Dow Jones bật tăng hơn 500 điểm nhờ tin lạm phát Mỹ
Báo cáo lạm phát mới nhất giúp nhà đầu tư có thể tin tưởng rằng Fed sẽ không cần phải nâng lãi suất đồng USD ngắn hạn mạnh tay hoặc với tần suất nhiều như tính toán trước đây.
Chỉ số Nasdaq hiện đang trong trạng thái lên điểm.
Chỉ số Nasdaq với sự tập trung chủ yếu của nhóm cổ phiếu công nghệ tăng 2,9% trong phiên giao dịch ngày thứ Tư, như vậy chỉ số hiện giờ đã hồi phục được khoảng 20% so với mức thấp ở thời điểm giữa tháng 6/2022.
Chỉ số Nasdaq cùng với các chỉ số chính khác của thị trường lên điểm sau khi số liệu mới công bố cho thấy lạm phát tại Mỹ tăng thấp hơn so với tính toán của các chuyên gia, thực tế này không khỏi khiến nhiều người dự báo về khả năng Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) sẽ sớm hạ nhiệt tốc độ nâng lãi suất cơ bản đồng USD.
Việc chỉ số Nasdaq trở lại trạng thái tăng điểm đã giúp chấm dứt khoảng thời gian chỉ số trong trạng thái suy giảm dài nhất tính từ thời kỳ căng thẳng nhất của khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008. Tính từ đầu năm 2022 đến nay, chỉ số giảm 18%, còn ở mức đáy thiết lập ngày 16/6/2022, chỉ số thấp hơn đến 32% so với đỉnh gần nhất.
Trong tháng vừa qua, các chỉ số đồng loạt tăng điểm sau khi có khoảng thời gian nửa năm đầu sụt giảm mạnh nhất trong nhiều thập kỷ, nhiều thành viên thị trường tin rằng lạm phát hạ nhiệt sẽ giúp cho Ngân hàng Trung ương Mỹ có cách tiếp cận chính sách tiền tệ mềm mỏng hơn.
Phiên giao dịch ngày thứ Tư, chỉ số S&P 500 tăng 2,1%; chỉ số bình quân công nghiệp Dow Jones tăng 1,6% tương đương 535 điểm. Các chỉ số này đã tăng lần lượt 15% và 11% tính từ mức thấp thiết lập cách đây khoảng 2 tháng, tính từ đầu năm 2022 đến nay các chỉ số giảm lần lượt 12% và 8,3%.
Chỉ số cổ phiếu ngành công nghệ và tiêu dùng đã góp phần quan trọng nhất kéo thị trường tăng điểm. Như vậy rõ ràng thị trường đã có những thay đổi so với khoảng thời gian trước đây của năm khi mà nhà đầu tư tìm đến nhóm cổ phiếu phòng thủ bao gồm cổ phiếu các doanh nghiệp kinh doanh ngành hàng tiêu dùng và y tế.
Việc cổ phiếu dẫn dắt thị trường thay đổi diễn ra cùng lúc với sự đi xuống của lợi suất trái phiếu chính phủ Mỹ. Lợi suất trái phiếu Bộ Tài chính Mỹ thời hạn 10 năm giảm xuống còn 2,786% trong phiên ngày thứ Tư từ mức 3,482 vào ngày 14/6/2022 – cao nhất trong 11 năm.
Thông tin chỉ số giá tiêu dùng Mỹ tháng 7/2022 công bố ngày thứ Tư hạ nhiệt giúp giảm đi nỗi sợ hãi của nhà đầu tư về khả năng lạm phát dai dẳng sẽ khiến cho Fed phải hành động mạnh tay hơn. Lãi suất cao hơn có thể khiến cho dòng tiền trở nên đắt đỏ hơn, thay đổi này sẽ ảnh hưởng không nhỏ đến các cổ phiếu có định giá cao.
Trưởng bộ phận chiến lược đầu tư tại quỹ BNY Mellon Investment Management, ông Jake Jolly, nhận xét: “Ấn tượng ban đầu chính là lạm phát cuối cùng sẽ có thể diễn biến theo hướng mà thị trường mong đợi. Tuy nhiên cũng không nên lạc quan quá mức bởi còn lâu khó khăn mới qua đi”.
Trong nhóm những cổ phiếu lên điểm mạnh nhất trong phiên ngày thứ Tư chính là cổ phiếu ngành du lịch và dịch vụ đi lại vốn đã chịu ảnh hưởng nặng nề từ trước đó do tính bất ổn của quá trình phục hồi kinh tế sau đại dịch COVID-19.
Cổ phiếu Norwegian Cruise Line Holdings, Royal Caribbean và Carnival tăng mạnh nhất trong nhóm cổ phiếu thuộc S&P 500. Cổ phiếu của nhiều doanh nghiệp tài chính cũng lên điểm, dẫn đầu bởi cổ phiếu của Discover Financial Services, Capital One Financial và Synchrony Financial.
Báo cáo lạm phát mới nhất giúp nhà đầu tư có thể tin tưởng rằng Fed sẽ không cần phải nâng lãi suất đồng USD ngắn hạn mạnh tay hoặc với tần suất nhiều như tính toán trước đây của thị trường.
Kết quả, lợi suất trái phiếu Bộ Tài chính Mỹ giảm. Lợi suất trái phiếu giảm thường giúp cho cổ phiếu của nhiều doanh nghiệp công nghệ lên điểm trong quá trình phục hồi gần đây của các thị trường tài chính.