Dự án Luật Quản lý nợ công (sửa đổi): Công khai, minh bạch, chặt chẽ
Phạm vi của nợ công nên giữ như Luật hiện hành, bao gồm nợ Chính phủ, nợ Chính phủ bảo lãnh, nợ của chính quyền địa phương, hay cần bổ sung các khoản nợ khác như nợ của doanh nghiệp nhà nước, của Ngân hàng Nhà nước, của các quỹ tài chính ngoài ngân sách...?
Phạm vi nợ công - cần giải trình thuyết phục
Khoản 2 Điều 1, Dự thảo Luật Quản lý nợ công (sửa đổi) quy định về phạm vi nợ công theo hướng giữ nguyên quy định của Luật hiện hành. Nợ công bao gồm nợ Chính phủ, nợ được Chính phủ bảo lãnh, nợ chính quyền địa phương.
Quan điểm này nhận được sự đồng tình của đa số ý kiến trong Thường trực Ủy ban Tài chính - Ngân sách, cơ quan chủ trì thẩm tra dự án Luật. Theo đó, không tính vào nợ công các khoản nợ do Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Việt Nam phát hành để thực hiện chính sách tiền tệ, nợ tự vay, tự trả của doanh nghiệp nhà nước (DNNN).
Tuy nhiên, có ý kiến đề nghị bổ sung vào phạm vi nợ công các khoản nợ tự vay, tự trả của DNNN, vì đây là doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ cổ phần, chi phối nên các khoản nợ này về bản chất, Nhà nước vẫn có trách nhiệm, trong trường hợp doanh nghiệp không có khả năng trả nợ.
Có ý kiến đề nghị nghiên cứu, đưa các khoản ứng trước nợ ngân sách nhà nước (NSNN), nợ cấp bù chênh lệch lãi suất cho các ngân hàng chính sách, nợ hoàn thuế giá trị gia tăng và nợ bảo hiểm xã hội (những khoản kéo dài qua năm ngân sách) vào nợ công. Vì đây thực chất là những khoản nợ mà ngân sách sẽ phải bố trí nguồn để trả ở các năm sau nên nếu không tính vào nợ công sẽ dẫn đến những rủi ro, bị động cho quá trình quản lý, điều hành nợ công.
Về chức năng, nhiệm vụ của các cơ quan, đặc biệt là của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính, Ngân hàng Nhà nước trong quy trình, thủ tục, vận động, điều phối, đàm phán, ký kết hiệp định khung, thỏa thuận vay cụ thể, phân bổ, sử dụng vốn vay trả nợ và quản lý trả nợ, trong dự thảo Luật hầu như giữ nguyên như hiện nay, nhưng đề nghị cơ quan soạn thảo làm rõ hơn.
Theo Nghị quyết 07/NQ-TW của Bộ Chính trị có đưa ra định hướng phải có một cơ quan quản lý hiệu quả về nợ công. Tờ trình của Chính phủ có đưa ra lý do để tránh xáo trộn chức năng, nhiệm vụ của 3 Bộ đang được giao quản lý về nợ công như hiện nay. Tuy nhiên, vấn đề đặt ra là nếu giữ như hiện hành thì có giải quyết được các mâu thuẫn, bất cập trong nợ xấu rất cao như hiện nay không?
Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế
Vũ Hồng Thanh
Qua nghiên cứu thực tiễn và các quy định của dự thảo, Phó Chủ tịch Quốc hội (QH) Phùng Quốc Hiển cho rằng, những lập luận nêu trên rất đáng quan tâm và phải được bàn thảo kỹ. Cụ thể, Chính phủ cho rằng, nợ của NHNN nếu có là điều hành chính sách tiền tệ, không nằm trong nợ công, nhưng NHNN lại nằm trong hệ thống tài chính công. Nếu là tài chính công, thì nợ NHNN có nằm trong nợ công? Chính phủ cũng lập luận, theo thông lệ quốc tế, Ngân hàng Trung ương là độc lập, không nằm trong cơ cấu tổ chức Chính phủ. Song, ở nước ta, Ngân hàng Nhà nước lại thuộc hệ thống các cơ quan của Chính phủ, rất nhiều điều hành của Chính phủ liên quan đến vấn đề cho vay. Đây là câu chuyện cần được làm rõ.
Tương tự như vậy, đối với vấn đề nợ của các quỹ ngoài ngân sách, thực tế cho thấy, đây cũng là các khoản nằm trong hệ thống tài chính công. Nếu các quỹ ngoài ngân sách này đi vay quốc tế và không trả được nợ thì có nằm trong nợ công hay không? Theo Phó Chủ tịch QH Phùng Quốc Hiển, đây là những vấn đề mà Ban soạn thảo phải giải trình rõ một cách thuyết phục, cụ thể về phạm vi nợ công trong dự thảo Luật.
Không chuyển nợ doanh nghiệp thành nợ nhà nước
Thẩm tra sơ bộ về dự án Luật, đa số ý kiến trong Thường trực Ủy ban Tài chính - Ngân sách thống nhất với nội dung về phạm vi nợ công thể hiện trong dự thảo Luật. Theo đó, không tính vào nợ công các khoản nợ do NHNN Việt Nam phát hành để thực hiện chính sách tiền tệ, nợ tự vay tự trả của DNNN. Trong trường hợp doanh nghiệp không đủ khả năng trả nợ thì thực hiện thủ tục phá sản theo quy định của pháp luật.
Giải trình trước UBTVQH về vấn đề này, Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng cũng nêu rõ, các khoản do Chính phủ cho vay lại, Chính phủ bảo lãnh cho các tổ chức tín dụng, bảo lãnh cho DNNN đều đã tính trong nợ công. Khoản nợ khác của DNNN sẽ do doanh nghiệp tự vay, tự trả.
DNNN là công ty TNHH một thành viên, chịu trách nhiệm hữu hạn trên tổng số vốn điều lệ được cấp. Trường hợp doanh nghiệp vay mà không trả được, phải phá sản theo luật định. “Chúng ta cương quyết làm như thế”, Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng nhấn mạnh. Và thực tế Nghị quyết số 07/NQ - TW của Bộ Chính trị ngày 18/11/2016 (về chủ trương, giải pháp cơ cấu lại NSNN, quản lý nợ công để bảo đảm nền tài chính quốc gia an toàn, bền vững) đã khẳng định quan điểm, không chuyển nợ doanh nghiệp thành nợ nhà nước.
Vấn đề DNNN và nợ của DNNN đang được điều chỉnh bằng nhiều văn bản luật như Luật Doanh nghiệp nhà nước, Luật Phá sản… Thực tiễn cũng cho thấy, nếu đưa hết các khoản nợ do NHNN Việt Nam phát hành để thực hiện chính sách tiền tệ, nợ tự vay tự trả của DNNN vào phạm vi điều chỉnh lần này thì phạm vi nợ công sẽ không rõ ràng, quá trình xử lý, thống kê cũng theo đó mà rất khó xử lý, nhất là xử lý tồn tại. Vấn đề ở đây, theo Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách Nguyễn Đức Hải, là làm sao phải có một khuôn khổ pháp lý để quản lý nợ công, nợ quốc gia, khắc phục được những tồn tại đã chỉ ra để quản lý nợ công tốt hơn.
Dự án Luật Quản lý nợ công (sửa đổi) mới trình UBTVQH cho ý kiến lần đầu tiên. Để rộng đường thảo luận, Phó Chủ tịch QH Phùng Quốc Hiển nêu rõ, UBTVQH chưa quyết định theo hướng cụ thể nào mà giao Ủy ban Tài chính - Ngân sách thẩm tra. Tuy nhiên, riêng với phạm vi và cách tính nợ công thì cần tiếp tục thẩm tra, rà soát hoặc giải trình rõ. Vì rằng, giải trình của Chính phủ hiện vẫn còn có điểm mâu thuẫn.
Đơn cử, về các khoản nợ của DNNN, nhất là những doanh nghiệp nhà nước nắm quyền chi phối, các đơn vị sự nghiệp có quyền tự chủ tài chính, nếu trong những trường hợp để xảy ra nợ, thì xử lý như thế nào?
Đa số ý kiến hiện đồng tình với việc không nên đưa các khoản nợ này vào phạm vi của nợ công điều chỉnh trong Luật Quản lý nợ công, nhưng rõ ràng nó sẽ phát sinh những vấn đề liên quan đến trách nhiệm tài chính của Nhà nước. Do vậy, cần phải giải trình thêm để khi quyết định chúng ta sẽ có được phạm vi rõ ràng, công khai, minh bạch, chặt chẽ, Phó Chủ tịch QH Phùng Quốc Hiển yêu cầu.