Thị trường thiết lập mặt bằng lãi suất mới
Hạ lãi suất là cơ hội để ngân hàng thu hút khách hàng tốt trong dài hạn, đồng thời giúp doanh nghiệp (DN) giảm chi phí, phát triển sản xuất kinh doanh.
Nhập cuộc giảm lãi suất
Sau Vietcombank, LienVietPostBank, BIDV cũng vừa công bố giảm mạnh lãi suất cho vay (từ 1-1,5%/năm so với trước đây). Đối tượng được hưởng ưu đãi thuộc 5 lĩnh vực ưu tiên; các DN khởi nghiệp, hoạt động trong lĩnh vực môi trường; DN có quan hệ tín dụng thường xuyên từ 3 năm trở lên và có năng lực tài chính, vốn tự có tham gia phương án sản xuất kinh doanh…
Động thái cắt giảm mạnh lãi suất cho vay nêu trên của một số ngân hnagf thương mại (NHTM) không chỉ xóa bỏ tâm lý nghi ngại về việc khó có thể giảm được lãi suất dịp cuối năm, mà thậm chí còn cho thấy lãi suất có thể giảm rất mạnh, hơn cả kỳ vọng của thị trường. Dẫn đầu về mức giảm lãi suất, LienVietPostBank là NHTM đầu tiên cắt giảm lãi suất tới 1,5%/năm, tập trung cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa, khách hàng thuộc khu vực nông nghiệp, nông thôn…
TS. Nguyễn Đức Hưởng, Phó chủ tịch Thường trực hội đồng quản trị LienVietPostBank chia sẻ, có 4 “động lực” để ngân hàng mạnh tay giảm lãi suất, đó là: nguồn lực tài chính với vốn rẻ dồi dào; chiến lược thu hút khách hàng tại thời điểm này; bám sát tín hiệu thị trường và thực hiện nghiêm túc sự chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Thống đốc ngân hàng Nhà nước (NHNN) Việt Nam về việc góp phần kiềm chế lạm phát, tỷ giá thông qua công cụ lãi suất; đồng thời hỗ trợ sản xuất kinh doanh phát triển. “Hạ lãi suất là cơ hội để ngân hàng thu hút khách hàng tốt trong dài hạn, đồng thời giúp DN giảm chi phí, phát triển sản xuất kinh doanh. Theo đó, cả ngân hàng và nền kinh tế đều có lợi”, TS. Nguyễn Đức Hưởng nói.
Về lý thuyết, lãi suất đầu vào giảm, ngân hàng có cơ sở để giảm lãi suất đầu ra. Tuy nhiên trong bối cảnh hiện nay, các ngân hàng đang rất linh hoạt trong chiến lược kinh doanh của mình. HDBank là một điển hình, khi ngân hàng này không công bố hạ lãi suất huy động nhưng giảm tới 1%/năm lãi suất cho vay với tất cả các lĩnh vực.
Trao đổi với Thời báo Ngân hàng, TS. Lê Thành Trung - Phó Tổng Giám đốc HDBank cho biết, cấu thành giá vốn phụ thuộc nhiều chi phí khác ngoài lãi suất huy động, đặc biệt liên quan đến vận hành, quản trị. HDBank đang thực hiện theo chiến lược nâng cao hiệu quả hệ thống quản trị điều hành, đảm bảo hoạt động kinh doanh cạnh tranh nhất trên thị trường. “Ngân hàng đi theo hướng hiệu quả hoạt động cao. Với mô hình quản trị như vậy, chúng tôi đã tiết giảm chi phí hoạt động, và cùng với việc kiểm soát nợ xấu thấp… đã tạo điều kiện để ngân hàng giảm lãi suất đầu ra mà không cần phải hạ lãi suất đầu vào”, TS. Trung cho hay.
Thanh khoản dồi dào, cạnh tranh thu hút khách hàng là những động lực để kéo các ngân hàng vào cuộc giảm lãi suất. TS. Nguyễn Đức Hưởng tiết lộ, nhờ phát huy tốt mạng lưới tiết kiệm bưu điện và đầu mối chi trả bảo hiểm xã hội đến tận xã, phường, trong 9 tháng đầu năm ngân hàng này đã thu hút được nguồn vốn lớn từ dân cư, DN. Với nguồn vốn dồi dào, việc ngân hàng duy trì mặt bằng lãi suất cho vay thấp ít nhất từ nay đến cuối năm là hoàn toàn khả thi.
Những động thái trên đang phát đi tín hiệu tích cực đối với các DN. Tổng giám đốc một DN kinh doanh xuất nhập khẩu bày tỏ, với động thái giảm lãi suất của cả NHTM Nhà nước lẫn NHTM cổ phần tại thời điểm cuối năm này sẽ là động lực rất lớn để thúc đẩy DN mạnh dạn mở rộng sản xuất kinh doanh. Vì thế, DN này đã nhanh chóng điều chỉnh kế hoạch để chớp thời cơ…
Lãi suất thiết lập mặt bằng mới?
Đợt giảm lãi suất lần này, theo TS. Nguyễn Đức Hưởng, sẽ tạo một mặt bằng lãi suất mới cho thị trường. Và đó cũng là quan điểm của TS. Lê Thành Trung, ông cho rằng đang có nhiều yếu tố ủng hộ các ngân hàng giảm lãi suất.
Xét góc độ vĩ mô, khả năng lạm phát giữ ở mức ổn định có tác động tích cực đến mặt bằng lãi suất. Trong khi đó, NHNN cũng đang điều hành rất “nhịp nhàng” thông qua tạo mặt bằng lãi suất liên ngân hàng ở mức thấp. Thanh khoản ngân hàng lại đang dồi dào… Đây là những điều kiện rất tốt để các ngân hàng giữ được mặt bằng lãi suất ổn định hoặc giảm lãi suất.
Tất nhiên, không thể đòi hỏi ngân hàng nào cũng phải thực hiện được việc giảm lãi suất mà từng tổ chức tín dụng đều phải phải liệu cơm gắp mắm. Đơn cử các ngân hàng nhỏ vẫn đang đứng trước áp lực phải chuẩn bị nguồn vốn trung, dài hạn để đáp ứng các tiêu chuẩn mới của Thông tư 06. Hay những ngân hàng có nhiều nợ xấu bán cho VAMC mà tốc độ xử lý vẫn còn chậm thì rất khó giảm lãi suất…
Tuy nhiên, cũng có ý kiến bình luận việc giảm lãi suất cho vay lần này chủ yếu ở các kỳ hạn ngắn, không có nhiều tác động đến DN. Vì các DN cần vốn trung dài hạn nhiều hơn để họ đầu tư vào dự án sản xuất kinh doanh mới.
Theo nhận định của chuyên gia, khó có thể đòi hỏi giảm lãi suất trên diện rộng tại tất cả các kỳ hạn. Nhất là diễn biến lãi suất dài hạn khó dự báo vì chịu tác động rất mạnh từ thị trường thế giới. Các vấn đề nội tại của nền kinh tế chưa ổn định vững vàng, 90% DN Việt Nam là doanh nghiệp nhỏ và vừa với năng lực tài chính còn hạn chế… “Dù Chính phủ rất muốn ngân hàng giảm thêm lãi suất để hỗ trợ DN, nhưng chúng ta phải tôn trọng quy luật thị trường…”, TS. Nguyễn Trí Hiếu nêu quan điểm.
Đồng tình với quan điểm lãi suất phụ thuộc vào diễn biến của nền kinh tế cũng như theo quy luật thị trường, nhưng theo góc nhìn của TS. Nguyễn Đức Hưởng, việc các ngân hàng giảm lãi suất lần này còn cho thấy sự đồng thuận trong hệ thống giữa các NHTM ngày càng cao, cùng hướng đến đích lớn hơn là duy trì ổn định chính sách tiền tệ, hỗ trợ tăng trưởng kinh tế mà không cần đến can thiệp mệnh lệnh hành chính. Qua đó ông Hưởng cho rằng, để chính sách thực thi tốt hơn cũng như thị trường vận hành trơn tru hơn, cần có sự đồng thuận từ các thành viên thị trường.