Đối tượng nào đóng góp tài chính vào Quỹ Bảo vệ môi trường Việt Nam?
Nghị định số 08/2022/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều của Luật Bảo vệ môi trường đã nêu rõ các đối tượng và mức đóng góp tài chính vào Quỹ Bảo vệ môi trường Việt Nam để hỗ trợ các hoạt động xử lý chất thải.
Quỹ Bảo vệ môi trường Việt Nam là cơ quan được ủy thác tiếp nhận các khoản đóng góp và chi trả hỗ trợ liên quan đến trách nhiệm tái chế và trách nhiệm thu gom, xử lý chất thải của nhà sản xuất, xuất khẩu được quy định tại Điều 54 và 55 Luật Bảo vệ môi trường 2020.
Điều 83, Nghị định số 08/2022/NĐ-CP nêu rõ, các nhà sản xuất, nhập khẩu các sản phẩm, bao bì quy định tại Cột 2 Phụ lục XXIII ban hành kèm theo Nghị định này để đưa ra thị trường Việt Nam có trách nhiệm đóng góp tài chính vào Quỹ Bảo vệ môi trường Việt Nam để hỗ trợ các hoạt động xử lý chất thải. Các trường hợp loại trừ gồm:
- Nhà sản xuất, nhập khẩu sản phẩm, bao bì để xuất khẩu hoặc tạm nhập, tái xuất hoặc sản xuất, nhập khẩu cho mục đích nghiên cứu, học tập, thử nghiệm theo quy định tại khoản 1 Điều 55 Luật Bảo vệ môi trường.
- Nhà sản xuất có doanh thu từ bán hàng và cung cấp dịch vụ của năm trước dưới 30 tỷ đồng.
- Nhà nhập khẩu có tổng giá trị nhập khẩu (tính theo trị giá hải quan) của năm trước dưới 20 tỷ đồng.
Bao bì quy định tại điều khoản nêu trên là bao bì thương phẩm (bao bì trực tiếp) của sản phẩm, hàng hóa.
Mức đóng góp tài chính cụ thể đối với từng sản phẩm, bao bì được quy định tại các Cột 3, 4 và 5 Phụ lục XXIII ban hành kèm theo Nghị định số 08/2022/NĐ-CP.
Theo Nghị định số 08/2022/NĐ-CP, mức đóng góp tài chính vào Quỹ Bảo vệ môi trường Việt Nam để hỗ trợ các hoạt động xử lý chất thải được điều chỉnh 05 năm một lần tăng dần theo yêu cầu bảo vệ môi trường.
Thủ tướng Chính phủ quyết định điều chỉnh, ban hành mức đóng góp tài chính tăng dần theo đề xuất của Bộ Tài nguyên và Môi trường; chi phí quản lý hành chính phục vụ quản lý, giám sát và hỗ trợ thực hiện trách nhiệm thu gom, xử lý chất thải của nhà sản xuất, nhập khẩu.