Động lực giảm lãi suất cho vay
Ngân hàng Nhà nước đã điều hành giữ lượng thanh khoản VND dư thừa, cho phép lãi suất thị trường liên ngân hàng thấp để tạo thuận lợi cho các tổ chức tín dụng có điều kiện cân đối nguồn vốn, giảm tối đa việc tăng lãi suất huy động thị trường để mở ra cơ hội giảm lãi suất cho vay.
Khi bốn ngân hàng thương mại (NHTM) lớn là BIDV, Vietcombank, VietinBank và Agribank giảm lãi suất huy động VND vào cuối tháng 9 ở các kỳ hạn dưới 1 năm, mức giảm từ 0,3-0,5%/năm đã kéo theo một số ngân hàng thương mại cổ phần (NHTMCP) khác vào dòng chảy giảm lãi suất.
Động thái đó đã mang đến kỳ vọng rất lớn cho thị trường tiền tệ về khả năng lãi suất cho vay được điều chỉnh tiếp. Thực tế đến nay, sau vài tuần điều chỉnh giảm lãi suất huy động thì hàng loạt nhà băng đã công bố giảm lãi suất cho vay.
Tất nhiên, việc điều chỉnh giảm lãi suất ở một số ngân hàng vừa qua có phần bất ngờ, bởi thông thường rất hiếm khi lãi suất giảm về cuối năm, bất kể là huy động hay cho vay.
Bởi ngay từ đầu năm 2016, Phó Thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng từng nhìn nhận việc giữ ổn định mặt bằng lãi suất cũng như phấn đấu giảm lãi suất cho vay là rất khó khăn, nhất là khi cầu trong nước đã bắt đầu tăng trở lại, đồng nghĩa với việc tín dụng gia tăng gây áp lực cho lãi suất. Tuy nhiên, tình hình trên thực tế đã có những điều chỉnh khá nhanh.
Nếu nhìn vào những động thái điều hành của NHNN thời gian qua thì có thể thấy việc giảm mặt bằng lãi suất của hệ thống ngân hàng đã được chuẩn bị trước đó, với những động lực, động cơ rõ ràng.
NHNN đã điều hành giữ lượng thanh khoản VND dư thừa, cho phép lãi suất thị trường liên ngân hàng thấp để tạo thuận lợi cho các TCTD có điều kiện cân đối nguồn vốn, giảm tối đa việc tăng lãi suất huy động thị trường 1 (tổ chức và dân cư), để mở ra cơ hội giảm lãi suất cho vay. Có thể xem đây như một giải pháp hiệu quả về mặt điều hành để đến nay lãi suất cho vay ở khá nhiều ngân hàng đã giảm trong mấy ngày qua.
Động thái mới về lãi suất cho vay trên thực tế là phù hợp với tình hình hiện nay. Khi chúng ta đang hướng tới điều hành nền kinh tế theo cơ chế thị trường thì trước mắt lãi suất cho vay giảm sẽ kích thích nhu cầu vay vốn sản xuất, kinh doanh hỗ trợ tăng trưởng kinh tế. Điều này cũng sẽ tác động ngược lại để giúp các NHTM gia tăng lợi nhuận, xử lý được nợ xấu…
Riêng từ phía quan điểm của các ngân hàng, việc điều hành lãi suất tăng hay giảm là rất bình thường, tùy từng ngân hàng và theo cung cầu vốn và nhu cầu vay vốn ngân hàng ở từng thời điểm, bản thân các ngân hàng cũng sử dụng công cụ lãi suất để cạnh tranh thu hút khách hàng một cách lành mạnh, tạo dựng thương hiệu của mỗi nhà băng. Nên có thể nói rằng việc giảm lãi suất cho vay đã được cân nhắc phù hợp.
Tất nhiên, việc điều chỉnh giảm lãi suất lần này của hệ thống ngân hàng được thực hiện ráo riết còn do kỳ vọng vào nền kinh tế có thể khởi sắc trong thời gian tới. Nhất là sau khi Bộ Kế hoạch và Đầu tư công bố các chỉ số về kinh tế như chỉ số giá tiêu dùng (CPI) vẫn ở mức thấp và tăng trưởng kinh tế khởi sắc trong quý III vừa qua; Chính phủ có chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương nỗ lực để hoàn thành các chỉ tiêu kinh tế, trong đó tăng trưởng GDP phấn đấu đạt mức từ 6,3-6,5%...
Niềm tin về sự ổn định kinh tế vĩ mô của đất nước cũng là một động lực khác để các ngân hàng yên tâm hoạt động. Theo Nghị quyết phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 9/2016 vừa được ban hành, Chính phủ tiếp tục yêu cầu: Phối hợp chặt chẽ giữa chính sách tiền tệ và tài khóa để ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát; Điều hành lãi suất phù hợp với diễn biến kinh tế vĩ mô, tiền tệ để ổn định mặt bằng lãi suất, phấn đấu giảm lãi suất cho vay...
Từ niềm tin được củng cố, từ kỳ vọng vào nền kinh tế phục hồi, với hiệu ứng chính sách tiền tệ, và với điều kiện tự thân, các ngân hàng đang cho thấy việc điều chỉnh lãi suất lần này là một khởi đầu tích cực.
Vòng quay hiệu ứng của lãi suất giảm sẽ còn tiếp diễn, không những tác động đến tăng trưởng kinh tế của giai đoạn nước rút cuối năm này, mà còn tạo đà cho năm 2017.