Đồng Nai: Quỹ hỗ trợ nông dân, cùng nông dân làm giàu
Nguồn vốn từ Quỹ hỗ trợ nông dân đã giúp hàng ngàn hộ nông dân trên địa bàn tỉnh Đồng Nai được vay vốn với lãi suất ưu đãi đầu tư chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp.
Đồng Nai là một trong những tỉnh đi đầu cả nước trong việc thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới. Tính đến cuối tháng 10-2015, tỉnh đã có 72/133 xã đạt chuẩn nông thôn mới, trong đó có 2 địa phương cấp huyện là Xuân Lộc và Long Khánh. Từ nay đến cuối năm 2015, Đồng Nai phấn đấu có thêm 25 xã hoàn thành xây dựng nông thôn mới, nâng số xã nông thôn mới trên địa bàn tỉnh lên 88 xã (chiếm gần 65% số xã trong tỉnh), 3 địa phương cấp huyện là Thống Nhất, Long Thành và Nhơn Trạch cũng đặt mục tiêu hoàn thành huyện nông thôn mới trong năm nay. Tỉnh này cũng quyết tâm năm 2020, sẽ trở thành tỉnh nông thôn mới.Có được thành quả này, bên cạnh sự quan tâm, đầu tư của Nhà nước, sự nỗ lực của các cấp chính quyền địa phương thì còn là sự đóng góp không nhỏ từ người dân, trong đó có những người nông dân, những người chủ của nông thôn thông qua nguồn Quỹ hỗ trợ nông dân.
Đến tháng 10-2015 tồng Quỹ Hỗ trợ nông dân của tỉnh là 14.926.174.000 đồng; trong đó nguồn Quỹ Hỗ trợ nông dân Trung ương ủy thác: 8.480.000.000 đồng, Quỹ Hỗ trợ nông dân cấp tỉnh: 750.000.000 đồng; nguồn vốn địa phương và vốn vay, mượn: 5.696.174.000 đồng. Từ nguồn vốn Quỹ hỗ trợ nông dân các cấp đã giúp cho trên 1.400 lượt hộ nông dân có vốn sản xuất kinh doanh, với số tiền gần 10 tỉ đồng. Điển hình như Dự án chăn nuôi heo sinh sản tại xã Đông Hòa, huyện Trảng Bom với tổng nguồn vốn 400.000.000 đồng và 20 hộ được vay vốn; Dự án Câu lạc bộ Ca Cao khuyến nông xã Hưng Lộc, huyện Thống Nhất, với tổng số vốn vay 500.000.000 đồng, 25 hộ vay... Thông qua các dự án đã giải quyết việc làm, nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống cho hội viên, nông dân, góp phần chuyển đổi cơ cấu cây trồng, phù hợp với yêu cầu thực tế tại địa phương. Nhiều hộ nông dân được hỗ trợ vốn sử dụng đúng mục đích đã vươn lên làm giàu, trở thành hộ sản xuất, kinh doanh giỏi.
Để có được nguồn quỹ duy trì thường xuyên, kịp thời hỗ trợ những mô hình phát triển kinh tế, trong 5 năm qua, Hội nông dân của tỉnh đã phối hợp với Ngân hàng Nông nghiệp và phát triển nông thôn, Ngân hàng chính sách xã hội giúp cho trên 68.000 lượt hộ nông dân vay với số tiền trên 3 ngàn tỷ đồng để đầu tư phát triển sản xuất. Ngoài ra, các cấp Hội đã tích cực phối hợp với các doanh nghiệp, công ty cung ứng vật tư nông nghiệp, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, thức ăn chăn nuôi, máy nông nghiệp...giúp cho nông dân có điều kiện sản xuất, kinh doanh theo phương thức trả chậm, trị giá hàng tỷ đồng. Từ những nguồn vốn vay ủy thác, tín chấp, các hộ nông dân đã đầu tư sản xuất, chăn nuôi và nhiều hộ vươn lên thoát nghèo, mở rộng sản xuất, đời sống vật chất tinh thần ngày càng được nâng lên, kinh tế nông nghiệp vùng nông thôn từng bước phát triển bền vững.
Các cấp Hội đã phối hợp với các ngành có liên quan tổ chức 5.102 lớp tập huấn, hội thảo, 259 đợt tham quan học tập kinh nghiệm cho 348.835 cán bộ, hội viên nông dân về chính sách pháp luật về kinh tế tập thể, ứng dụng kỹ thuật mới trong sản xuất nông nghiệp, các mô hình sản xuất có hiệu quả cao...qua đó, giúp hội viên, nông dân nắm được những kiến thức mới để vận dụng nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh. Ngoài ra, hàng năm Hội Nông dân tỉnh phát động và tố chức các hội thi“Sáng tạo kỹ thuật nhà nông ”nhằm tôn vinh những nông dân có nhiều sáng kiến cải tiến kỹ thuật tiêu biểu trong sảnxuấtkinh doanh. Điển hình như nông đân Bùi Quang Thanh (dân tộc Mường, ấp 1, xã Suối Nho, huyện Định Quán) với giải pháp là nồi hấp bịch nấm mèo năm 2013; nông dân Nguyễn Văn Bái (Ẩp Việt Kiều, xã Xuân Hiệp, huyện Xuân Lộc) với giải pháp cải tiến máy phát cỏ...
Đánh giá về hiệu quả của Quỹ hỗ trợ nông dân, ông Ðặng Thái Thi, Trưởng ban Kinh tế - xã hội Hội Nông dân tỉnh Đồng Nai cho biết, thời gian qua, bằng nguồn quỹ hỗ trợ của trung ương và địa phương, nhiều hộ nông dân trong tỉnh đã tiếp cận được nguồn vốn hỗ trợ, mạnh dạn đầu tư đổi mới giống cây trồng, vật nuôi. Theo đánh giá của Hội Nông dân tỉnh, trong quá trình tổ chức thực hiện, các huyện, thị, thành phố đều thực hiện đúng quy định của Trung ương và Bộ Tài chính, từ khâu vận động, thủ tục cho vay, ghi chép vào hệ thống sổ sách đến thu hồi phí, bảo đảm đúng, đủ, kịp thời và thực hiện nghĩa vụ tài chính đạt 100%. Từ việc thực hiện chặt chẽ các công tác trên, nguồn vốn vay được bảo toàn và phát triển ngày càng tăng theo hướng bền vững. Các đối tượng được vay vốn sử dụng vốn đúng mục đích, có hiệu quả. Hiện nay, Quỹ không có trường hợp nợ quá hạn. Với những kết quả tích cực đó, quỹ hỗ trợ nông dân đã thực sự đi vào đời sống, trở thành điểm tựa cho nông dân và các phong trào của Hội Nông dân.
Ông Lê Hữu Thiện, Phó chủ tịch HND tỉnh chia sẻ: “Trong thời gian tới, hội tiếp tục vận động thêm nguồn, phát triển nguồn ở tỉnh, huyện. Đồng thời, xây dựng đề án xin ngân sách tỉnh đầu tư thêm nguồn để tiếp tục mở rộng đối tượng cho vay cũng như mức vay nhằm giúp cho nhiều hộ có thêm cơ hội tiếp cận nguồn vốn phát triển sản xuất. Không chỉ phát triển nguồn vốn từ QHTND, Hội vẫn duy trì phối hợp cùng Ngân hàng Nông nghiệp và phát triển nông thôn, Ngân hàng Chính sách xã hội tạo điều kiện cho nông dân vay vốn đầu tư vào phát triển sản xuất kinh doanh”.
Cũng theo ông Thiện, thời gian tới đây, Hội tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền các chủ trương chính sách để cho người dân tiếp cận các chính sách nhất là các chính sách hỗ trợ vốn về nông nghiệp. Cùng với đó là chuyển giao các tiến bộ khoa học - kỹ thuật, phối hợp với các doanh nghiệp để tổ chức các dịch vụ hỗ trợ nông dân.