Dự án Luật Doanh nghiệp (sửa đổi): Không thể điều chỉnh hộ kinh doanh một cách khiên cưỡng
Việc bổ sung một chương mới quy định về hộ kinh doanh tại dự án Luật Doanh nghiệp (sửa đổi) đã nhận được sự quan tâm của nhiều đại biểu quốc hội (ĐBQH) khi thảo luận tại phiên họp chiều qua. Dù tán thành hộ kinh doanh cần được Nhà nước quản lý, có địa vị pháp lý, song nhiều ĐBQH đề nghị chưa đưa vào điều chỉnh trong dự án Luật, vì đây là vấn đề lớn, phạm vi rất rộng.
Giúp hộ kinh doanh không bị bỏ lại phía sau
Việc đưa hộ kinh doanh vào điều chỉnh trong dự án Luật Doanh nghiệp (sửa đổi) lần này liệu có khiên cưỡng? Liệu hộ kinh doanh có bị thui chột không khi được “chính danh” trong Luật về doanh nghiệp?
Đặt câu hỏi và giải đáp, ĐBQH Vũ Tiến Lộc (Thái Bình) cho rằng, hộ kinh doanh thực chất là sự pha trộn giữa hai loại hình: Cá nhân kinh doanh (như doanh nghiệp tư nhân) và nhóm người kinh doanh (tương tự như công ty (nhưng với cơ cấu sơ khai nhất). Về bản chất kinh tế, pháp lý và thực tiễn, các hộ kinh doanh có đăng ký là một loại hình doanh nghiệp.
Tuy nhiên, ĐB Vũ Tiến Lộc nhận thấy, dù là một loại hình doanh nghiệp, nhưng hộ kinh doanh hiện chưa được coi là doanh nghiệp, trong khi nhiều hộ kinh doanh đang có quy mô, và số lao động được sử dụng thậm chí còn lớn hơn các công ty. “Đó là một trong những khiếm khuyết lớn nhất trong hệ thống pháp luật về doanh nghiệp hiện hành”, ĐB Vũ Tiến Lộc nói.
Vì thế, việc không đưa hộ kinh doanh vào Luật Doanh nghiệp đã để lại một hậu quả pháp lý, đó là trong khi quyền và nghĩa vụ của công ty tư nhân, và các cá nhân kinh doanh, đóng góp chưa đầy 10% GDP, được quy định trong Luật, thì quyền và nghĩa vụ của hộ kinh doanh - nơi sinh kế của hàng chục triệu người và đóng góp hơn 30% GDP của đất nước, mà bản chất cũng là doanh nghiệp, chỉ được chế định trong một Nghị định do Chính phủ ban hành. Điều này, theo ĐB Vũ Tiến Lộc, trái với nguyên tắc hiến định là việc hạn chế quyền tự do kinh doanh của công dân chỉ có thể được quy định trong Luật do Quốc hội ban hành.
Từ góc nhìn thực tiễn, ĐB Vũ Tiến Lộc cũng nhấn mạnh, đưa hộ kinh doanh vào phạm vi điều chỉnh của dự án Luật Doanh nghiệp (sửa đổi) lần này không phải là xóa bỏ hộ kinh doanh, cũng không phải ép buộc hộ kinh doanh phải chuyển đổi thành công ty, hay thành doanh nghiệp tư nhân, cũng không bắt các hộ kinh doanh phải thay tên, đổi họ mà chỉ để “chính danh” họ trong Luật. Mục tiêu cuối cùng của việc đưa vào điều chỉnh bởi dự thảo Luật này là không để hộ kinh doanh bị bỏ lại phía sau, cũng như giúp minh bạch hóa, nâng cao năng lực, thúc đẩy sự phát triển của họ.
“Ghi nhận hộ kinh doanh trong Luật Doanh nghiệp sẽ không phát sinh thêm các chi phí và thủ tục hành chính cho họ và Nhà nước. Tên của hộ kinh doanh vẫn là hộ kinh doanh. Tuyệt đối không có chuyện “qua một đêm ngủ dậy” thì ông chủ quán phở hôm qua trở thành giám đốc doanh nghiệp phở hôm nay. Nhưng khi vị thế pháp lý, quyền và nghĩa vụ cơ bản của hộ kinh doanh được ghi nhận trong Luật sẽ giúp họ sẽ yên tâm làm ăn bài bản, minh bạch hơn, cũng như có điều kiện thuận lợi từng bước chuyển đổi thành các mô hình doanh nghiệp hiện đại”, ĐB Vũ Tiến Lộc nhận định.
Đưa vào điều chỉnh trong Luật là khiên cưỡng
Dẫu vậy, trái ngược với quan điểm của ĐBQH Vũ Tiến Lộc, không ít ĐBQH nhận thấy sự khiên cưỡng khi đưa hộ kinh doanh vào điều chỉnh trong dự thảo Luật Doanh nghiệp (sửa đổi) lần này. ĐBQH Nguyễn Anh Trí (TP. Hà Nội) nhận thấy, quản lý hộ kinh doanh là đúng, là nên, là rất cần thiết, để biết và bảo đảm công bằng các loại hình kinh doanh ở mỗi quốc gia.
Đặc biệt là “để tạo điều kiện, để hỗ trợ cho hộ kinh doanh, kinh tế hộ phát triển”. Đây là vấn đề lớn, vì trên cả nước có khoảng 1,5 - 5 triệu hộ kinh doanh, nên không thể không quản lý hay không suy nghĩ tìm cách phát triển hộ kinh doanh lên.
Khẳng định điều này, song ĐB Nguyễn Anh Trí cũng cho rằng, không nên đưa hộ kinh doanh vào điều chỉnh trong dự thảo Luật Doanh nghiệp (sửa đổi) lần này. Bởi lẽ, hộ kinh doanh khác doanh nghiệp về quy mô, trình độ quản lý, nhân lực, việc luật hóa sẽ quá sức chịu đựng, thậm chí làm khó và hạn chế sự phát triển của loại hình kinh doanh phổ biến rộng rãi ở nước ta. Đại biểu đề nghị, trước mắt, có nghị định về hộ kinh doanh cho phù hợp để tạo điều kiện cho họ phát triển. Sau đó một thời gian sẽ xây dựng luật riêng cho hộ kinh doanh.
Phân tích vấn đề từ góc độ lý luận, ĐBQH Mai Thị Ánh Tuyết (An Giang) chỉ rõ, dù trong khái niệm kinh tế, hai chủ thể hộ kinh doanh và doanh nghiệp đều được coi là doanh nghiệp, nhưng cơ sở, cơ chế và yêu cầu pháp lý với mỗi chủ thể này lại khác nhau. Vì mỗi chủ thể có chức năng, lý do tồn tại khác nhau, phạm vi hoạt động của hộ kinh doanh khá rộng.
Bên cạnh đó, các quy định điều chỉnh về hộ kinh doanh tại Chương VIIa dự thảo Luật Doanh nghiệp (sửa đổi) quá sơ sài, chưa bao quát toàn diện, đầy đủ để có thể bảo đảm sẽ tháo gỡ bất cập cho hộ kinh doanh. Các chính sách đưa ra cũng chưa tạo cơ sở pháp lý cho hộ kinh doanh phát triển. Quyền và nghĩa vụ của hộ kinh doanh cũng chưa được quy định đầy đủ. Thu thuế hay không thu thuế với hộ kinh doanh cũng chưa quy định cụ thể, ĐB Mai Thị Ánh Tuyết thẳng thắn.
Tương tự, với lý lẽ về việc hạn chế quyền tự do kinh doanh đã được hiến định của công dân phải trong Luật, ĐBQH Trần Hoàng Ngân (TP Hồ Chí Minh) nhấn mạnh, trên thực tế, hộ kinh doanh đã được điều chỉnh tại khoản 2, Điều 212 Luật Doanh nghiệp hiện hành. Theo đó, hộ kinh doanh sử dụng thường xuyên từ 10 lao động trở lên phải đăng ký thành lập doanh nghiệp hoạt động theo quy định của Luật Doanh nghiệp. Hộ kinh doanh có quy mô nhỏ thực hiện đăng ký kinh doanh và hoạt động theo quy định của Chính phủ. Do đó, nếu điều chỉnh thì cần điều chỉnh hộ kinh doanh bằng một luật riêng, ĐB Trần Hoàng Ngân đề nghị.
Có thể thấy, việc điều chỉnh đối với hộ kinh doanh bằng quy định của Luật đã được nhìn rõ khi xây dựng Luật Doanh nghiệp năm 2014, song vì nhiều lý do khác nhau nên chưa thể điều chỉnh cụ thể ngay tại thời điểm đó. Vấn đề là hiện nay đã là thời điểm thích hợp để đưa hộ kinh doanh vào điều chỉnh trong Luật Doanh nghiệp sửa đổi hay chưa? Câu trả lời được nhiều ĐBQH đưa ra khi thảo luận tại hội trường về dự án Luật này vẫn là chưa! Vì cơ quan chủ trì soạn thảo chưa đưa ra đánh giá kỹ càng tác động, cũng như lấy ý kiến với chủ thể này.
Dù dự án Luật đã bổ sung một chương mới quy định về hộ kinh doanh (Chương VIIa), nhưng khi tranh luận, ĐBQH Trần Quang Chiểu (Nam Định) chỉ rõ, chỉ có 5 điều, khoản, với những quy định không mới, đơn giản, chưa rõ về chính sách, sẽ khó có thể thể trở thành “cứu cánh” về pháp lý cho hộ kinh doanh. Tác dụng dễ thấy nhất chỉ là sau một đêm sẽ phát triển từ số lượng 700 nghìn trở thành 5 triệu doanh nghiệp. Nếu muốn điều chỉnh hộ kinh doanh tại dự thảo Luật Doanh nghiệp (sửa đổi), ĐB Trần Quang Chiều cho rằng, cần làm lại nội dung của Chương VIIa.