“Đột phá số thức” quyết định lợi thế cạnh tranh của doanh nghiệp
Không ít nhà điều hành doanh nghiệp (DN) lớn trên thế giới nhìn nhận, nếu không có chiến lược ứng dụng những công nghệ mới, công ty của họ có thể không duy trì được 5 năm nữa.
Giáo sư John Vu là nhà quản lý chuyên nghiệp và chuyên gia thế giới về công nghệ thông tin. Giáo sư hiện là Viện trưởng Viện Nghiên cứu Công nghệ sinh học thuộc Đại học Carnegie Mellon, trước đây từng là kỹ sư trưởng tại Tập đoàn Boeing. Ông cũng là dịch giả nổi tiếng với các tác phẩm như Hành trình về phương Đông, Đường mây qua xứ tuyết, Bên rặng tuyết sơn, Minh triết trong đời sống và Ngọc sáng trong hoa sen.
Trong bài viết này, giáo sư John Vu phân tích về cách doanh nghiệp tạo lợi thế kinh doanh với công nghệ:
"Đột phá số thức" là hiện tượng công nghệ mới cạnh tranh với cách làm kinh doanh truyền thống mà hiện nay chúng ta thường đề cập dưới các khái niệm điện toán đám mây (cloud computing), dữ liệu lớn (big data) và internet vạn vật (IoT). Để tận dụng ưu thế của "đột phá số thức", DN cần có người quản lý hệ thống thông tin nhằm giúp người quản lý DN am hiểu về công nghệ và xây dựng chiến lược để đối phó với đối thủ cạnh tranh.
Tuần trước, một nhà phân tích ở Phố Wall đã viết: "Năm năm tới sẽ biết được công ty nào phát triển thịnh vượng, công ty nào sống sót và công ty nào bị bỏ lại phía sau.
Mọi công ty đều phải hiểu công nghệ là chiến lược then chốt để làm tăng lợi nhuận và tăng trưởng, chức năng công nghệ thông tin sẽ dịch chuyển từ mô hình hỗ trợ sang mô hình tự động hóa và chuẩn hóa đầy đủ.
Để sống còn trong thời đại tiến hóa nhanh chóng này, các công ty cần thuê người quản lý công nghệ để tích hợp các quy trình kinh doanh truyền thống với những công nghệ mới".
Vài năm trước đã có nhiều công ty trực tuyến nhưng ngày nay Amazon chi phối thị trường và tiêu diệt phần lớn đối thủ cạnh tranh. Amazon đang dùng hệ thống phân tích dữ liệu lớn để thu thập và phân tích hoạt động trực tuyến của từng người dùng rồi cá nhân hóa việc cung cấp sản phẩm cho khách hàng.
Đây là mối đe dọa lớn cho các công ty trực tuyến khác vốn không cung cấp loại hình dịch vụ này. Bằng việc thúc đẩy năng lực phân tích dữ liệu lớn của mình, Amazon có thể bán phần lớn sản phẩm cho khách hàng và đẩy các công ty khác ra khỏi quỹ đạo kinh doanh.
Thách thức chính cho các công ty truyền thống là làm sao thích ứng với công nghệ mới và thay đổi. Trong nhiều năm, phần lớn những công ty này điều hành DN thông qua cấu trúc phân cấp với nhiều mức quản lý.
Để cạnh tranh trong thị trường ngày nay, DN phải thay đổi chiến lược, cắt giảm chi phí quản lý và thích nghi với công nghệ để tự động hóa các quy trình nhằm tăng hiệu quả. Chẳng hạn, khi dùng công nghệ điện toán đám mây, các công ty có thể giảm đầu tư vào trang thiết bị và dùng vốn để tăng trưởng nhanh hơn trong thị trường toàn cầu.
Để duy trì tính cạnh tranh, mọi công ty đều phải kiểm điểm lại chiến lược kinh doanh và bổ sung công nghệ như yếu tố then chốt để làm tăng lợi nhuận. Song, trước tiên cần tối ưu quy trình nội bộ của DN nhằm tiến nhanh hơn vào thời đại công nghệ số.
Một nhà quản lý DN từng bày tỏ, mọi thứ trong xã hội ngày nay thay đổi nhanh tới mức ít người có thể thích nghi được. Sản phẩm, kinh nghiệm, cách thức đều đổi mới để có thể kết nối với khách hàng.
Bạn phải học những điều mới và thay đổi nhanh chóng, nếu cứ giậm chân tại chỗ, bạn có thể không giữ được việc làm. Bạn không thể cứ mãi phụ thuộc vào cấu trúc phân cấp vì mọi thứ đang bị "làm phẳng ra" nhanh chóng.
Bạn sẽ không tìm được việc làm nếu không trang bị những kỹ năng để hòa nhập với xu thế "đột phá số thức". Thực trạng này thể hiện rõ ở thị trường chứng khoán Phố Wall: trong số 50 công ty hàng đầu năm 2000, chỉ có 31 công ty còn hiện hữu trên thị trường ngày nay.