Dòng tiền dịch chuyển về bất động sản ven Hà Nội
Giá nhà đất Hà Nội đã liên tục lập đỉnh giá mới trong thời gian qua, chuyên gia dự báo dòng tiền sớm muộn sẽ chảy vào bất động sản ven Hà Nội.
Bàn về sự dịch chuyển của dòng tiền trong bất động sản, theo ông Lê Xuân Nga, Tổng giám đốc Công ty Bất động sản BHS, giá chung cư tại Hà Nội đang tăng phi mã 25%/năm trong 3 năm qua. Tức là, ai đó mua chung cư trước 2021 thì nay đã có thể bán lãi gấp đôi. Trong khi đó, đà tăng giá của bất động sản thấp tầng quanh Hà Nội còn tăng mạnh hơn như vậy.
Vị lãnh đạo doanh nghiệp lý giải nguyên nhân tăng giá mạnh như vậy là do dòng tiền đang tập trung quá lớn vào nội đô, chưa đổ ra ngoài.
Lý giải nhận định trên, Tổng giám đốc BHS Group cho rằng mức tăng tới mức vô lí, vượt qua cả sự kỳ vọng của các chủ sở hữu bất động sản. "Và đó là lúc ta nhận ra, thị trường sẽ không thể tăng thêm nữa", ông Nga nhấn mạnh.
Bên cạnh đó, vị này cũng chỉ ra rằng, hầu hết khách mua thời gian qua là những người mua căn nhà thứ 2, thậm chí thứ 3... bởi không có cơ hội mua cho người mua nhà lần đầu vì giá quá cao. Các bạn trẻ muốn có nhà tại Hà Nội ngày càng xa vời.
"Có thể thấy thị trường Hà Nội đang khá giống thị trường TP. Hồ Chí Minh 3 năm trước, khi mà chung cư, thấp tầng quận 9 và các vùng ven TP. Hồ Chí Minh tăng phi mã. Và giờ đang hạ nhiệt", ông Nga cho hay.
Theo ông Nga, thị trường Hà nội đang hoàn toàn thiếu loại sản phẩm cao tầng giá 40-45 triệu đồng/m2. Đây là hệ quả của hiện tượng "độc quyền nguồn cung chung cư" nhiều năm qua.
"Với tình hình mặt pháp lý hiện tại rất khó có một dự án đủ pháp lý, giá cả phù hợp có thể ra hàng. Nếu có thì cũng là của các ông lớn và giá rất lớn.
Bên cạnh đó, cuộc chơi tại Hà Nội sẽ rất khốc liệt với các nhà đầu tư và chỉ dành cho các nhà đầu tư tay to, có ngân sách đầu tư từ 15 tỷ trở lên. Do đó, những dự án do nhà nước đấu giá ở các tỉnh thành trên cả nước (tức là chắc chắn về pháp lý) sẽ được các nhà đầu tư thực sự quan tâm và đổ dòng tiền", ông Nga cho hay.
Các nhà đầu tư ngân sách nhỏ hơn được ông Nga khuyên nên tìm cách dịch chuyển sớm ra các tỉnh thành khác, vùng đất khác vì sớm muộn, dòng tiền sẽ chạy ra ngoài Hà Nội, có thể cuối năm 2024 hoặc đầu 2025.
Đây cũng là điều đã xảy ra tương tự ở các chu kỳ bất động sản trước đó.
Ông Nga nhìn nhận sự dịch chuyển của dòng tiền sẽ giúp các dự án bất động sản ở địa phương khác thi công, hoàn thiện, tạo cơ sở hạ tầng cho các vùng đất mới, qua đó giúp kinh tế địa phương phát triển.