Phát hành trái phiếu Chính phủ: Kết quả năm 2016 và triển vọng năm 2017

ThS. Trịnh Thị Vân Anh

Năm 2016, Kho bạc Nhà nước (KBNN) đã hoàn thành nhiệm vụ huy động vốn cho ngân sách nhà nước (NSNN) theo Nghị quyết của Quốc hội giao, đạt được trên cả 5 tiêu chí về khối lượng huy động, kỳ hạn, lãi suất trái phiếu, phương thức, sản phẩm phát hành và cơ cấu nhà đầu tư. Năm 2017, được đánh giá là một năm hứa hẹn nhiều cơ hội để phát triển thị trường trái phiếu chính phủ (TPCP) theo chiều sâu.

Ảnh minh họa. Nguồn: internet.
Ảnh minh họa. Nguồn: internet.

Năm 2016, năm đầu tiên thực hiện Nghị quyết Đại hội lần thứ XII của Đảng, đồng thời triển khai các công việc thuộc Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm giai đoạn 2016 - 2020, để đạt được các mục tiêu kinh tế lớn đề ra (tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân đạt 6,7%, bội chi NSNN 4,95% GDP, tổng vốn đầu tư phát triển toàn xã hội 31% GDP…) Đảng, Quốc hội, Chính phủ đã có nhiều chủ trương, giải pháp quyết liệt trong điều hành để đảm bảo ổn định kinh tế vĩ mô, bình ổn thị trường tài chính tiền tệ, thúc đẩy sản xuất kinh doanh phát triển, ổn định lạm phát.

Đến thời điểm 20/12/2016 các mục tiêu  đang dần tiến về đích với dự báo tốc độ tăng trưởng kinh tế đạt trên 6% (mức khả quan so với mặt bằng chung của kinh tế thế giới), lạm phát sẽ được kiềm chế ở mức 5% (11 tháng ở mức 4,5%), thu NSNN ước đạt khoảng 90% (đến hết tháng 11)…

Để góp phần cùng ngành Tài chính hoàn thành các nhiệm vụ về tài chính - ngân sách được Đảng, Quốc hội và Chính phủ giao, KBNN đã cùng các đơn vị đề ra nhiều giải pháp triển khai trong công tác huy động vốn, một mặt đảm bảo nguồn cho đầu tư phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, mặt khác giữ vững sự ổn định và vai trò chủ đạo của thị trường TPCP đối với thị trường trái phiếu Việt Nam.

Những thành công nổi bật trong công tác huy động vốn của Kho bạc Nhà nước năm 2016

Về khối lượng: KBNN huy động được 281.750,2 tỷ đồng, đạt 98,3% kế hoạch Bộ giao (286.600 tỷ đồng), góp phần tích cực vào cân đối NSNN và bổ sung nguồn vốn cho đầu tư các công trình trọng điểm theo Nghị quyết của Quốc hội.

Bên cạnh đó, để đảm bảo thanh khoản trong những thời điểm NSNN chưa tập trung kịp nguồn thu, KBNN đã tổ chức phát hành tín phiếu kho bạc (vay và trả nợ trong năm) với tổng khối lượng là 49.600 tỷ đồng.

Tổng khối lượng TPCP phát hành (không kể tín phiếu), chiếm 88,1% so với tổng mức phát hành trái phiếu trên thị trường (TPCP, TPCP bảo lãnh và trái phiếu chính quyền địa phương) và bằng hơn 70% nếu tính cả trái phiếu doanh nghiệp.

Về phương thức phát hành: Toàn bộ khối lượng trái phiếu phát hành ra thị trường trong năm 2016 được thực hiện theo phương thức đấu thầu qua Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội (đối với trái phiếu) và Sở giao dịch Ngân hàng Nhà nước (đối với tín phiếu) vì thế kế hoạch, lịch biểu, thông tin về đợt phát hành, kết quả phát hành, thanh toán TPCP đượccông khai minh bạch tới tất cả các nhà đầu tư.

Về kỳ hạn trái phiếu: Tỷ trọng trái phiếu có kỳ hạn từ 5 năm trở lên chiếm 91% tổng khối lượng huy động, trong đó kỳ hạn dài từ 10 - 30 năm chiếm 24%, đảm bảo tuân thủ giới hạn về kỳ hạn trái phiếu theo Nghị quyết số 99/2015/QH13 về dự toán NSNN năm 2016 mà Quốc hội đề ra.

Kỳ hạn vay bình quân năm 2016 đạt 8,77 năm, tăng 1,79 năm so với năm 2015. Nhờ đó, kỳ hạn còn lại của danh mục nợ TPCP được nâng từ mức 4,44 năm (31/12/2015) lên mức 5,98 năm (31/12/2016), giúp bền vững cơ cấu nợ công, giảm áp lực trả nợ của NSNN trong ngắn hạn.

Lãi suất phát hành: Lãi suất phát hành TPCP năm 2016 được điều hành theo sát lãi suất thị trường, phù hợp với mặt bằng lãi suất chung và tối ưu chi phí vay nợ cho NSNN. Dừng ở phiên cuối cùng của năm 2016, lãi suất TPCP kỳ hạn 5 năm (ngày 7/12/2016) ở mức 5,28%/năm giảm 130 điểm so với phiên đầu năm (ngày 6/1/2016), các trái phiếu kỳ hạn 10 năm - 15 năm giảm từ 45 - 90 điểm, trái phiếu dài từ 20 năm - 30 năm giảm 2 - 4 điểm. Lãi suất bình quân của TPCP phát hành năm 2016 là 6,49%/năm.

Cơ cấu nhà đầu tư: Cơ cấu nhà đầu tư trên thị trường được cải thiện và đang hướng tới mục tiêu đề ra tại Lộ trình phát triển thị trường TPCP đến năm 2020, trong đó tỷ trọng nhà đầu tư nước ngoài tăng từ mức 8,35% (năm 2015) lên 12,27% (năm 2016); tỷ trọng nhà đầu tư là các công ty bảo hiểm, quỹ đầu tư, công ty tài chính tăng từ mức 14,62% (năm 2015) lên 20,02% (năm 2016), tiến tới xây dựng thị trường theo hướng bền vững, giảm dần sự phụ thuộc của thị trường TPCP vào khối các NHTM.

Thực hiện tái cấu trúc thị trường: Bên cạnh việc triển khai công tác phát hành TPCP thường xuyên đểthực hiện nhiệm vụ huy động vốn được giao, đã tổ chức thành công đợt hoán đổi kéo dài kỳ hạn trái phiếu, trong đó 6 mã trái phiếu từ kỳ hạn 4 – 6 năm được hoán đổi thành các trái phiếu có kỳ hạn từ 8 - 30 năm, tổng khối lượng trái phiếu hoán đổi thành công là 2.765 tỷ đồng, góp phần kéo dài kỳ hạn bình quân của danh mục TPCP tại thời điểm hoán đổi từ mức 5,63 năm lên mức 5,71 năm.

Thành công của đợt hoán đổi hình thành công cụ để Bộ Tài chính thực hiện tái cấu trúc thị trường trái phiếu theo đúng tinh thần Nghị quyết của Bộ Chính trị về cơ cấu lại NSNN và nợ công giai đoạn 2016 - 2020.

Triển vọng năm 2017

Trên cơ sở kết quả đạt được năm 2016, công tác phát hành TPCP trong năm 2017 được đánh giá sẽ có nhiều cơ hội để hỗ trợ phát triển thị trường theo chiều sâu, cụ thể:

Thứ nhất: Sự quan tâm, chỉ đạo quyết liệt của Đảng và Quốc hội nhằm đảm bảo nền tài chính quốc gia an toàn, bền vững.

Ngày 18/11/2016, Bộ Chính trị đã có Nghị quyết số 07-NQ/TW về chủ trương, giải pháp cơ cấu lại NSNN, quản lý nợ công để đảm bảo nền tài chính quốc gia an toàn, bên vững.

Nghị quyết nêu rõ những hạn chế, yếu kém trong lĩnh vực này, đưa ra mục tiêu, quan điểm chỉ đạo: “Cơ cấu NSNN và quản lý nợ công phải đặt trong tổng thể cơ cấu lại nền kinh tế, gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, bảo đảm hiệu quả, toàn diện, công bằng, bền vững, động viên hợplý các nguồn lực”.

Ngày 9/11/2016, tại kỳ họp thứ hai, Quốc hội khóa XIV đã thông qua Nghị quyết số 25/2016/QH14 về kế hoạch tài chính 5 năm Quốc gia giai đoạn 2016 - 2020, theo đó sẽ thực hiện siết chặt kỷ luật, kỷ cương tài chính, giảm mạnh và kiểm soát chặt chẽ bội chi NSNN, nợ công, nợ nước ngoài của quốc gia, bảo đảm ổn định kinh tế vĩ mô và an ninh tài chính quốc gia với một số chỉ tiêu cụ thể liên quan đến công tác huy động vốn như:

(i) Tỷ lệ bội chi NSNN cả giai đoạn 2016 - 2020 không quá 3,9%GDP, phấn đấu đến năm 2020 không quá 3,5%GDP;

(ii) nợ cônghằng năm không quá 65%GDP, nợ Chính phủ không quá 54%GDP, nợ nước ngoài của quốc gia không quá 50%GDP;

(iii) cơ cấu lại các khoản nợ công, giảm tỷ trọng nợ nước ngoài, tăng tỷ trọng nợ trong nước.

Xây dựng thị trường trái phiếu, hạn chế phát hành trái phiếu quốc tế, giữ kỳ hạn TPCP trên 5 năm là chủ yếu, nâng kỳ hạn trung bình TPCP phát hành trong giai đoạn 2016 - 2020 lên khoảng 6 - 8 năm.

Thứ hai, bên cạnh quan điểm, chỉ đạo chung cho cả giai đoạn, tại kỳ họp thứ hai, Quốc hội khóa XIV cũng đã thông qua Nghị quyết số 27/2016/ QH14 về dự toán NSNN năm 2017 với những thuận lợi cho công tác huy động vốn thông qua phát hành TPCP năm 2017, cụ thể: (i) Quốc hội phê duyệt tổng mức vay của NSNN, bao gồm vay để bù đắp bội chi và vay để trả nợ gốc của NSNN là 340.157 tỷđồng, chỉ bằng hơn 70% so với năm 2016, theo đó dự kiến mức vay thông qua phát hành TPCP sẽ không cao như năm 2016; (ii) Quốc hội giao Chính phủ đảm bảo tỷ lệ phát hành TPCP có thời hạn từ 5 năm trở lên tối thiểu 70% tổng khối lượng TPCP để đáp ứng yêu cầu huy động vốn cho NSNN, cơ cấu danh mục nợ, quản lý rủi ro và phát triển thị trường trái phiếu.

Quy định này cho phép Bộ Tài chính có thể phát hành đa dạng các loại kỳ hạn trái phiếu hơn trong năm 2016, thu hút sự quan tâm đông đảo của các đối tượng nhà đầu tư, đặc biệt là đầu tư ngắn hạn. Mặt khác với việc duy trì đầy đủ các loại kỳ hạn trái phiếu, thị trường sơ cấp sẽ hình thành đường cong lãi suất tham chiếu chuẩn cho các giao dịch trái phiếu trên thị trường thứ cấp và các công cụ nợ khác trên thị trường tài chính.

Thứ ba, thực hiện chủ trương của Đảng, Quốc hội và Chính phủ, Bộ Tài chính quyết tâm thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp để đạt các mục tiêu phát triển thị trường trái phiếu đến năm 2020 theo chiến lược đã đề ra, theo đó sẽ chú trọng việc phát triển các sản phẩm mới (trái phiếu dài hạn trên 30 năm, trái phiếu có lãi suất thả nổi, trái phiếu gắn với chỉ số lạm phát...) và mở rộng cơ sở nhà đầu tư, phát triển cơ sở hạ tầng công nghệ nhằm phát triển thị trường trái phiếu theo chiều sâu.

Thứ tư, với mức tăng trưởng kinh tế trên 6%GDP trong năm 2016, kinh tế Việt Nam được đánh giá là có mức tăng trưởng khá trong khu vực và trên thế giới. Mặt khác việc duy trì lạm phát, ổn định tỷ giá trong những năm gần đây đã tạo dựng niềm tin mạnh mẽ hơn cho các nhà đầu tư vào TPCP, thị trường trái phiếu Việt Nam đang là điểm đến hấp dẫn cho các nhà đầu tư.

Thứ năm, công tác phát hành, thanh toán, niêm yết, đăng ký, lưu ký và giao dịch TPCP của KBNN, Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội và Trung tâm Lưu ký chứng khoán Việt Nam đã hình thành các quy trình chuẩn, đảm bảo công khai, minh bạch và công bằng hướng theo các thông lệ tốt của Quốc tế.