Đồng bằng sông Cửu Long đang đối mặt với di cư lớn
Theo báo cáo kinh tế thường niên đồng bằng sông Cửu Long năm 2024, đồng bằng sông Cửu Long phải đối mặt với làn sóng ly nông và ly hương, đặc biệt là lao động trẻ lên TP. Hồ Chí Minh và Bình Dương.

Báo cáo kinh tế thường niên đồng bằng sông Cửu Long năm 2024 (báo cáo quy mô cấp vùng đầu tiên của cả nước được thực hiện hàng năm) của Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) phối hợp cùng Trường Chính sách công và quản lý Fulbright (FSPPM) thực hiện vừa công bố ngày 27/3 cho thấy khá toàn cảnh bức tranh kinh tế đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL).
Theo đó, từ sau đại dịch Covid-19, tăng trưởng kinh tế vùng ĐBSCL đã quay về mức ổn định, thậm chí duy trì tốc độ nhỉnh hơn trung bình cả nước. Trong năm 2024, động lực tăng trưởng chính của ĐBSCL đến từ khu vực công nghiệp và xây dựng 11%. Đối với khu vực nông lâm, thủy sản và dịch vụ (7,6%) vẫn đạt mức tăng trưởng tốt lần lượt là 3,8% và 7,6%. So với năm 2017, cơ cấu kinh tế ĐBSCL hầu như không thay đổi.
Báo cáo cũng cho thấy, năng suất lao động của ĐBSCL tăng trưởng bình quân 10%/năm, song vẫn bị các vùng Bắc Trung Bộ & Duyên hải miền Trung và Trung du & Miền núi phía Bắc vượt qua và chỉ đứng thứ 5/6 vùng kinh tế - xã hội của cả nước. Trong đó, năng suất khu vực nông, lâm, thủy sản của ĐBSCL đang có nguy cơ tụt hậu so với Đồng bằng sông Hồng (ĐBSH).
Bên cạnh đó, trong giai đoạn 2019-2023, lao động trong khu vực nông, lâm, thủy sản của ĐBSCL chỉ giảm 14%, trong khi ở ĐBSH giảm đáng kể tới 43%. Cũng trong giai đoạn này, năng suất lao động nông nghiệp của ĐBSCL chỉ tăng 51%, còn ở ĐBSH tăng tới 123% nhờ áp dụng công nghệ cao.
Theo thống kê, ĐBSCL có mức thu nhập từ nông nghiệp cao hơn hầu hết các vùng khác, nhưng thu nhập từ công nghiệp và dịch vụ lại thấp nhất cả nước. ĐBSCL có tỷ lệ lao động nông nghiệp cao nhất so các vùng kinh tế còn lại và là khu vực có tỷ lệ lao động qua đào tạo thấp nhất cả nước, thể hiện ở con số có đến 57% lực lượng lao động ở ĐBSCL chỉ hoàn thành tối đa bậc tiểu học.
Bên cạnh đó, biến đổi khí hậu đóng vai trò xúc tác, làm trầm trọng thêm xu hướng này khi gây ra mất mùa, giảm sản lượng nông nghiệp cũng như cơ hội việc làm trong ngành nông nghiệp.
Điều đáng nói là quá trình hiện đại hóa và cơ giới hóa nông nghiệp đang làm giảm nhu cầu lao động, khiến nhiều người lao động rời khỏi khu vực nông nghiệp nhưng lại thiếu cơ hội việc làm ở các ngành phi nông nghiệp. Cơ hội việc làm hạn chế tại địa phương và do mức lương thấp đang khiến ĐBSCL phải đối mặt với làn sóng ly nông và ly hương, đặc biệt là lao động trẻ lên TP. Hồ Chí Minh và Bình Dương, dẫn đến tình trạng suy giảm lực lượng lao động và gia tăng gánh nặng chăm sóc người cao tuổi.
Cũng theo báo cáo kinh tế thường niên đồng bằng sông Cửu Long năm 2024, giai đoạn 2015-2023, đầu tư công vào ĐBSCL tăng gấp đôi so với giai đoạn trước, đồng thời các nguồn lực hỗ trợ từ quốc tế cũng tăng đáng kể, tạo động lực mạnh mẽ cho phát triển vùng so với các giai đoạn trước đó.
Cùng với đó, tổng vốn đầu tư toàn xã hội tăng mạnh đã giúp ĐBSCL đạt tốc độ tăng trưởng khá và duy trì ổn định trong nhiều năm qua. Khu vực công nghiệp tăng trưởng với tốc độ cao hơn bình quân cả nước và cao nhất trong hơn 1 thập niên qua, đã đưa ĐBSCL trở thành trung tâm sản xuất và xuất khẩu nông sản bậc nhất, hằng năm đóng góp gần một nửa trong tổng thặng dư thương mại của quốc gia. Một số doanh nghiệp trong vùng trở thành những tập đoàn lớn của quốc gia, đóng góp đáng kể vào nền kinh tế cả nước.
Tuy nhiên, kinh tế ĐBSCL trong nhiều năm qua vẫn tiếp tục đối mặt với nhiều thách thức và khó khăn: cơ sở hạ tầng còn hạn chế, chậm chuyển đổi cơ cấu, thu hút đầu tư kém, doanh nghiệp chậm phát triển cả về số lượng và năng lực, vùng thiếu cơ hội việc làm cho người lao động, năng suất lao động và sức cạnh tranh còn yếu...