Động lực cải thiện môi trường kinh doanh
Môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi sẽ giúp các doanh nghiệp hoạt động ổn định và phát triển, thu hút nhiều nhà đầu tư mới gia nhập thị trường, tạo thêm việc làm, đóng góp cho sự phát triển kinh tế-xã hội của đất nước cũng như nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia.
Vì vậy, từ năm 2014 đến nay, Chính phủ xác định cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia là một trong những trọng tâm chính sách kinh tế.
Điều này thể hiện rõ qua việc Chính phủ liên tục ban hành Nghị quyết số 19/NQ-CP (giai đoạn năm 2014-2018) và Nghị quyết số 02/NQ-CP (giai đoạn 2019-2022) và mới đây nhất là Nghị quyết số 01/NQ-CP 2023, yêu cầu các bộ, ngành, chính quyền địa phương tiến hành nhiều nhiệm vụ, giải pháp nhằm tạo môi trường kinh doanh thuận lợi cho doanh nghiệp.
Theo Báo cáo Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh PCI năm 2021 được Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) công bố trong năm 2022, những nỗ lực cải cách của Chính phủ thời gian qua đã đem lại nhiều thay đổi tích cực đến chất lượng môi trường kinh doanh tại Việt Nam qua cảm nhận của cộng đồng doanh nghiệp.
Giai đoạn 2017-2021, lĩnh vực “thành lập doanh nghiệp” được 76,8% doanh nghiệp đánh giá tích cực và có sự cải thiện lớn nhất trong thời gian qua; tỷ lệ doanh nghiệp phải trả chi phí không chính thức năm 2021 giảm xuống mức 41,4%, so với mức 44,9% năm 2020 và là mức thấp nhất trong vòng 16 năm qua (năm 2006 là 70%).
Hiệu quả giải quyết thủ tục hành chính cũng ngày càng được cải thiện khi có 87% số doanh nghiệp đồng ý với nhận định “cán bộ giải quyết công việc hiệu quả”; 83% số doanh nghiệp cho rằng “cán bộ thân thiện”; 75% số doanh nghiệp đồng tình với nhận định “doanh nghiệp không phải đi lại nhiều lần để hoàn tất thủ tục”.
Bên cạnh đó, số quy định, điều kiện kinh doanh cũng được cắt giảm đáng kể, riêng năm 2022 đã cắt giảm, đơn giản hóa 1.041 quy định kinh doanh tại 101 văn bản; gần 4.400/6.502 thủ tục hành chính cung cấp dịch vụ công trực tuyến, đạt hơn 67%,…
Song, theo đánh giá của nhiều chuyên gia kinh tế, xu hướng cải cách về môi trường đầu tư kinh doanh vẫn còn nặng tính hình thức, tình trạng “cài cắm” điều kiện kinh doanh trong các thông tư do cấp bộ ban hành vẫn còn nhiều,...
Việc cắt giảm danh mục điều kiện kinh doanh là có, nhưng chủ yếu dưới hình thức gộp tên ngành nghề hoặc sử dụng tên ngành nghề có phạm vi điều chỉnh rộng hơn, để rút gọn về số lượng. Thủ tục về đất đai còn rất khó khăn, có nhiều sự mâu thuẫn, chồng chéo về quy định pháp luật trong các lĩnh vực khiến môi trường kinh doanh vẫn còn những khoảng trống chưa được lấp đầy, làm hạn chế quyền tự do kinh doanh của doanh nghiệp.
Chính vì vậy, để “giữ lửa” cho đà cải cách, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, tiếp tục duy trì tốc độ tăng trưởng GDP nhanh hơn, bền vững hơn, yếu tố quan trọng nhất là phải luôn tạo thuận lợi cho doanh nghiệp nhằm nâng cao hơn nữa năng lực cạnh tranh, tận dụng cơ hội tăng trưởng kinh tế, thu hút đầu tư hậu COVID-19.
Để làm được điều này, các bộ, ngành chức năng cần chú trọng đơn giản hóa, tạo minh bạch về thủ tục hành chính, duy trì sự ổn định của chính sách; khắc phục bất cập do mâu thuẫn, chồng chéo trong quy định pháp luật; thực hiện hiệu quả các hoạt động đối thoại với doanh nghiệp.
Trong đó, bám sát chỉ số về môi trường đầu tư kinh doanh của Việt Nam do các tổ chức quốc tế uy tín đánh giá để nhận diện khoảng cách, vấn đề và tạo áp lực, động lực cải thiện.
Đồng thời, phải huy động được sự chung tay tham gia của cộng đồng doanh nghiệp vào xây dựng chính sách nhằm tạo “luồng gió” mới cùng sự đồng thuận khi đưa chính sách vào thực thi. Đây được coi là động lực mới và “chìa khóa” nhằm tạo đột phá cho môi trường kinh doanh trong năm 2023 và những năm tới.