Vùng Đồng bằng sông Cửu Long: Nhiều khó khăn và thách thức cho phát triển bền vững


​Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam vừa tổ chức lễ công bố Báo cáo kinh tế thường niên vùng Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) năm 2023. Đây được xem là nội dung rất quan trọng trong việc đánh giá, phân tích và chỉ ra những thách thức, hạn chế, khó khăn cho vùng đất Chín rồng.

Sản xuất nông nghiệp - thế mạnh kinh tế đặc thù của vùng ĐBSCL. ​Ảnh: K.T
Sản xuất nông nghiệp - thế mạnh kinh tế đặc thù của vùng ĐBSCL. ​Ảnh: K.T

Sẽ mất “dân số vàng”

Trước ảnh hưởng tiêu cực của kinh tế thế giới, khi tăng trưởng kinh tế toàn cầu suy giảm thì với mức tăng trưởng 8%, Việt Nam là một điểm sáng trong bức tranh kinh tế toàn cầu. Tuy nhiên, sự suy giảm sức cầu cả trong và ngoài nước khiến tăng trưởng của Việt Nam giảm so với cùng kỳ.

Hệ quả là dự báo mức tăng trưởng của Việt Nam trong năm 2023 chỉ trên dưới 5%, thấp hơn nhiều so với mục tiêu 6,5% do Quốc hội đề ra. Trong trung hạn, kinh tế Việt Nam được kỳ vọng duy trì mức tăng trưởng ổn định trong khoảng 6 - 7% trong giai đoạn 2024 - 2028.

Tương tự như cả nước, kinh tế vùng ĐBSCL phục hồi mạnh mẽ trong năm 2022 nhưng chậm lại trong năm 2023. Đóng góp cho sự tăng trưởng ấn tượng trong năm 2022 là sự hồi phục mạnh mẽ của khu vực công nghiệp và dịch vụ với mức tăng trưởng đạt 11%. Đồng thời, ngành Nông nghiệp vẫn duy trì được mức tăng trường ổn định so với giai đoạn trước.

Trong những năm trở lại đây, cơ cấu GRDP của vùng ĐBSCL gần như không có sự thay đổi. Sự chuyển dịch từ khu vực I sang khu vực II và III chỉ dao động trong khoảng 1 - 2 điểm phần trăm. Một nguyên nhân quan trọng của tình trạng này là do ĐBSCL phải tiếp tục giữ trọng trách an ninh lương thực nên việc tái phân bổ nguồn lực, đặc biệt là đất lúa, chịu nhiều ràng buộc trong quá trình chuyển đổi. 

Vòng xoáy đi xuống về nguồn nhân lực vẫn đang tiếp diễn ở ĐBSCL. Sau 2 năm trải qua đại dịch với dân số tăng mạnh do lao động hồi hương, đến năm 2022, tình hình dân số vùng ĐBSCL quay về xu hướng trước đó khi người lao động bắt đầu quay trở lại vùng Đông Nam Bộ. Theo Tổng cục

Thống kê, trong năm 2022, dân số của ĐBSCL chỉ tăng khoảng 10.000 người. Tỷ lệ tăng dân số tự nhiên của ĐBSCL (0,55‰) cũng thấp nhất trong số các vùng và thấp hơn hẳn so với mức trung bình của cả nước (9,7‰). Kết hợp với mức độ già hóa dân số cao nhất nước, ĐBSCL sẽ nhanh chóng mất đi trạng thái “dân số vàng” chỉ trong vài năm tới.

Đặc biệt, chất lượng lao động, thể hiện qua tỷ lệ lao động qua đào tạo của ĐBSCL tuy có cải thiện song vẫn luôn là một quan ngại lớn. Sự phân hóa về tỷ lệ hộ nghèo giữa các tỉnh trong vùng là rất lớn.

Nhiều thách thức nghiêm trọng

ĐBSCL đang dần mất đi lợi thế về môi trường kinh doanh (PCI). Sau một thời gian khá dài có mức PCI cao hơn mặt bằng chung thì đến năm 2021, PCI trung bình của ĐBSCL đã giảm xuống bằng mức trung bình cả nước. Nếu không có những nỗ lực cải thiện đúng mức, ĐBSCL vốn đã bất lợi sẽ càng trở nên thất thế trong nỗ lực thu hút đầu tư và phát triển doanh nghiệp.

Tăng trưởng đầu tư của ĐBSCL tuy duy trì được sự ổn định, song vẫn thấp hơn so với cả nước, khiến tỷ trọng đầu tư của vùng so với cả nước giảm từ 18,7% năm 2017 xuống còn 14,9% năm 2022.

Bên cạnh đó, nông nghiệp tuy giữ vai trò quan trọng nhất trong GRDP của vùng, nhưng lại không phải là động lực chính thúc đẩy kinh tế vùng. Ngành này hiện tạo ra 34% GRDP của vùng, được đầu tư lớn thứ 2 (khoảng 32.000 tỷ đồng mỗi năm) nhưng chỉ đạt tốc độ tăng trưởng dưới mức trung vị (3%). Điều này một lần nữa ngụ ý rằng, thể chế và mô hình nông nghiệp hiện tại không còn nhiều không gian tăng trưởng và cần phải được thay đổi một cách cơ bản.

Đáng lo hơn cả là ĐBSCL đang đứng trước nhiều thách thức. ĐBSCL giàu tiềm năng nhưng lại đang tụt hậu so với đà tăng trưởng kinh tế của cả nước. Hai thập niên trước, ĐBSCL còn đóng góp khoảng 16% GDP của cả nước thì đến nay, tỷ trọng này chỉ còn 12%. Mức độ tụt hậu của ĐBSCL so với TP. Hồ Chí Minh còn nghiêm trọng hơn. Nếu như vào năm 2000, GRDP của TP. Hồ Chí Minh chỉ nhỉnh hơn vùng ĐBSCL một chút, thì đến nay GRDP của ĐBSCL chỉ xấp xỉ 3/4 so với TP. Hồ Chí Minh.

Sự tương phản giữa một quá khứ đầy triển vọng và hiện tại kém tươi sáng là ẩn ý đằng sau nhận xét “Đồng bằng đi trước về sau”. Quan trọng hơn, sự tương phản đó cho thấy ĐBSCL đang đứng trước nhiều thách thức nghiêm trọng mà nếu không được giải quyết thỏa đáng sẽ có nguy cơ đẩy vùng đất trù phú và giàu tiềm năng này ra bên lề trên hành trình phát triển của đất nước.

Theo Nguyễn Phương/ Báo Bạc Liêu