Dòng vốn đầu tư vào Bình Định có xu hướng “chuyển vào bất động sản“
Hàng loạt dự án bất động sản có vốn đầu tư hàng nghìn tỷ đồng tại Bình Định đã được cấp chủ trương đầu tư. Nhiều khu đất lớn được quy hoạch như một cách “dọn tổ” đón “đại bàng” phát triển bất động sản công nghiệp.
Cụ thể, trong tháng 8/2021, Bình Định đã có quyết định chấp thuận chủ trương đầu tư cho 5 dự án bất động sản và du lịch với tổng vốn đăng ký hơn 3.900 tỷ đồng thông qua hình thức đấu thầu.
Nguồn vốn đầu tư vào bất động sản
Dự án đầu tiên là Khu đô thị mới phía Bắc khu dân cư Phú Mỹ Lộc rộng khoảng 10ha, tổng vốn đầu tư khoảng 610 tỷ đồng nhận được sự “bắt tay” của 2 nhà đầu tư có kinh nghiệm là Liên danh Công ty Cổ phần Đầu tư xây dựng Phú Hưng TNV và Công ty Cổ phần Đầu tư Đà Nẵng - Miền Trung cùng làm chủ đầu tư.
Theo quy hoạch, Khu đô thị mới phía Bắc khu dân cư Phú Mỹ Lộc sẽ xây dựng nhà ở liền kề, biệt thự khoảng 353 căn, các công trình xây dựng đồng bộ hoàn chỉnh hệ thống hạ tầng kỹ thuật cây xanh, công viên, khu vui chơi thể thao, đường giao thông nội bộ, nhà văn hóa, trường mẫu giáo... Mục tiêu đầu tư của dự án là xây dựng mới khu đô thị hiện đại về không gian, kiến trúc, cảnh quan; đồng bộ hệ thống hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội; hình thành các công trình nhà ở với kiến trúc và kỹ thuật theo quy hoạch được phê duyệt và phù hợp với tình hình phát triển kinh tế - xã hội hiện nay và trong tương lai.
Tiếp theo là dự án Khu đô thị mới Nhơn Bình thuộc phường Nhơn Bình, TP. Quy Nhơn có diện tích hơn 28ha, tổng vốn hơn 2.480 tỷ đồng do Liên danh Công ty Cổ phần Đầu tư HBC Sài Gòn Bình Định và Công ty Cổ phần May - Diêm Sài Gòn cùng làm chủ đầu tư. Dự án này bao gồm: Khu nhà ở thấp tầng (nhà liền kề, biệt thự) khoảng 1.200 căn, công viên cây xanh, các công trình dịch vụ xã hội đô thị, các tiện ích thiết yếu cho cư dân trong và ngoài khu đô thị…
Bên cạnh đó, Bình Định còn chấp thuận chủ trương đầu tư dự án Nhà ở xã hội Pisico (263 tỷ đồng) và hai khách sạn hạng sang tại TP. Quy Nhơn là Khách sạn Quy Nhơn 2 và Khách sạn SALA, với tổng vốn đầu tư 550 tỷ đồng do Công ty Cổ phần Du lịch Bình Định đầu tư xây dựng.
Quy hoạch đất “dọn tổ đón đại bàng”
Có thể nói, trong lĩnh vực bất động sản công nghiệp, để đón được “đại bàng”, thì phải có quỹ đất sạch và chuẩn bị quỹ đất lớn. Đồng thời, cần hoàn thiện hành lang pháp lý cho phát triển khu công nghiệp (KCN), hoàn thiện thể chế, chính sách. Vì vậy, thông qua việc tổ chức đấu thầu, đấu giá các dự án đã được lập quy hoạch chi tiết trên địa bàn, cũng như nhiều khu đất sạch được đưa vào quy hoạch. Từ đó, Bình Định đã thu hút nhiều doanh nghiệp bất động sản lớn triển khai các dự án tại thị trường duyên hải miền Trung này.
Thời gian gần đây, thị trường bất động sản Bình Định trở nên sôi động hơn khi có sự xuất hiện của nhiều liên danh đầu tư các dự án lớn với tổng vốn đầu tư hàng nghìn tỷ đồng như: Kho Bãi Nhơn Tân, Hano-Vid, MB Land, Becamex VSIP, Bamboo Capital… Để thu hút đầu tư, Bình Định đã công bố hàng loạt dự án sẽ đấu thầu, đấu giá.
Điển hình là dự án khu dân cư - thương mại - dịch vụ Đông Bắc Bằng Châu (phường Đập Đá, TX. An Nhơn), với quy mô khoảng 10ha, tổng mức đầu tư dự án dự kiến hơn 424 tỷ đồng. Mục tiêu nhằm xây dựng các hạng mục khu nhà ở, khu thương mại - dịch vụ, công viên - cây xanh, công trình công cộng, hạ tầng kỹ thuật đô thị - xã hội,... quy mô dân số khoảng 1.500 người. Tiếp theo là dự án khu đô thị Khang Mỹ Lộc, phường Tam Quan Bắc với quy mô gần 16ha, tổng mức đầu tư dự kiến 609 tỷ đồng. Dự án sẽ đầu tư xây mới khu đô thị, hình thành các công trình nhà ở, khu chức năng dịch vụ đáp ứng nhu cầu ở, nghỉ ngơi, giải trí của người dân. Ngoài ra, còn nhiều khu vực khác như: Khu đất thương mại, dịch vụ thuộc khu dân cư Đội 9, khu vực Hòa Cư, phường Nhơn Hưng; dự án thương mại - dịch vụ thuộc đường tránh Quốc lộ 1, thôn Thanh Liêm; một phần điểm du lịch số 9H - tuyến Quy Nhơn - Sông Cầu với quy mô khoảng 38ha được thực hiện tại phường Ghềnh Ráng, TP. Quy Nhơn. Bên cạnh đó, UBND tỉnh Bình Định cũng chú trọng việc quy hoạch và khai thác nhiều quỹ đất trên địa bàn tỉnh.
Trao đổi với PV, ông Lê Đăng Tuấn, Phó giám đốc Sở Xây dựng tỉnh Bình Định cho biết: “Vừa qua, UBND tỉnh Bình Định đã có văn bản đồng ý chủ trương cho quy hoạch, khai thác quỹ đất, khoảng 700ha dọc các tuyến đường mới trên địa bàn của tỉnh theo đề xuất trước đây của Sở Xây dựng. Việc đưa vào quy hoạch và khai thác quỹ đất trên địa bàn tỉnh sẽ góp phần tạo sự đồng bộ về hạ tầng giao thông, mở rộng không gian đô thị, góp phần kết nối nhiều khu vực”.
Cụ thể, quỹ đất dọc tuyến đường kết nối từ trung tâm thị xã An Nhơn đến đường ven biển phía Tây đầm Thị Nại sẽ có hai vị trí được quy hoạch gồm 80ha đất thuộc xã Phước Quang, huyện Tuy Phước và 148ha đất thuộc xã Phước Sơn, huyện Tuy Phước. Quỹ đất dọc tuyến đường kết nối từ đường phía Tây tỉnh (ĐT.638) đến đường ven biển (ĐT.639) trên địa bàn huyện Phù Mỹ sẽ có 5 vị trí được quy hoạch với khoảng 397ha; quỹ đất dọc tuyến đường kết nối với đường ven biển (ĐT.639), trên địa bàn TX. Hoài Nhơn sẽ có 84ha được quy hoạch...
Thu hút đầu tư trong bối cảnh COVID-19
Dù chịu ảnh hưởng tiêu cực bởi dịch bệnh COVID-19 nhưng hoạt động thu hút đầu tư vào Bình Định vẫn có được những tín hiệu tích cực. Theo đó, trong 8 tháng qua, Bình Định thu hút được 57 dự án đầu tư với tổng vốn đầu tư đạt 33.400 tỷ đồng. Trong đó có 12 dự án trong Khu kinh tế, Khu công nghiệp với tổng vốn đăng ký trên 2.625 tỷ đồng; 45 dự án ngoài Khu kinh tế, Khu công nghiệp với tổng vốn đầu tư trên 30.775 tỷ đồng, trong đó, có khoảng 30 dự án bất động sản, du lịch và thương mại - dịch vụ.
Từ đầu năm 2021 đến nay, để thích ứng với những khó khăn do ảnh hưởng của dịch bệnh, tỉnh Bình Định đã điều chỉnh nhiều phương án nhằm xúc tiến đầu tư phù hợp với tình hình thực tế. Trong đó, điển hình là tăng cường xúc tiến đầu tư tại chỗ, quan tâm việc xúc tiến và hỗ trợ FDI, tập trung cải thiện các thủ tục hành chính, minh bạch hóa môi trường đầu tư, kinh doanh và tạo điều kiện tốt nhất cho các nhà đầu tư nước ngoài nghiên cứu và triển khai dự án trên địa bàn.
Mới đây, UBND tỉnh Bình Định đã tổ chức Hội nghị bàn các giải pháp tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy sản xuất kinh doanh cho doanh nghiệp trước ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19 đang diễn biến phức tạp. Bên cạnh việc đồng hành, tỉnh đã và đang có nhiều chính sách hỗ trợ doanh nghiệp tháo gỡ các bất cập, vướng mắc về vốn và các dịch vụ tài chính ngân hàng, điều này nhằm giúp các doanh nghiệp có nhiều góc nhìn về tiềm năng phát triển tại địa phương, để hợp tác tạo nên môi trường kinh doanh lành mạnh và phát triển. Trong đó, chú trọng các dự án lớn, tạo giá trị gia tăng, nguồn thu ngân sách… tác động lớn đến tình hình kinh tế xã hội của tỉnh trong thời gian tới. Trong thời gian tới, trước điều kiện đi lại khó khăn giữa các quốc gia do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19 thì xúc tiến đầu tư trực tuyến sẽ là hình thức chủ chốt trong hoạt động thu hút đầu tư, đặc biệt tập trung vào thị trường, dự án trọng điểm.
Điển hình cho việc áp dụng hình thức này là việc tổ chức Hội thảo trực tuyến Xúc tiến đầu tư Hoa Kỳ vào tỉnh Bình Định; Hội thảo xúc tiến đầu tư Hàn Quốc, Nhật Bản…; làm việc trực tuyến với Tập đoàn FPT… trong những tháng đầu năm 2021, đã bước đầu cho thấy hiệu quả, khi các hội nghị xúc tiến đầu tư trực tuyến tiết kiệm chi phí, phù hợp với sự phát triển của công nghệ thông tin và hạn chế đi lại để giảm nguy cơ lây lan dịch bệnh...
Bên cạnh đó, tăng cường xúc tiến đầu tư tại chỗ, đẩy mạnh giải ngân các dự án đã được cấp phép, tháo gỡ các khó khăn cho các nhà đầu tư. Tập trung thu hút đầu tư các dự án trong Danh mục ưu tiên mời gọi đầu tư năm 2021 - 2025 đã hoàn chỉnh. Ngoài tập trung đẩy mạnh xúc tiến đầu tư các thị trường truyền thống như Hàn Quốc, Nhật Bản, Hoa Kỳ, tỉnh Bình Định sẽ đẩy mạnh xúc tiến đầu tư vào thị trường Châu Âu, Trung Đông và các doanh nghiệp đến từ các quốc gia có thể hưởng lợi từ việc Việt Nam gia nhập các Hiệp định thương mại tự do song phương và đa phương, tận dụng lợi thế vị trí chiến lược của địa phương về cảng biển, cảng hàng không, nguồn lao động chi phí thấp./.
Hơn 16.400 tỷ đồng đầu tư dự án giao thông
Theo kế hoạch phát triển giai đoạn 2021 – 2025, UBND tỉnh Bình Định sẽ tập trung tổ chức triển khai thực hiện Quy hoạch chung (điều chỉnh) xây dựng TP. Quy Nhơn và vùng phụ cận, mở rộng không gian phát triển để Quy Nhơn trở thành một trong những đô thị trung tâm của vùng duyên hải miền Trung, phát triển theo định hướng công nghiệp – cảng biển – dịch vụ – du lịch. Theo đó, Bình Định sẽ kết hợp nguồn vốn Trung ương, vốn ODA với nguồn vốn ngân sách địa phương đầu tư xây dựng loạt dự án giao thông trọng điểm với quy mô vốn hơn 16.400 tỷ đồng.
Cụ thể, gồm: Đường ven biển tỉnh Bình Định đoạn Cát Tiến – Diêm Vân (1.674 tỷ đồng); tuyến đường kết nối từ trung tâm thị xã An Nhơn đến đường ven biển phía Tây đầm Thị Nại (1.290 tỷ đồng); tuyến đường ven biển (ĐT.639) đoạn từ Quốc lộ 1D – Quốc lộ 19 mới (1.100 tỷ đồng); tuyến đường kết nối với đường ven biển (ĐT.639) trên địa bàn thị xã Hoài Nhơn (705 tỷ đồng; tuyến đường kết nối từ đường phía Tây tỉnh (ĐT.638) đến đường ven biển (ĐT.639) trên địa bàn huyện Phù Mỹ (701 tỷ đồng)… Đáng chú ý, giai đoạn 2021 – 2025, Bình Định sẽ tập trung đầu tư phát triển các khu đô thị trên địa bàn Khu kinh tế Nhơn Hội và ven đầm Thị Nại; trung tâm đô thị du lịch biển phía Nam đẫm Đề Gi; các khu đô thị dọc đường ven biển Đề Gi – Mỹ Thành; hoàn thành các dự án Khu đô thị và du lịch sinh thái Diêm Vân, khu đô thị mới Long Vân, các khu đô thị dọc Quốc lộ 19 mới…
Theo UBND tỉnh Bình Định, trong 5 năm tới, địa phương sẽ phát triển kinh tế dựa trên việc phát triển công nghiệp, du lịch, dịch vụ cảng và logistics (bao gồm cảng biển và cảng hàng không); phát triển nông – lâm – thủy sản dựa trên công nghệ cao, chuyển từ số lượng sang chất lượng và phát triển kinh tế đô thị gắn với quá trình đô thị hóa.