Đổi mới toàn diện chính sách hỗ trợ để các hợp tác xã tăng cường liên kết, tự lực, tự cường vươn lên
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính yêu cầu xây dựng các chính sách hỗ trợ theo hướng đổi mới toàn diện, trong đó có cơ chế đặc thù trong huy động và sử dụng ngân sách hỗ trợ. Từ đó, tạo cơ hội, động lực cho khu vực kinh tế tập thể, hợp tác xã (HTX) tự lực, tự cường, bắt kịp, tiến cùng và vươn lên với các khu vực, thành phần kinh tế khác, phát triển nhanh, bền vững, bao trùm, toàn diện.
Ngày 2/2, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì Diễn đàn kinh tế hợp tác, HTX năm 2024 với chủ đề "Hoàn thiện chính sách hỗ trợ của Nhà nước theo Nghị quyết số 20-/NQ/TW ngày 16/6/2022 - Động lực thúc đẩy phát triển kinh tế tập thể, hợp tác xã trong giai đoạn mới".
Diễn đàn được tổ chức theo hình thức trực tiếp tại đầu cầu Trụ sở Chính phủ, trực tuyến tới điểm cầu 63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương. Đồng chí Lê Minh Khái, Bí thư Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ, Trưởng Ban Chỉ đạo đổi mới, phát triển kinh tế tập thể (KTTT), HTX đồng chủ trì Diễn đàn.
Nhiều điểm sáng trong phát triển HTX
Tại Diễn đàn, các đại biểu trao đổi, thảo luận, chia sẻ với tinh thần thẳng thắn, trách nhiệm, tập trung vào phân tích thực trạng phát triển của khu vực KTTT, HTX; hiến kế các giải pháp đột phá để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, nhất là về thu hút nguồn lực xã hội; tăng cường liên kết giữa các thành viên tham gia KTTT, nâng cao hiệu quả phối hợp giữa các bộ, ngành, địa phương, giữa công và tư…, đề xuất các chính sách hỗ trợ cho khu vực KTTT, HTX số, chuyển đổi xanh, kinh tế tuần hoàn, kinh tế chia sẻ, kinh tế tri thức…
Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, ước tính đến năm 2023, cả nước có hơn 31.700 HTX, 158 liên hiệp HTX và 73.000 tổ hợp tác. Năm 2022, doanh thu bình quân của các HTX đạt gần 3,6 tỷ đồng/năm, tăng 35% so với năm 2021; lãi bình quân khoảng 366 triệu đồng/năm, tăng 71% so với năm 2021; thu nhập bình quân của một lao động thường xuyên trong HTX năm 2022 là 56 triệu đồng/người/năm…
Trong 20 năm qua, hành lang pháp lý chung và các cơ chế, chính sách hỗ trợ KTTT đã được quan tâm xây dựng, hoàn thiện phù hợp với từng giai đoạn phát triển.
Trong đó có các chính sách đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực; xúc tiến thương mại; ứng dụng khoa học, kỹ thuật, công nghệ; hỗ trợ về đầu tư phát triển hạ tầng; chính sách giao đất, cho thuê đất; chính sách về tín dụng; hỗ trợ chế biến sản phẩm…
Chủ tịch Liên minh HTX Việt Nam Cao Xuân Thu Vân cho biết: Theo thống kê giai đoạn 2021-2023, 71,3% các HTX thành lập mới có các sáng lập viên trẻ (độ tuổi từ 27-40), nhiệt huyết, có kiến thức, trình độ về các lĩnh vực khởi nghiệp, mạnh dạn và sáng tạo trong tiếp cận công nghệ, nguồn lực (nhân lực, vốn, tín dụng...) để đầu tư thực hiện các phương án sản xuất kinh doanh hiệu quả, phát triển một số loại hình dịch vụ, thương mại mới, đáp ứng yêu cầu, năng lực, sở trường của thành viên, phù hợp với nhu cầu thị trường và góp phần phát triển kinh tế-xã hội địa phương.
Tiêu biểu như: HTX nông nghiệp thương mại dịch vụ Long Thới Thịnh (Tiền Giang), HTX nông nghiệp dịch vụ Quảng Đức (Phú Yên); HTX dịch vụ tổng hợp Thắng Lợi (Yên Bái).
Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan cho biết Bộ đang triển khai Đề án thí điểm xây dựng vùng nguyên liệu nông, lâm sản đạt chuẩn phục vụ tiêu thụ trong nước và xuất khẩu, giai đoạn 2022-2025 trên địa bàn 14 tỉnh trải dài từ Bắc vào Nam với 05 vùng nguyên liệu hàng hóa lớn (bao gồm: Sơn la, Hòa Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế, Đắk Lắk, Đắk Nông, Gia Lai, Kon Tum, An Giang, Kiên Giang, Đồng Tháp, Tiền Giang, Long An và Sóc Trăng) với tổng diện tích gần 167.000 ha, trong đó có 250 HTX (tại thời điểm ban đầu thực hiện Đề án đầu năm 2022) và khoảng 186.000 hộ nông dân hưởng lợi trực tiếp.
Riêng trong năm 2022, tại 13 tỉnh vùng nguyên liệu, các địa phương đã hỗ trợ thành lập mới được 70 HTX nông nghiệp và 01 Liên hiệp HTX, nâng tổng số HTX nông nghiệp trong các vùng nguyên liệu tại 13 tỉnh hiện nay là 320 HTX.
Các HTX nông nghiệp trong vùng nguyên liệu thuộc Đề án được Bộ và các địa phương tập trung đào tạo, tập huấn, hỗ trợ củng cố nâng cao hiệu quả hoạt động, gắn với các chuỗi liên kết.
Ngoài ra, hiện Bộ đang xây dựng Đề án phát triển 1 triệu ha lúa chất lượng cao vùng ĐBSCL, trong đó tập trung hỗ trợ cho 937 HTX tham gia chuỗi lúa gạo trong vùng. Bộ cũng đang chỉ đạo hỗ trợ phát triển các trung tâm logistics kết nối liên vùng nhằm thúc đẩy các chuỗi giá trị sản xuất hàng hóa nông sản tại 05 vùng nguyên liệu Bộ đang thực hiện.
Đại diện HTX Nông nghiệp Thới Thạnh (Bến Tre) cho biết đã thiết lập mối liên kết bền vững với Công ty TNHH Chế biến dừa Lương Quới để xây dựng vùng sản xuất nguyên liệu dừa hữu cơ đến nay d iện tích đạt gần 150 ha. Hoạt động sơ chế dừa hàng ngày của HTX đã tạo ra việc làm và tăng thu nhập cho hơn 40 thành viên trong HTX với thu nhập bình quân 5.000.000 đồng/tháng.
Canh tác dừa hữu cơ đã mang lại lợi nhuận trực tiếp cho thành viên từ 15% đến 20% so với canh tác thông thường. Ước tính tổng lợi nhuận trực tiếp từ canh tác dừa hữu cơ của thành viên HTX khoảng 750 triệu đồng/năm và tổng doanh thu năm 2022 là 11,2 tỷ đồng và lợi nhuận từ dịch vụ là 92,1 triệu đồng.