Dự án Luật Phí và lệ phí: Tiếp thu ý kiến để hoàn thiện
Theo chương trình kỳ họp, ngày 26/11/2015, dự án Luật Phí và lệ phí sẽ chính thức được Quốc hội xem xét thông qua.
Nhiều băn khoăn của các đại biểu Quốc hội cũng như dư luận trong nhiều tháng qua đã được Bộ Tài chính nghiêm túc tiếp thu và hoàn chỉnh trong dự thảo cuối cùng trình Chính phủ gửi lên Quốc hội.
Bãi bỏ 86 khoản
Như Bộ Tài chính lý giải, việc người dân thường có suy nghĩ “phí chồng phí” là do hiểu nhầm các khoản phí, lệ phí với các khoản giá dịch vụ. Do đó, khi dự án Luật Phí và lệ phí được đưa ra, nhiều ý kiến cho rằng cần phân biệt rõ khái niệm “phí, lệ phí” và “giá dịch vụ” một cách rõ ràng, minh bạch để làm căn cứ phân loại Danh mục phí, lệ phí, giá dịch vụ được chính xác.
Trước ý kiến trên, Bộ Tài chính đã phối hợp với Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội hoàn chỉnh khái niệm phí, lệ phí trong dự thảo Luật đúng với bản chất kinh tế của từng khoản thu phí, lệ phí. Theo đó, phí là khoản tiền mà tổ chức, cá nhân phải trả cơ bản bù đắp chi phí và mang tính phục vụ khi được cơ quan Nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập và tổ chức được cơ quan Nhà nước có thẩm quyền giao cung cấp dịch vụ công được quy định trong Danh mục phí; lệ phí là khoản tiền được ấn định mà tổ chức, cá nhân phải trả mang tính bắt buộc khi được cơ quan Nhà nước cung cấp dịch vụ công, phục vụ công việc quản lý Nhà nước được quy định trong Danh mục lệ phí.
Từ việc làm rõ khái niệm phí và lệ phí, để đảm bảo tính cụ thể, minh bạch của Luật, Bộ Tài chính cũng đã tiếp thu ý kiến của các đại biểu Quốc hội tại kỳ họp thứ 9 Quốc hội khóa XIII, quy định chi tiết Danh mục phí và lệ phí vào dự thảo và giao Chính phủ quy định cụ thể, theo dòng phí và lệ phí (nếu có) để thực hiện thống nhất các khoản phí, lệ phí trong Danh mục và bảo đảm tính khả thi trong thực tiễn.
Cho biết cụ thể hơn về nội dung này, ông Phạm Đình Thi – Vụ trưởng Vụ Chính sách thuế, Bộ Tài chính liệt kê: Danh mục phí, lệ phí ban hành kèm theo Pháp lệnh phí và lệ phí gồm 115 khoản phí, lệ phí với 73 khoản phí và 42 khoản lệ phí. Danh mục chi tiết phí, lệ phí ban hành kèm theo Nghị định số 24/2006/NĐ-CP của Chính phủ quy định chi tiết thi hành Pháp lệnh phí và lệ phí đã phân loại cụ thể ra thành 301 khoản với 171 khoản phí và 130 khoản lệ phí. Ông Thi cho biết, sau khi rà soát, cơ quan soạn thảo đã quy định Danh mục chi tiết phí, lệ phí ban hành kèm theo Luật sẽ gồm: 318 khoản, trong đó có 209 khoản phí và 109 khoản lệ phí. Các khoản thu này đều được quy định kèm theo thẩm quyền thu của các cơ quan (Chính phủ, Bộ Tài chính và Hội đồng nhân dân cấp tỉnh) đối với từng khoản. Như vậy, so với Danh mục kèm Nghị định số 24, Danh mục mới sẽ được bãi bỏ bớt 86 khoản (26 khoản phí và 60 khoản lệ phí); chuyển sang giá 43 khoản phí (30 khoản Nhà nước quản lý giá, 13 khoản theo giá thị trường).
Cụ thể, minh bạch
Vụ trưởng Vụ Chính sách thuế cho biết thêm, việc quy định chi tiết Danh mục trong Luật cũng nhằm đảm bảo việc thống nhất trong cả nước, tránh tình trạng tự ban hành và thu các loại phí ngoài danh mục, tạo gánh nặng và gây bức xúc cho người dân trong giai đoạn vừa qua. Với nguyên nhân này, trong dự thảo Luật không bổ sung thẩm quyền cho phép chính quyền địa phương quy định một số loại phí nằm ngoài Danh mục của Luật phí và lệ phí như một số ý kiến trước đó đã tham gia. Trong trường hợp cần thiết, phù hợp với điều kiện phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, các địa phương báo cáo Chính phủ trình Uỷ ban Thường vụ Quốc hội xem xét, quyết định bổ sung Danh mục.
Cùng với việc cụ thể hóa Danh mục phí, lệ phí, nhiều ý kiến cũng đề nghị quy định r mức thu, phương thức thu ngay trong Luật để dễ kiểm tra, kiểm soát. Tuy nhiên, cơ quan soạn thảo cho rằng không khả thi vì số lượng các khoản thu là khá lớn; cơ chế thu, mức thu và phương thức thu lại phụ thuộc vào đặc điểm, định mức kinh tế - kỹ thuật của từng loại phí, lệ phí. Theo đó, dự thảo Luật phân cấp cho Chính phủ, Bộ Tài chính và Hội đồng nhân dân cấp tỉnh quyết định cụ thể về mức thu và phương thức thu phù hợp với tính chất và đặc điểm của từng khoản phí, lệ phí ở từng địa phương cụ thể.
Do hệ thống các văn bản hướng dẫn thực hiện Luật và hướng dẫn thực hiện từng loại phí và lệ phí là rất lớn, do vậy, nếu quy định hiệu lực thực hiện từ 1-1-2016 hoặc 1-7-2016 sẽ không đảm bảo thời gian cho Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương ban hành các Nghị định, Thông tư hướng dẫn thực hiện Luật. Vì vậy, thời gian thực hiện Luật Phí và lệ phí quy định từ 1-1-2017.
Với thủ tục khai, nộp phí và lệ phí, để đảm bảo tính cụ thể, minh bạch của Luật, góp phần cải cách thủ tục hành chính, cơ quan soạn thảo cũng quyết định bổ sung quy định về kê khai, nộp phí, lệ phí vào dự thảo Luật. Tuy nhiên, do phạm vi điều chỉnh của Luật Phí và lệ phí là rất rộng, mỗi loại phí, lệ phí lại có bản chất kinh tế, kỹ thuật khác nhau, do đó các quy trình và thủ tục khai, nộp cũng khác nhau. Vì vậy, để bảo đảm tính khả thi, Bộ Tài chính trình Chính phủ đề nghị Quốc hội cho phép, giao Chính phủ quy định chi tiết nội dung này.
Những tiếp thu nói trên của cơ quan soạn thảo đã giúp dự án Luật Phí và lệ phí thêm thuyết phục, tăng tính minh bạch.
Chuyển học phí và viện phí sang giá không ảnh hưởng đến quyền lợi của người dân
Theo quy định tại Luật Khám bệnh, chữa bệnh, Luật Giáo dục, Luật Giá, dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh và dịch vụ giáo dục, đào tạo tại cơ sở khám bệnh, chữa bệnh, cơ sở giáo dục, đào tạo của Nhà nước đã được chuyển sang cơ chế giá và đang được Nhà nước định giá nhằm khuyến khích đẩy nhanh thực hiện xã hội hóa, thu hút đầu tư để phát triển dịch vụ.
Chính phủ đã ban hành Nghị định số 16/2015/NĐ-CP quy định cơ chế tự chủ của đơn vị sự nghiệp công lập trong các lĩnh vực: Giáo dục đào tạo; dạy nghề; y tế... theo đó, đã quy định rõ lộ trình tính giá dịch vụ sự nghiệp công sử dụng kinh phí ngân sách Nhà nước. Đồng thời, để tránh tác động lớn đến đời sống của người dân, theo quy định của Luật Bảo hiểm y tế và Nghị định của Chính phủ trong lĩnh vực giáo dục và đào tạo đã có các chính sách hỗ trợ cho người nghèo và các đối tượng chính sách, đảm bảo khi chuyển sang thực hiện cơ chế giá không gây khó khăn, bất lợi cho người nghèo, vùng sâu, vùng xa và dân tộc thiểu số.
Do đó, để đảm bảo tính đồng bộ của hệ thống pháp luật, Danh mục phí, lệ phí ban hành kèm theo Luật không có tên 2 loại phí này.