Cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước 2016:
Dòng tiền chuyển động mạnh
“Đến hẹn lại lên” – cái hẹn thường xuất hiện vào những tháng đầu năm kể từ 2014 cho đến nay – kế hoạch cổ phần hóa (CPH) các DNNN lại tiếp tục được hô hào thúc đẩy ráo riết. Tuy nhiên, đằng sau những ráo riết ấy, dòng tiền có thật sự chuyền động mạnh?
Năm 2016, tín hiệu CPH của khối DNNN có vẻ tích cực hơn so với 2 năm trước, với khởi động ngay từ đầu năm bằng các hoạt động chào bán cổ phần lần đầu ra công chúng của những DN có hiệu quả kinh doanh tốt và tiềm năng tăng trưởng cao. Một trong những DN như vậy là trường hợp IPO của Cty TNHNN Việt Nam Kỹ nghệ Súc sản (Vissan).
Có “ngon ăn”?
Trong phiên giao dịch mở đầu tuần thứ 2 của tháng 3/2016, vụ IPO tiếp theo của DN trong ngành Thực phẩm & Đồ uống (F&B) tính đến 3 tháng đầu năm 2016, đã đạt kết quả mỹ mãn. Trước thềm IPO, đây đã là vụ chào bán lần đầu ra công chúng được đánh giá vô cùng hấp dẫn. Yếu tố hấp dẫn không nằm ở ngành độc quyền hay tài sản tài nguyên DN sở hữu, mà nằm ở chỗ Vissan đang có giá trị nội tại ổn định, với vị thế là ông lớn dẫn đầu ngành thực phẩm chế biến (Food), tổng doanh thu đã lên tới 18 tỷ USD.
Là một DN thành viên của Tcty Thương mại Sài Gòn (SATRA), một tổng lớn của khối DNNN tại TP HCM, Vissan có lịch sử hoạt động lâu trên thị trường. DN được thành lập năm 1970 và đi vào kinh doanh từ tháng 5/1974. Ngành nghề chính là thực phẩm bao gồm các mảng chính: Cung cấp thịt tươi sống (lợn, bò, gà); chế biến (xúc xích, lạp xưởng, sản phẩm chế biến lạnh và mát)… Ở các mảng, Vissan đều có thị phần khá lớn. Trong mảng cung cấp thịt tươi sống, có lẽ Vissan là DN duy nhất hiện tại của VN đang “có cơ” cạnh tranh trực tiếp được với CP – Cty Thức ăn chăn nuôi của Thái Lan. Nếu CP chiếm tới 22% thị phần mảng thịt gà công nghiệp thì Vissan lại có lợi thế ở cung cấp lợn, đặc biệt là thịt bò nhập khẩu. Riêng với mảng chế biến xúc xích, Vissan hiện nắm hơn 60% thị phần cả nước còn chế biến đông lạnh thì chiếm tới 40%.
Bên cạnh thị phần sản phẩm, Vissan từ lâu đã thiết lập được một hệ thống phân phối sỉ, lẻ ở cả kênh phân phối truyền thống lẫn hiện đại: Vừa có mặt ở gần như hầu hết mọi hệ thống siêu thị, cửa hàng tiện lợi, chợ truyền thống, lại cũng sở hữu các điểm phân phối trực tiếp riêng lẻ của mình với 59 cửa hàng. Tuy chiến lược sở hữu cửa hàng trực tiếp của Vissan có thời gian khiến DN khá chật vật, song đây lại cũng là điểm lợi thế trong việc đánh giá mức độ cạnh tranh của Vissan thì tương lai, nhất là khi các DN thực phẩm nói chung đang ngày càng nỗ lực gia tăng độ nhận diện thương hiệu và mức độ tin cậy để chiếm từng phần trăm thị phần. Điều đáng nói, mặc dù quy mô lớn, sản phẩm có thị phần ổn định, nhưng mức độ tăng trưởng của Vissan mấy năm gần đây đang chậm lại.
Chứng khoán SSI định giá mục tiêu đối với Vissan ở mức 17.798 đồng/cổ phiếu, cao hơn 4,7% so với mức giá chào bán và chỉ phù hợp với nhà đầu tư dài hạn và bản thân Vissan cũng cho biết phải đến năm 2020, Cty mới lấy lại đà tăng trưởng mạnh. Dù vậy, bấy nhiêu lợi thế lõi của một DN hoàn toàn thu lợi nhuận nhờ hoạt động kinh doanh, không “dính líu” các lợi thế “phổ thông” của các DNNN khác (tất nhiên, ngoại trừ lợi thế là một DNNN thuộc Satra và có lịch sử lâu năm nên việc Vissan hiện diện và chiếm cứ ở những siêu thị lớn, đặc biệt những siêu thị có phần vốn sở hữu thuộc chủ đầu tư Nhà nước như Satra, Coop Mart), cũng đã đủ giúp Vissan có sức hút nhất định. DN đã thu hút 142 nhà đầu tư đăng ký tham gia mua cổ phần từ IPO và những ông lớn trong nước như Masan (qua 2 tổ chức Cty thành viên) hay CJ (tập đoàn Hàn Quốc) cũng đều muốn ganh đua có được phần cổ phiếu của Vissan.
Kết quả IPO không nằm ngoài dự đoán: Đã có 100% cổ phần Vissan trong khối lượng chào bán được mua với mức giá đấu thành công cao nhất nhất là 102.000 đồng/cổ phần, giá đấu thành công thấp nhất là 67.000 đồng/cổ phần. Theo đó, giá đấu thành công bình quân cao gấp gần 5 lần giá khởi điểm và toàn bộ hơn 11 triệu cổ phần IPO lần này rơi vào tay 1 tổ chức và 5 cá nhân, giúp Vissan thu về gần 907 tỷ đồng.
Đã và đang có một khối lượng vốn đứng ngoài thị trường, chờ cơ hội góp vốn ở 10 ông lớn trong danh sách tiếp tục bán vốn để dự thu về 3 tỷ USD.
Xu thế đầu tư DNNN CPH: Gió sẽ đổi chiều?
Trong tương lai, chưa biết Vissan có thật “ngon ăn” hay không, nhưng sự chuyển động của dòng vốn ganh đua rót vào Vissan đã bắn tín hiệu tích cực: Vốn đầu tư vào CPH đang chuyển hướng sẵn sàng tìm đến với các nhà sản xuất, dịch vụ có năng lực cung cấp giá trị / hàng hóa thực, thay vì quanh quẩn ở khu vực các DN kinh doanh gắn với các điều kiện về điền sản, chính sách… Nhìn rộng ra, Vissan, hay trước đó là Cholimex thực tế vẫn là những trường hợp kinh doanh khá hiếm trong tổng thể hoạt động DNNN nói chung. Vì xét về ngành hàng, hai DN này đã và đang phải cạnh tranh tương đối “sòng phẳng”, đặc biệt xét ở phân vực kinh doanh ngành hàng lõi. Điều này khác hẳn với Vinamilk, hay Sabeco – những DNNN đã CPH cũng thuộc ngành Thực phẩm và đồ uống (Food& Beverage -F&B) dù đã CPH, có đối tác chiến lược hoặc không, song ít nhiều vẫn đang được sự “bảo hộ” về chính sách, cơ chế riêng cho DN/ ngành….
Như vậy, ngoại trừ những DNNN có lợi thế độc quyền, đặc thù ngành hàng hoặc bảo hộ chính sách mà nhà đầu tư chọn cơ hội góp vốn làm ăn cho “chắc chân”, rõ ràng, nếu năm 2016, thị trường tiếp tục tung ra những hàng hóa nhà nước sở hữu để chào bán mà các mặt hàng đều có kết quả kinh doanh ổn định và có triển vọng dài hạn như 2 DN nêu trên, thì các nhà quản lí, xúc tiến CPH không phải quá lo về việc thực hiện nhiệm vụ “khó nhằn” là huy động vốn từ CPH. “Dòng tiền sẽ tự tìm đến những DN sản xuất, kinh doanh, dịch vụ của khối DNNN, khi cơ hội tìm những DN có đất đai, tài nguyên ngày càng ít đi, số lượng các DNNN CPH dự kiến sẽ càng xương xẩu.
Trong khi những ông lớn như Sabeco hay Mobifone đều đang có lý do “khó nói” nào đó và được “đặc quyền” trì hoãn thời điểm CPH hoặc chưa lên rõ ràng kế hoạch chào bán cổ phần cho đối tác chiến lược thì dòng tiền sẽ không còn phân vân giữa DN quy mô lớn hoặc nhỏ, mà đặt vấn đề chất lượng hàng lên hàng đầu. Đã và đang có một khối lượng vốn đứng ngoài thị trường, chờ cơ hội góp vốn ở 10 ông lớn trong danh sách tiếp tục bán vốn để dự thu về 3 tỷ USD mà Thủ tướng Chính phủ đã quyết trong năm 2015”, một chuyên gia nhận xét.
Cùng với đó, đẩy nhanh thời gian giảm tỷ lệ sở hữu cổ phần Nhà nước xuống ít hơn, tăng room bên ngoài cho nhà đầu cùng tham gia cấu trúc chủ sở hữu, giải quyết rào cản muôn thuở của chục năm CPH DNNN vẫn đang vướng, cũng là yếu tố hậu thuẫn cho sự chuyển động của dòng tiền. Vissan sở dĩ có được sự quan tâm của các nhà đầu tư tổ chức lớn như Masan, CJ, không loại trừ điều kiện DN thể hiện là khá rõ ràng trong lộ trình giảm vốn Nhà nước sở hữu xuống 65%. Ai chẳng mong được sở hữu miếng bánh ngon với tỷ lệ lớn. Huống gì, miếng bánh ngon nếu được sở hữu tỷ lệ lớn, còn giúp các nhà đầu tư tổ chức thúc đẩy, hỗ trợ trực tiếp cho hoạt động kinh doanh của chính họ.
Nói cách khác, một trong những đặc điểm của dòng tiền đầu tư vào CPH năm nay, được kỳ vọng sẽ giúp nâng chất DN sau cổ phần, là vốn đầu tư không chỉ đến từ các tổ chức đầu tư tài chính, hoặc vốn đầu tư tài chính sẽ được bù đắp thiếu hụt nếu các nhà đầu tư nước ngoài rút vốn, ít quan tâm đến CPH theo xu hướng rút vốn có thể diễn ra ở các thị trường mới nổi. Mà nguồn bù đắp là đến từ DN tư nhân, những tổ chức đã và sẽ tiếp tục chọn các mặt hàng trong danh sách CPH, phù hợp mục tiêu của họ để rót vốn.
Hơn thế, chọn DN CPH cũng có thể được xem như tạo một bàn đạp M&A.