh: khi được công nhận DN ưu tiên, được ưu tiên về thủ tục hải quan, công ty sẽ đúng lịch giao hàng cho khách hàng như đã thông báo. Trong khi trước đây, đôi khi phát sinh việc kiểm hóa lô hàng dẫn đến kế hoạch sản xuất bị lùi lại gây ảnh hướng tới kế hoạch giao hàng. Một số công ty có chỉ số đo lường OTD commit (cam kết giao hàng đúng hẹn) đã tăng từ 85% (trước khi là AEO) lên 98% (sau khi là AEO).
- Đối với hàng hóa nhập kinh doanh, DN được thông quan ngay và nộp thuế sau cho các lô hàng đã được thông quan vào tháng trước (chậm nhất vào mùng 10 hàng tháng của tháng sau), do vậy, DN tiết kiệm được khoản lãi vay ngân hàng để nộp thuế, chủ động được nguồn vốn kinh doanh.
- Tăng khả năng tự tuân thủ của DN và khả năng kiểm soát nội bộ của DN để đáp ứng các điều kiện về DN ưu tiên.
- Tăng cường uy tín và vị thế đối với đối tác nước ngoài: Chương trình AEO được áp dụng tại hơn 100 quốc gia, do đó, các đối tác nước ngoài đều biết về chương trình này. Việc được cơ quan hải quan công nhận là AEO là một trong những lợi thế cạnh tranh của DN so với các DN không phải là AEO khác trong cùng một ngành nghề, lĩnh vực kinh doanh.
- Tăng cơ hội phát triển kinh doanh, tăng khả năng tiếp cận nguồn vốn: một số ngân hàng, tổ chức tín dụng, khách hàng nội địa và khách hàng nước ngoài tại Nhật Bản, Hàn Quốc… ngày càng tin tưởng vào uy tín của các công ty khi biết được các công ty được Hải quan Việt Nam công nhận là AEO.
- Có đầu mối của phía Cục KTSTQ hỗ trợ trực tiếp, kịp thời khi DN gặp vướng mắc.
Tính đến tháng 5/2023, Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan đã công nhận 74 DN ưu tiên, trong đó có 25 DN Việt Nam, 16 DN Hàn Quốc, 14 DN Nhật Bản, còn lại là các DN Hoa Kỳ, Đài Loan, Ý, Đan Mạch, liên doanh Việt - Nga... Theo số liệu báo cáo các DN năm 2022, tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu của DN ưu tiên là khoảng 266 tỷ USD, chiếm khoảng 36% tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu của các DN trên cả nước.
Tổng cục Hải quan luôn chú trọng công tác quản lý DN ưu tiên trên toàn quốc, kịp thời hướng dẫn, chấn chỉnh các DN ưu tiên trên toàn quốc nhằm đánh giá đầy đủ, thực chất về DN ưu tiên trong quá trình hoạt động, từ đó có thể đánh giá, áp dụng các biện pháp quản lý, kiểm tra, giám sát phù hợp, đồng thời tạo điều kiện thuận lợi hơn nữa cho các DN ưu tiên trong hoạt động sản xuất kinh doanh.
Về ký kết thỏa thuận công nhận lẫn nhau về chương trình DN ưu tiên (MRA): Theo định nghĩa tại Khung tiêu chuẩn về đảm bảo an ninh an toàn (SAFE Framwork) của Tổ chức Hải quan thế giới: “Thỏa thuận công nhận lẫn nhau là việc ký kết một văn bản chính thức giữa 2 hoặc nhiều cơ quan hải quan, đưa ra các nội dung, điều kiện mà theo đó, các chương trình AEO được công nhận và chấp nhận giữa các bên ký kết”.
Lợi ích của Thỏa thuận công nhận lẫn nhau: Thỏa thuận công nhận lẫn nhau hướng lợi ích đến sự hợp tác giữa các cơ quan Hải quan cũng như sự hợp tác giữa cơ quan Hải quan và DN.
- Lợi ích đối với cơ quan Hải quan: Những thoả thuận này giúp cơ quan Hải quan quản lý rủi ro hiệu quả hơn thông qua việc trao đổi thông tin kịp thời và chính xác, tăng cường khả năng phát hiện hàng hoá có độ rủi ro cao, quản lý chuỗi cung ứng và sử dụng có hiệu quả nguồn lực của mình. Ngoài ra, những thoả thuận này giúp đẩy mạnh quan hệ hợp tác giữa các cơ quan Hải quan và cho phép tiến hành quản lý sớm đối với dây chuyền cung ứng.
- Lợi ích đối với DN: thông qua việc công nhận lẫn nhau, các DN ưu tiên sẽ được hưởng lợi từ: tăng lợi ích kinh tế do giảm tỷ lệ kiểm tra, giảm thời gian thông quan và chi phí liên quan (chi phí lưu kho bãi, chi phí nhân công,…); đảm bảo giao hàng đúng thời hạn, nâng cao lợi thế cạnh tranh; tăng cường an ninh chuỗi cung ứng hàng hóa giữa các quốc gia ký kết…
Đến nay, Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan đã ký Thỏa thuận công nhận lẫn nhau (MRA) về Chương trình AEO với các nước thành viên Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) bao gồm 10 nước: Indonesia, Thái Lan, Singapore, Malaysia, Philipine, Lào, Campuchia, Myanmar, Brunei, Việt Nam.
Mặt khác, Cục KTSTQ đang tích cực xây dựng Đề án xây dựng hệ thống kết nối dữ liệu về gia công - sản xuất xuất khẩu giữa DN ưu tiên và cơ quan hải quan để tăng cường sự hợp tác, trao đổi dữ liệu, kết nối thường xuyên, liên tục giữa cơ quan hải quan và DN; đồng thời, khuyến khích tự nguyện tuân thủ pháp luật đối với DN khi các vướng mắc, rủi ro (nếu có) được phát hiện thông qua phân tích, đánh giá dữ liệu điện tử sẽ được cơ quan hải quan cảnh báo và hướng dẫn DN kịp thời. Các DN tự nguyện kết nối dữ liệu sẽ được giảm tần suất kiểm tra vì các rủi ro được tầm soát.
Định hướng hoạt động kiểm tra sau thông quan trong bối cảnh mới
Trong bối cảnh hoạt động KTSTQ đã từng bước đi vào nề nếp, góp phần tích cực vào công tác quản lý nhà nước về hải quan, đáp ứng cơ bản yêu cầu quản lý hải quan hiện đại, chuyển mạnh từ tiền kiểm sang hậu kiểm, ngày 19/11/2019, Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan đã ban hành Chỉ thị số 7180/CT-TCHQ chấn chỉnh, tăng cường và nâng cao hiệu quả công tác KTSTQ trong toàn quốc. Đồng thời, xác định công tác KTSTQ trở thành một trụ cột của quản lý hải quan hiện đại, khuyến khích DN tự nguyện tuân thủ pháp luật, theo đó định hướng hoạt động KTSTQ có trọng tâm, trọng điểm, chú trọng công tác thu thập, sàng lọc thông tin và phân tích rủi ro, xác định phương pháp tiến hành để xây dựng kế hoạch kiểm tra trước khi tiến hành một cuộc kiểm tra để tránh sự dàn trải, tùy tiện.
Căn cứ nội dung Quyết định số 628/QĐ-TTg ngày 20/5/2022 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chiến lược phát triển Hải quan đến 2030; Quyết định số 123/QĐ-TCHQ ngày 31/01/2023 của Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan về giao 10 chỉ tiêu cải cách hành chính, đơn giản hóa thủ tục hải quan, tạo thuận lợi thương mại năm 2023 của ngành Hải quan, định hướng KTSTQ trong mô hình mới cụ thể như sau:
Thứ nhất, ngăn chặn cụ thể - quản lý tổng thể. Việc kiểm tra, giám sát để phát hiện các giao dịch bất thường cần được thực hiện thường xuyên bằng cách áp dụng hiệu quả nguyên lý quản lý rủi ro để nhanh chóng rà soát, xác định đối tượng bất thường và ngăn chặn kịp thời bằng các kỹ thuật nghiệp vụ. Từng bước áp dụng nghiệp vụ điều tra vào công tác KTSTQ.
Bên cạnh đó, cần hướng đến quản lý toàn diện hệ sinh thái DN bằng các giải pháp như áp dụng phương thức KTSTQ toàn diện theo khuyến cáo của WCO và hải quan một số nước, giúp cơ quan Hải quan nắm bắt được cơ chế, mô hình hoạt động của mỗi DN, quan hệ tương tác giữa DN và các bên liên quan trong chuỗi cung ứng hàng hóa, dịch vụ, từ đó khái quát hóa để quản lý tổng thể ngành, lĩnh vực.
Thứ hai, tập trung hóa thông tin - chuyên biệt hóa chức năng, nhiệm vụ. Các thông tin trong quá trình thông quan, KTSTQ cũng như các khâu nghiệp vụ hải quan khác như điều tra chống buôn lậu, thanh tra, kiểm tra, quản lý thuế xuất, nhập khẩu… cần phải được cập nhật lên một hệ thống phần mềm tập trung, thống nhất, tạo thuận lợi cho việc tra cứu thông tin và phân tích rủi ro, phục vụ công tác KTSTQ một cách toàn diện và có hiệu quả. Chức năng, nhiệm vụ của từng bộ phận, từng khâu nghiệp vụ hải quan cần phải chuyên biệt hóa, tránh chồng chéo.
Thứ ba, minh bạch quy định để tuân thủ - bí mật phương thức quản lý để răn đe. Các quy định pháp luật về hải quan, các bộ tiêu chí đánh giá tuân thủ cần được quy định cụ thể, công khai; gắn liền với đó, cách thức quản lý DN phải được bảo mật tuyệt đối. Theo đó, các danh mục rủi ro về giá, về mã HS (Hệ thống mã hóa và mô tả hàng hóa hài hòa), các biện pháp nghiệp vụ hải quan, phương pháp đánh giá tuân thủ và phân tích rủi ro, xác định đối tượng trọng điểm, phương pháp tiến hành kiểm tra, xác minh phải được bảo mật, không thể đoán trước đối tượng, cách thức kiểm tra.
Thứ tư, giảm tần suất kiểm tra - tăng cường độ kiểm tra. Với mô hình hải quan thông minh, việc xác định DN có rủi ro cao cần đặt lên hàng đầu và phải chính xác tuyệt đối. Sau khi xác định được DN đó có rủi ro, việc KTSTQ cần được thực hiện theo phương pháp kiểm tra toàn diện, tức là kiểm tra chuyên sâu tất cả các lĩnh vực của DN, từ đó, có bức tranh hoàn chỉnh về DN đó và mở rộng hơn là các DN có cùng ngành nghề. Với phương pháp kiểm tra này, số lượng các DN được kiểm tra sẽ giảm xuống và thay vào đó là kiểm tra chuyên sâu hơn vào một số lượng DN nhất định và khái quát nên rủi ro của các ngành nghề mà DN đó đang kinh doanh, từ đó quản lý rủi ro tốt hơn.
Thứ năm, tăng thời gian phân tích thông tin trước - giảm thời gian kiểm tra, thông quan. Ở khâu thông quan, việc cung cấp và phân tích thông tin trước sẽ làm giảm thời gian kiểm tra và chờ thông quan. Ở khâu sau thông quan, thời gian chuẩn bị trước kiểm tra sẽ làm giảm thời gian tiến hành kiểm tra. Do đó, cần tăng cường việc thu thập thông tin, bao gồm cả thông tin tự đánh giá do DN cung cấp, phân tích rõ dấu hiệu, mức độ rủi ro và chuẩn bị kỹ phương án, kỹ thuật cần áp dụng trước khi tiến hành kiểm tra.
Thứ sáu, khuyến khích tự tuân thủ - răn đe bằng chế tài mạnh. Đối với các DN tuân thủ nghiêm túc các quy định về hải quan, cần có quy định khuyến khích tuân thủ, cho phép chế độ quản lý thuận lợi hơn tương tự như đối với DN ưu tiên. Đối với các DN vi phạm có sai phạm, cần có chế tài mạnh hơn để răn đe, ngăn chặn.
Tài liệu tham khảo:
- Thủ tướng Chính phủ (2022), Quyết định số 628/QĐ-TTg ngày 20/5/2022 phê duyệt Chiến lược phát triển Hải quan đến 2030;
- Chính phủ (2018), Nghị định số 08/2015/NĐ-CP ngày 21/01/2015 quy định chi tiết và biện pháp thi hành Luật Hải quan về thủ tục hải quan, kiểm tra, giám sát, kiểm soát hải quan; Nghị định số 59/2018/NĐ-CP ngày 20/4/2018 sửa đổi, bổ sung Nghị định số 08/2015/NĐ-CP;
- Bộ Tài chính (2018), Thông tư số 38/2015/TT-BTC ngày 25/3/2015 quy định về thủ tục hải quan, kiểm tra, giám sát hải quan, thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu và quản lý thuế đối với hàng hoá xuất khẩu, nhập khẩu; Thông tư số 39/2018/TT-BTC ngày 20/4/2018 sửa đổi, bổ sung Thông tư 38/2015/TT-BTC.