Dư địa hạ lãi suất cho vay

Theo Đặng Hà My/Báo Thời Nay

Thời gian tới, chính sách tiền tệ (CSTT) sẽ tiếp tục nới lỏng để hỗ trợ sự hồi phục của nền kinh tế sau đại dịch, trong bối cảnh lạm phát đang được kiểm soát tốt, bao gồm tăng hạn mức tín dụng, tiếp tục có các biện pháp giảm lãi suất cho vay (LSCV), thậm chí giảm lãi suất điều hành. Việc sử dụng CSTT hỗ trợ nền kinh tế hiện đã gần tới giới hạn, đòi hỏi phải đẩy mạnh việc thực hiện các giải pháp tài khóa, các cơ chế đặc thù.

Nhiều ngân hàng thương mại tiếp tục giảm lãi suất cho vay để hỗ trợ doanh nghiệp.
Nhiều ngân hàng thương mại tiếp tục giảm lãi suất cho vay để hỗ trợ doanh nghiệp.

Gia tăng các gói tín dụng ưu đãi

Theo Vụ CSTT, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Việt Nam, trong tám tháng đầu năm 2021, cơ quan quản lý giữ nguyên các mức lãi suất điều hành (LSĐH), tạo điều kiện cho các tổ chức tín dụng (TCTD) tiếp cận nguồn vốn từ NHNN với chi phí thấp, qua đó tiếp tục giảm LSCV nhằm hỗ trợ khách hàng phục hồi sản xuất, kinh doanh (SXKD).

Lũy kế từ ngày 23/1/2020 đến nay, tổng số tiền lãi các TCTD miễn, giảm cho khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19 là gần 26.000 tỷ đồng. Đến cuối tháng 7/2021, mặt bằng LSCV giảm khoảng 0,55%/năm so cuối năm 2020 và sẽ tiếp tục được hệ thống NH triển khai quyết liệt trong thời gian tới.

Được biết, thực hiện Nghị quyết 63/NQ-CP và chỉ đạo của NHNN, 16 NHTM (chiếm 75% tổng dư nợ nền kinh tế) đã thống nhất nguyên tắc tiếp tục giảm LSCV lên đến 1%/năm trên dư nợ hiện hữu bằng đồng Việt Nam trong 5 tháng cuối năm 2021 đối với khách hàng chịu ảnh hưởng bởi dịch COVID-19, tổng số tiền lãi giảm cho khách hàng ước tính hơn 20.613 tỷ đồng.

Cụ thể, mới đây, MSB đã có gói tín dụng 1.000 tỷ đồng, với LSCV từ 5,5%/năm, triển khai đến ngày 31/12/2021, nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp (DN) ngành nhựa. Theo đó, khách hàng có nhu cầu về vốn ngắn hạn có thể chọn giải pháp tài trợ đến ba lần giá trị tài sản bảo đảm, hoặc giải pháp tài trợ không tài sản bảo đảm lên đến 5 tỷ đồng. DN có kế hoạch hoạt động dài hạn có thể lựa chọn gói tài trợ trung, dài hạn tới 70% giá trị tài sản đầu tư, thời gian vay tối đa bảy năm.

Tương tự, SCB cũng vừa triển khai chương trình ưu đãi lãi suất cho khoản vay mới đến hết ngày 19/3/2022, dành cho các DN nhỏ và vừa (DNNVV). Cụ thể, với gói ưu đãi thứ nhất, LSCV từ 6,99%/năm, áp dụng với khách hàng duy trì số dư tài khoản thanh toán bình quân tối thiểu tại SCB từ 50 triệu đồng. Với gói ưu đãi thứ hai, LSCV từ 8,05%/năm, không yêu cầu cam kết duy trì số dư tài khoản thanh toán bình quân tối thiểu tại SCB...

Theo NHNN, tính đến ngày 20/9/2021, tín dụng toàn nền kinh tế và huy động vốn từ các TCTD lần lượt tăng 7,17% và 4,28% so cuối năm 2020 (cùng thời điểm năm 2020 tăng 4,99% và 7,35% so cuối năm 2019). Tuy nhiên, xét theo tháng, tín dụng chậm lại trong tháng 9 với mức giảm 0,23% so tháng 8, tương đương giảm 30.000 tỷ đồng, trong bối cảnh dịch COVID-19 có diễn biến phức tạp. Do vậy, chênh lệch giữa tiền gửi - tín dụng được cải thiện và giúp giảm áp lực lên thanh khoản hệ thống.

Thực hiện đồng bộ các giải pháp tài khóa

Dẫn số liệu của Tổng cục Thống kê, tính đến cuối tháng 9/2021, huy động vốn của các TCTD tăng 4,28%, cùng thời điểm năm 2020 tăng 7,48%, tăng trưởng tín dụng của nền kinh tế đạt 7,17%, cùng thời điểm năm 2020 tăng 4,99%, chuyên gia kinh tế, TS Vũ Đình Ánh cho rằng, muốn hạ được LSCV phải hạ được lãi suất huy động (LSHĐ).

Nhưng trong khi bối cảnh hiện nay, nhiều NH báo cáo lượng tiền gửi đang giảm mà giảm tiếp LSHĐ là chuyện khó. Các báo cáo hiện nay cho thấy con số lạm phát thấp, căn cứ vào số liệu này có khả năng hạ LSHĐ, nhưng lạm phát toàn cầu hiện rất cao, trong khi Việt Nam đang nhập khẩu nhiều, nên việc nhập khẩu lạm phát là có thể xảy ra. Một giải pháp khác để giảm LSCV là các NH cắt giảm chi phí, nhưng câu chuyện này mang tính chất dài hạn, trong khi nhu cầu hiện nay của nền kinh tế là cấp bách.

Chuyên gia phân tích của Công ty Chứng khoán SSI nhận định, CSTT trong thời gian tới sẽ tiếp tục nới lỏng để hỗ trợ sự hồi phục của nền kinh tế sau đại dịch, trong bối cảnh lạm phát đang được kiểm soát tốt, bao gồm tăng hạn mức tín dụng, tiếp tục có các biện pháp giảm LSCV, thậm chí giảm LSĐH. Việc sử dụng CSTT hỗ trợ nền kinh tế hiện đã gần tới giới hạn, đòi hỏi phải đẩy mạnh việc thực hiện đồng bộ các giải pháp tài khóa, thực hiện các cơ chế đặc thù.

Chia sẻ quan điểm này, chuyên gia kinh tế TS. Lê Xuân Nghĩa cho rằng, NHNN có thể hạ LSĐH, hạ lãi suất tái cấp vốn, hay sử dụng nghiệp vụ thị trường mở thông qua giải pháp bơm tiền ra thị trường với nghiệp vụ mua trái phiếu chính phủ hiện đang được các NH nắm giữ rất nhiều. Việc đẩy lượng tiền lớn ra lưu thông có khả năng ảnh hưởng đến lạm phát, nhưng không đáng ngại, bởi lạm phát hiện ở mức thấp. Đôi khi phải chấp nhận có sự đánh đổi liên quan đến lạm phát. Dư địa giảm LSCV là có, NHNN có thể cân đối để mức lãi suất giảm khoảng 1%/năm là phù hợp.

Ở góc độ cơ quan quản lý nhà nước, đại diện NHNN cho biết, việc sử dụng CSTT hỗ trợ nền kinh tế hiện đã gần tới hạn do: LSĐH ở mức rất thấp so nhiều năm trở lại đây, nhiều thời điểm lãi suất liên NH sát 0%/năm; nguy cơ tăng nợ xấu đối với hệ thống NH; các tổ chức xếp hạng tín nhiệm quốc gia cảnh báo rủi ro suy giảm chất lượng bảng cân đối của các TCTD trong nước do tác động của dịch COVID-19 và có thể dẫn đến nguy cơ giảm hệ số tín nhiệm quốc gia của Việt Nam.

Hệ thống TCTD vẫn đang tiếp tục cơ cấu lại và xử lý nợ xấu… Do đó, để hỗ trợ nền kinh tế, cần đẩy mạnh việc thực hiện các giải pháp tài khóa, thực hiện các cơ chế đặc thù như đã nêu tại Nghị quyết kỳ họp thứ nhất Quốc hội khóa XV.

NHNN dự kiến triển khai gói hỗ trợ tái cấp vốn có quy mô tương đương 100.000 tỷ đồng dư nợ cho vay, với lãi suất cấp bù là 3 - 4%/năm.