Đồng bộ các giải pháp triển khai dự toán ngân sách nhà nước 2024
Xác định năm 2024 khó khăn, thách thức nhiều hơn thuận lợi, ngành Tài chính đã đề ra các nhóm giải pháp đồng bộ để tập trung triển khai nhằm tăng cường quản lý thu, phấn đấu hoàn thành dự toán thu ngân sách được giao ở mức cao nhất, góp phần đảm bảo nguồn lực thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội.
Đánh giá từng địa bàn, từng khu vực thu, sắc thuế
2024 là năm bứt phá để hoàn thành Kế hoạch 5 năm 2021 - 2025 trong bối cảnh tình hình kinh tế - xã hội còn nhiều khó khăn. Tình hình thế giới được dự báo tiếp tục diễn biến phức tạp, khó lường; tăng trưởng kinh tế, thương mại, đầu tư toàn cầu tiếp tục xu hướng chậm lại. Trong nước, nền kinh tế tiếp tục chịu "tác động tiêu cực kép" từ những yếu tố bất lợi bên ngoài và những hạn chế, bất cập bên trong; thời cơ, thuận lợi và khó khăn, thách thức đan xen nhưng khó khăn, thách thức nhiều hơn, nhất là trong điều hành kinh tế vĩ mô, vừa phải kiểm soát lạm phát, vừa phải thúc đẩy tăng trưởng.
Trong bối cảnh trên, để hoàn thành dự toán thu ngân sách nhà nước 1.700.988 tỷ đồng được giao năm 2024, Bộ Tài chính tập trung triển khai có hiệu quả các nhóm nhiệm vụ, giải pháp đồng bộ. Trong đó, Bộ Tài chính chỉ đạo cơ quan thuế và cơ quan hải quan các cấp triển khai quyết liệt, đồng bộ các giải pháp quản lý thu; thực hiện nghiêm kỷ luật, kỷ cương trong chỉ đạo, điều hành, quản lý thu ngân sách; Phát động các phong trào thi đua phấn đấu hoàn thành vượt mức dự toán thu ngân sách nhà nước được giao.
Bộ Tài chính sẽ rà soát, triển khai giao chỉ tiêu phấn đấu tăng thu cho các cục Thuế, cục Hải quan phù hợp với thực tế tại các địa bàn, đảm bảo thu ngân sách tăng so với dự toán pháp lệnh đã được Quốc hội giao, làm cơ sở để cơ quan thuế, cơ quan hải quan các cấp triển khai thực hiện quyết liệt các giải pháp công tác quản lý thuế ngay từ đầu năm, phấn đấu hoàn thành dự toán thu được giao ở mức cao nhất.
Cùng với đó, Bộ Tài chính yêu cầu các đơn vị theo dõi chặt chẽ tiến độ thu, đánh giá, phân tích cụ thể từng địa bàn, từng khu vực thu, sắc thuế để có phương án chỉ đạo, điều hành thu kịp thời, dự báo thu hàng tháng, quý sát đúng với thực tế phát sinh. Rà soát, xác định chính xác những nguồn thu còn tiềm năng, các lĩnh vực, loại thuế còn thất thu để kịp thời đề xuất các giải pháp về chính sách và quản lý thu hiệu quả, kiến nghị với UBND các tỉnh, thành phố tiếp tục duy trì và tăng cường hoạt động của Ban Chỉ đạo chống thất thu, thu hồi nợ đọng thuế, chỉ đạo các ngành, các cấp ở địa phương phối hợp chặt chẽ với cơ quan thuế trong công tác quản lý thu, chống thất thu ngân sách.
Nhóm các giải pháp về tuyên truyền, hỗ trợ người nộp thuế cũng sẽ được ngành Tài chính tiếp tục đẩy mạnh. Trong đó, đăng tải kịp thời trên các phương tiện thông tin đại chúng, trang thông tin điện tử của cơ quan thuế các cấp nội dung sửa đổi trong các chính sách thuế mới, các quy trình nghiệp vụ quản lý thuế, thủ tục hành chính thuế để người nộp thuế nắm bắt đầy đủ về chính sách thuế, thủ tục hành chính thuế và giám sát việc thực thi pháp luật của công chức thuế.
Đồng thời, tiếp tục triển khai hiệu quả công tác hỗ trợ trên Hệ thống 479 kênh thông tin hỗ trợ người nộp thuế; Nâng cao chất lượng và hiệu quả công tác đối thoại với doanh nghiệp; Tăng cường tổ chức các buổi hỗ trợ trực tuyến qua website của cơ quan thuế và cơ quan hải quan.
Tăng cường quản lý, chống thất thu thuế
Cùng với thực hiện thu ngân sách, Bộ Tài chính cũng chỉ đạo toàn Ngành chú trọng chống thất thu. Đối với quản lý kê khai, hoàn thuế giá trị gia tăng, tiếp tục nâng cao chất lượng dịch vụ kê khai, nộp thuế, hoàn thuế điện tử, hóa đơn điện tử; triển khai thu nộp thuế theo mã định danh khoản phải nộp và mã tham chiếu, đảm bảo số nộp quản lý trên TMS được cập nhật kịp thời.
Cùng với đó, tăng cường quản lý hoàn thuế để đẩy nhanh tiến độ xử lý hồ sơ hoàn thuế giá trị gia tăng nhưng vẫn phải kiểm soát chặt chẽ việc hoàn thuế, đảm bảo đúng đối tượng, đúng chính sách pháp luật; phát hiện kịp thời và xử lý nghiêm những trường hợp lợi dụng chính sách để gian lận, chiếm dụng tiền hoàn thuế.
Để tăng cường quản lý, chống thất thu thuế hiệu quả, Bộ Tài chính yêu cầu các đơn vị triển khai công tác thanh tra, kiểm tra theo kế hoạch đã được phê duyệt, tập trung thực hiện thanh tra, kiểm tra các ngành, lĩnh vực, doanh nghiệp có rủi ro cao về thuế, có dư địa thu lớn; doanh nghiệp có giao dịch liên kết, doanh nghiệp thương mại điện tử, bất động sản, doanh nghiệp kinh doanh dựa trên nền tảng số của các nhà cung cấp nước ngoài không có cơ sở kinh doanh cố định tại Việt Nam.
Song song với đó, tăng cường thanh tra, kiểm tra, giám sát việc phát hành, sử dụng hóa đơn điện tử, phối hợp với cơ quan công an, các bộ, ngành liên quan để phát hiện kịp thời các hành vi vi phạm pháp luật, xử lý nghiêm theo quy định. Đưa vào sử dụng Hệ thống phân tích cơ sở dữ liệu và quản lý hóa đơn điện tử nhằm ngăn chặn tình trạng gian lận hóa đơn.
Trong chống buôn lậu và gian lận thương mại, áp dụng đồng bộ các biện pháp nghiệp vụ kiểm soát hải quan, tăng cường kiểm tra, kiểm soát chặt chẽ tại các tuyến, địa bàn, mặt hàng trọng điểm. Trong đó, tập trung trọng tâm vào các loại mặt hàng cấm, hàng có giá trị lớn, thuế suất cao, hàng xuất nhập khẩu có điều kiện... Tăng cường thu thập xử lý thông tin nghiệp vụ hải quan để xác định dấu hiệu vi phạm, phương thức thủ đoạn gian lận trong hoạt động xuất nhập khẩu.
Ngành Hải quan tăng cường chống thất thu qua công tác giám sát kiểm tra thực hiện thủ tục hải quan, kiểm tra sau thông quan, thanh tra chuyên ngành, đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại; tập trung kiểm tra chống gian lận về số lượng, trị giá, mã số, xuất xứ, nhãn hiệu hàng hóa... Đồng thời, nghiên cứu đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác nghiệp vụ kiểm tra giám sát thông qua việc đẩy mạnh việc thực hiện các thủ tục hành chính trên Cổng dịch vụ công trực tuyến.
Để đảm bảo thu đúng, thu đủ vào ngân sách, ngành Tài chính cũng tập trung quản lý nợ, thu hồi nợ thuế. Ngoài các giải pháp như chuẩn hóa, phân loại nợ, thực hiện các biện pháp xử lý, thu nợ thuế theo quy định, Bộ Tài chính chỉ đạo cơ quan thuế và cơ quan hải quan các cấp xây dựng, giao chỉ tiêu thu nợ thuế năm 2024, hàng tháng, quý kiểm tra, giám sát tiến độ thực hiện, đảm bảo đến cuối năm hoàn thành chỉ tiêu thu nợ được giao.
Theo đó, tổ chức rà soát, phân loại nợ, phân tích nguyên nhân nợ của từng đối tượng nợ thuế, trên cơ sở đó áp dụng biện pháp thu nợ phù hợp với từng đối tượng và thực hiện các biện pháp cưỡng chế theo quy định để thu hồi tiền thuế nợ vào ngân sách nhà nước. Đồng thời, tiếp tục phối hợp chặt chẽ với cấp ủy, chính quyền địa phương, các bộ, ngành liên quan trong thu hồi nợ đọng thuế, đặc biệt là xử lý thu hồi các khoản nợ đọng liên quan đến đất đai, tiền cấp quyền khai thác khoáng sản...
Ngoài ra, ngành Tài chính cũng đẩy mạnh cải cách hành chính, hiện đại hóa công tác quản lý thuế; xây dựng, hoàn thiện chính sách, pháp luật trong năm 2024 để tiếp tục hỗ trợ người dân, doanh nghiệp. Trước mắt, thực hiện hiệu quả chính sách giảm 2% thuế suất thuế giá trị gia tăng như đã áp dụng năm 2023 đối với một số nhóm hàng hóa, dịch vụ đang áp dụng mức thuế suất thuế giá trị gia tăng 10%; giảm mức thuế bảo vệ môi trường đối với xăng, dầu, mỡ nhờn như đã áp dụng của năm 2023; phối hợp với các cơ quan liên quan tiếp tục rà soát mức thuế suất thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu để hỗ trợ sản xuất, kinh doanh trong nước...
Về lâu dài, Bộ Tài chính đã và đang nghiên cứu, tham mưu với các cấp có thẩm quyền nhằm hoàn thiện đồng bộ hệ thống chính sách thuế phù hợp với các tiêu chuẩn của hệ thống thuế tốt theo thông lệ quốc tế, đáp 5 ứng yêu cầu về nguồn lực để thực hiện Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2021-2030, hướng tới một hệ thống thuế đồng bộ, có cơ cấu bền vững, bảo đảm huy động hợp lý các nguồn lực cho ngân sách nhà nước, đồng thời, góp phần tạo môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi, công bằng, đảm bảo tính bền vững của nền kinh tế.