TP. Cần Thơ:

Động lực mới để nâng cao năng suất, sức cạnh tranh của nền kinh tế

Theo Mỹ Thanh/ Báo Cần Thơ

Thời gian qua, TP. Cần Thơ đẩy mạnh phát triển, ứng dụng khoa học và công nghệ (KH&CN), làm cho KH&CN thực sự trở thành động lực phát triển sản xuất, nâng cao năng suất, chất lượng và sức cạnh tranh của nền kinh tế. Với sự bùng nổ của công nghệ 4.0, sức ép từ dịch COVID-19, hội nhập kinh tế quốc tế… đòi hỏi ngành KH&CN TP. Cần Thơ phải có bước chuyển mình phù hợp, tạo động lực mới cho sự phát triển kinh tế - xã hội.

Hoạt động nghiên cứu tại Công ty TNHH MTV Sinh hóa Phù Sa. Ảnh: Mỹ Thanh
Hoạt động nghiên cứu tại Công ty TNHH MTV Sinh hóa Phù Sa. Ảnh: Mỹ Thanh

Đầu tư

Giai đoạn 2016 - 2021, TP. Cần Thơ đầu tư từ ngân sách nhà nước cho KH&CN đạt trên 379 tỉ đồng, đạt tỷ lệ 1% trên tổng chi ngân sách thành phố, tương đương tỷ lệ đầu tư cho giai đoạn 2011 - 2015. Bên cạnh đó, thành phố đang triển khai thủ tục lập quy hoạch và xây dựng Khu Công nghệ cao Cần Thơ và 3 khu nông nghiệp công nghệ cao cùng với việc đẩy mạnh xúc tiến, mời gọi các nhà đầu tư.

Ðặc biệt, trong tháng 6/2021, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 895/QÐ-TTg ngày “Về việc thành lập Khu Công nghệ thông tin tập trung TP. Cần Thơ” tại phường Hưng Thạnh, quận Cái Răng… Trên địa bàn thành phố hiện có 63 đơn vị có hoạt động KH&CN, chủ trì thực hiện 1.026 nhiệm vụ KH&CN các cấp; số lượng cán bộ nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ là 5.083 người.

Ông Phạm Minh Quốc, Giám đốc Vườn ươm Công nghệ Công nghiệp Việt Nam - Hàn Quốc (KVIP), cho biết: KVIP chính thức đi vào hoạt động từ tháng 11/2015, với cơ sở vật chất đồng bộ và hiện đại gồm tòa nhà văn phòng (35 phòng làm việc, 4 phòng họp, 1 hội trường…), tòa nhà thí nghiệm và xưởng thực nghiệm (cơ khí, nông sản, thủy sản). KVIP đảm nhiệm chức năng: nghiên cứu phát triển; khởi nghiệp; chuyển giao công nghệ; huấn luyện, đào tạo; cầu nối liên kết (doanh nghiệp và nhà khoa học) không chỉ trong phạm vi TP. Cần Thơ mà còn bao phủ các địa phương trong vùng ÐBSCL.

Tham gia nghiên cứu, ươm tạo tại KVIP, doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân được miễn thuế nhập khẩu đối với trang thiết bị ươm tạo trong nước chưa sản xuất được; hỗ trợ 4 triệu đồng/người/năm đối với cán bộ và công nhân của DN ươm tạo; miễn phí văn phòng làm việc, giảm 50% chi phí thuê thiết bị phục vụ nghiên cứu, thử nghiệm…

Ông Ngô Anh Tín - Giám đốc Sở KH&CN TP. Cần Thơ, đánh giá: Trong 5 năm qua, hoạt động nghiên cứu KH&CN được triển khai đồng bộ trên tất cả các lĩnh vực, đáp ứng yêu cầu CNH, HÐH và hội nhập quốc tế. Nhiều kết quả nghiên cứu KH&CN đã được triển khai ngay sau khi được hội đồng khoa học nghiệm thu, phục vụ có hiệu quả cho sản xuất và đời sống. Bên cạnh đó, thị trường KH&CN của thành phố có sự chuyển biến tích cực, bước đầu hình thành sàn giao dịch công nghệ ảo, qua đó các hoạt động giao dịch mua bán công nghệ thiết bị của các tổ chức, cá nhân và doanh nghiệp được thuận tiện. Hoạt động hợp tác, liên kết trong nước và quốc tế được tăng cường; đội ngũ chuyên gia, nhà khoa học của các viện, trường trên địa bàn thành phố thường xuyên gắn kết, hợp tác với các cơ quan, đơn vị của thành phố trong tư vấn, phản biện, nghiên cứu khoa học, góp phần tích cực cho phát triển KH&CN của Cần Thơ nói riêng và vùng ÐBSCL nói chung.

Nỗ lực tạo đột phá

Mặc dù đạt được nhiều kết quả đáng ghi nhận, việc đưa KH&CN vào hoạt động của từng ngành, lĩnh vực cũng như ứng dụng KH&CN trong sản xuất kinh doanh của nhiều doanh nghiệp đạt hiệu quả chưa cao. Bên cạnh đó, tiến độ triển khai các đề án thành lập khu công nghệ cao, khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, sàn giao dịch công nghệ Cần Thơ còn chậm; đầu tư, nâng cao năng lực chuyên sâu cho các đơn vị sự nghiệp KH&CN còn hạn chế chưa đáp ứng yêu cầu phát triển thành phố và thực hiện vai trò đầu mối trung tâm KH&CN của vùng ÐBSCL.

Hiện nay, chính sách hỗ trợ cho doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân trong đổi mới công nghệ, bảo hộ và phát triển tài sản trí tuệ… bước đầu đã phát huy được hiệu quả nhưng nguồn vốn hỗ trợ còn hạn chế, một số doanh nghiệp gặp khó khăn trong nguồn vốn đối ứng để tham gia các chương trình.

Theo ông Phạm Minh Quốc, mặc dù có nhiều hỗ trợ, tuy nhiên, KVIP vẫn chưa thu hút được nhiều DN, đơn vị tham gia do chính sách cho DN ươm tạo chưa sát với thực tế. Ðơn cử, nhu cầu ươm tạo, hỗ trợ cho DN, đặc biệt là DN khởi nghiệp trong lĩnh vực công nghệ thông tin, công nghệ 4.0 rất cao nhưng lại không nằm trong diện được ưu tiên ươm tạo tại KVIP. Vì vậy, ông Phạm Minh Quốc đề xuất các cơ chế, chính sách cần được bổ sung; mở rộng lĩnh vực ươm tạo của vườn ươm. Ngoài ra, KVIP tiếp tục liên kết chặt chẽ hơn nữa với các viện, trường để chia sẻ ý tưởng, nguồn nhân lực và trang thiết bị phục vụ việc ươm tạo, hỗ trợ hoạt động khởi nghiệp của thành phố và vùng ÐBSCL.

Nhiều ý kiến cho rằng, TP. Cần Thơ cần tập trung hoàn thiện thể chế phát triển, ứng dụng KH&CN trong nền kinh tế thị trường; tăng cường đầu tư nâng cao tiềm lực KH&CN của thành phố với sự gia tăng vai trò của khu vực doanh nghiệp. Theo ông Trần Thế Như Hiệp - Phó Tổng Giám đốc Công ty TNHH Công nghệ NHONHO, Nhà nước cần tăng cường nguồn lực đầu tư cho KH&CN, hiện nay tình hình chung nguồn tài chính cho KH&CN theo chủ trương “ngân sách nhà nước duy trì mức 2% tổng chi hằng năm” còn khá thấp.

Hơn nữa, để thúc đẩy ứng dụng KH&CN trong doanh nghiệp, ngành KH&CN cần thành lập các hội đồng thẩm định và công nhận các sản phẩm có hàm lượng KH&CN cao do doanh nghiệp nghiên cứu, chế tạo. Ðể giúp doanh nghiệp theo kịp cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, thành phố cần thường xuyên phổ biến thông tin, giới thiệu công nghệ mới, kết nối cung - cầu công nghệ, chuyển giao công nghệ để các bên có điều kiện kết nối, hợp tác cùng phát triển…

Ông Ngô Anh Tín khẳng định: Ngành KH&CN sẽ phối hợp chặt chẽ với Bộ KH&CN, các chuyên gia đầu ngành tiếp tục tham mưu cho thành phố có chính sách ưu tiên đầu tư phát triển nguồn nhân lực trình độ cao về nông nghiệp cho các viện nghiên cứu khoa học, trường đại học và các đơn vị khoa học của thành phố. Ðồng thời, thu hút, kêu gọi các doanh nghiệp lớn, các tổ chức quốc tế đầu tư hoặc tham gia đầu tư, tài trợ xây dựng các viện, trung tâm nghiên cứu nông nghiệp tầm quốc gia, khu vực tại TP. Cần Thơ.

Song song đó, TP. Cần Thơ mở rộng hoạt động hợp tác, liên kết giữa Cần Thơ với các địa phương trong vùng; đẩy mạnh các giải pháp kết nối cung cầu thị trường KH&CN thông qua các chương trình phát triển các sàn giao dịch, các tổ chức KH&CN trung gian nhằm kết nối sản phẩm của các viện nghiên cứu với nhu cầu của doanh nghiệp, của người nông dân vùng ÐBSCL…

Sau 5 năm triển khai Nghị quyết 02, TP. Cần Thơ có 3/5 mục tiêu cụ thể và 7 nhiệm vụ, giải pháp phát triển, ứng dụng KH&CN theo Nghị quyết số 02 được triển khai thực hiện có hiệu quả và vượt chỉ tiêu đề ra; 2/5 chỉ tiêu đạt từ 70% trở lên. Theo đó, giá trị sản phẩm công nghệ cao và sản phẩm ứng dụng công nghệ cao đạt 31,6% tổng giá trị GRDP, đạt 70,2% so với chỉ tiêu; tốc độ đổi mới công nghệ, thiết bị giai đoạn 2016-2020 của thành phố là 12,14%, đạt 80,9% so với chỉ tiêu đề ra.