Ba yếu tố then chốt ảnh hưởng lớn đến sự phát triển của Đồng bằng sông Cửu Long


Thể chế, quản trị và liên kết vùng là 3 yếu tố then chốt ảnh hưởng lớn đến sự phát triển của Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL). Do vậy, việc tháo gỡ từng mắt xích trong mối liên kết sẽ giúp vực dậy tiềm năng kinh tế - xã hội của vùng.

Các dự án hạ tầng giao thông kết nối liên vùng đang được ráo riết triển khai. Ảnh: Mộng Toàn
Các dự án hạ tầng giao thông kết nối liên vùng đang được ráo riết triển khai. Ảnh: Mộng Toàn

Nhiều vấn đề đặt ra

Phát biểu tại Lễ công bố Báo cáo Kinh tế thường niên ĐBSCL năm 2023 vừa diễn ra mới đây, ông Phạm Tấn Công - Chủ tịch Liên Đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho rằng, vùng ĐBSCL đang được quan tâm đầu tư lớn về hạ tầng để tạo tiền đề cho phát triển dài hạn.

Với tính đồng nhất cao và là khu vực chiến lược quan trọng về an ninh quốc phòng, lương thực và dân sinh, ĐBSCL là vùng đầu tiên cả nước được Chính phủ xây dựng quy hoạch tích hợp chung, là điều kiện quan trọng để xây dựng các định hướng chiến lược phát triển của từng địa phương. ĐBSCL cũng là vùng kinh tế đầu tiên được Chính phủ thành lập Hội đồng Điều phối vùng để triển khai các chương trình phát triển theo các nghị quyết của Trung ương và Chính phủ.

Tuy nhiên, theo Chủ tịch VCCI, trong quá trình thực hiện các chương trình hành động, các địa phương đang gặp phải nhiều trở ngại nhất định như: Chưa thấy được kết nối chặt chẽ với quy hoạch tổng thể vùng, cơ chế quản trị tài nguyên phân mảnh, cơ chế điều phối vùng và giữa các tỉnh thành còn rời rạc, chưa tạo được kết quả như mong đợi…

Tiến sĩ Vũ Thành Tự Anh, Giám đốc Trường chính sách công và quản lý Fulbright, Đại học Fulbright Việt Nam, trưởng nhóm nghiên cứu cho biết, từ các số liệu được thu thập, phân tích, có thể thấy kinh tế ĐBSCL phục hồi mạnh mẽ trong năm 2022 nhưng chậm hẳn lại trong năm 2023.

Sau một thời gian khá dài có mức PCI cao hơn mặt bằng chung thì đến năm 2021, PCI trung bình của ĐBSCL đã giảm xuống bằng mức trung bình cả nước. Đến năm 2022, PCI trung bình ĐBSCL đã thấp hơn so với cả nước. Nếu không có những nỗ lực cải thiện đúng mức, ĐBSCL vốn đã bất lợi sẽ càng trở nên thất thế trong nỗ lực thu hút đầu tư và phát triển doanh nghiệp.

Hai thập niên trước, ĐBSCL còn đóng góp khoảng 16% GDP của cả nước thì đến nay, tỷ trọng này chỉ còn 12%. Mức độ tụt hậu của ĐBSCL so với Thành phố Hồ Chí Minh còn nghiêm trọng hơn. Nếu như vào năm 2000, GRDP của Thành phố Hồ Chí Minh chỉ nhỉnh hơn vùng ĐBSCL một chút thì đến nay GRDP của ĐBSCL chỉ xấp xỉ 3/4 so với Thành phố Hồ Chí Minh.

Nhóm nghiên cứu đã chỉ ra 6 nhóm nguyên nhân liên quan gồm: Điều kiện tự nhiên, công nghệ, vốn nhân lực, kết cấu hạ tầng, môi trường đầu tư - kinh doanh, cơ chế quản trị - hợp tác - liên kết vùng. Đây là những cơ sở để các ngành, địa phương chủ động trong hoạch định chính sách và khai thác, phát huy tốt các lợi thế của vùng ĐBSCL.

Liên kết vùng là chìa khóa

Để tháo gỡ các nút thắt kìm hãm sự phát triển của ĐBSCL, Báo cáo khuyến nghị hướng đến tháo gỡ một trong những mắc xích của 3 vòng xoáy kinh tế - xã hội - môi trường để tạo vòng xoáy đi lên.

“Ba vòng xoáy này xoắn quyện vào nhau chứ không tách biệt làm cho kinh tế ĐBSCL rất khó bứt phá để thoát khỏi thân phận tụt hậu. Tháo gỡ một vài nút thắt cơ bản về thể chế và quản trị sẽ giúp tháo gỡ những nút thắt khác tại ĐBSCL”, Tiến sĩ Vũ Thành Tự Anh nhấn mạnh.

Thể chế, quản trị và liên kết vùng là 3 yếu tố then chốt được các chuyên gia chỉ ra là có ảnh hưởng lớn đến sự phát triển của ĐBSCL trong hiện tại và dài hạn. Liên kết vùng không chỉ là sự hợp tác để tạo lợi thế, khai thác tối đa tiềm lực kinh tế giữa các địa phương trong vùng, giữa ĐBSCL với Thành phố Hồ Chí Minh, mà đó còn là cơ sở để tiến tới thực hiện nhất quán các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước.

Trước đây, nhiều mô hình quản trị và liên kết vùng được thiết lập nhưng hầu như chưa đạt được kết quả như mong đợi. Điều này dẫn đến sự phân tách hay trùng lắp, cạnh tranh lẫn nhau giữa các địa phương để giành lấy lợi ích và thành tích phát triển, đang làm cho ĐBSCL trở nên khó khăn hơn.

Ra mắt trong bối cảnh các tỉnh ĐBSCL vừa hoàn thành quy hoạch cấp tỉnh, cần một cơ chế thực thi, giải quyết các trở ngại trong quá trình triển khai quy hoạch của từng địa phương. Do vậy, các địa phương trong vùng cần cơ chế hợp tác giữa các tỉnh để khai thác các nguồn lực một cách hiệu quả, phát triển kinh tế - xã hội theo đúng hướng quy hoạch tích hợp đã được Thủ tướng phê duyệt. Có như thế, ĐBSCL mới có thể thành “điểm sáng” trong tăng trưởng và phát triển kinh tế - xã hội theo mục tiêu Nghị quyết Đại hội 13 của Đảng đề ra.

“Thể chế hợp tác vùng rất quan trọng với ĐBSCL. Đây là tiền đề để chính quyền các địa phương thực hiện tốt nhiệm vụ giúp doanh nghiệp đầu tư và kinh doanh thuận lợi, để nguồn lực được sử dụng hiệu quả nhất. Cải thiện mạnh mẽ thể chế hợp tác vùng là cơ sở và nền tảng quan trọng để ĐBSCL phát triển nhanh và bền vững trong thời gian tới”, ông Phạm Tấn Công nhấn mạnh.

Theo Mộng Toàn/ Báo Hậu Giang